Tranh chấp biển Đông trong thời gian tới vẫn sẽ căng thẳng vì tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông không đổi. Tuy nhiên, đã xuất hiện thêm những yếu tố tác động đến tình hình khu vực như thay đổi chính trị ở Mỹ, Philippines và những chuyển động kinh tế, chiến lược khác trong khu vực.
Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về biển Đông diễn ra trong 2 ngày.
Đó là nhận định của PSG.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về biển Đông khai mạc ngày 14/11 tại TP Nha Trang.
TS Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mở ra những cơ hội cho các tiến trình ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Ngay sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, một số nước đã điều chỉnh lập luận pháp lý để thích ứng với tình hình mới và tiến hành một số hoạt động ngoại giao dựa trên cơ sở phán quyết.
Rõ nhất là một số chuyển động trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước, trong đó có Việt Nam, cũng đi theo hướng đó. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không suôn sẻ vì có nhiều yếu tố tác động.
Tham vọng của Trung Quốc khó đổi, trong khi xuất hiện những nhân tố mới như thay đổi chính trị ở Mỹ, Philippines và những chuyển động kinh tế, chiến lược khác trong khu vực.
Nhận định về việc Philippines và Malaysia có xu hướng chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp trên biển Đông, ông Tùng cho rằng tất cả các nước đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Và việc Tòa trọng tài ra phán quyết là sự khẳng định rõ ràng tinh thần thượng tôn pháp luật, trở thành vũ khí để các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines, sử dụng trong quan hệ với các nước lớn. Khi tuân theo luật pháp quốc tế thì tất cả đều phải đi theo đường lối chung, nhưng cách làm có thể khác nhau, ông Tùng nói.
Về câu hỏi tình hình biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài sẽ đi về đâu sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền và ông Donald Trump vừa đắc cử tổng thống Mỹ, TS Tùng cho rằng, nguồn gốc của căng thẳng trên biển Đông là tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông không thay đổi.
Vì thế, không hy vọng tình hình sẽ dịu đi khi Trung Quốc chưa thay đổi. Tuy nhiên, khả năng xảy ra chiến tranh là thấp vì khi đó Trung Quốc cũng không được lợi gì, TS nhận định.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không có những hành động cực đoan. Họ cũng đã mở ra một số tiến trình ngoại giao, có dấu hiệu hòa dịu với Philippines.
Trung Quốc rất lo ngại tác động bất lợi khi Mỹ có tổng thống mới, nhưng Trung Quốc chính là một trong những nước đầu tiên chúc mừng ông Trump và đặt vấn đề hai bên tiếp tục củng cố quan hệ song phương. Nhưng yếu tố cốt lõi nhất là tham vọng của Trung Quốc thì chúng ta phải tiếp tục cảnh giác”, ông Tùng nói.
Mỹ khó bỏ quyền lợi ở khu vực
TS Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, sự có mặt của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn gần đây là một yếu tố tạo nên sự ổn định. Có thời điểm một số người nghĩ rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực là điều tất nhiên, không phải bàn đến.
Nhưng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua cho thấy điều đó chưa chắc chắn. Bây giờ còn quá sớm để phân tích nước Mỹ sẽ chọn chính sách nào đối với châu Á – Thái Bình Dương.
“Tôi nghĩ rằng, lợi ích của nước Mỹ, quyền lợi kinh tế của nước Mỹ khiến họ vẫn phải duy trì hiện diện ở khu vực tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới này”, ông Tùng nói.
Nhận định về tình hình biển Đông năm 2017, TS Tùng cho biết ông và nhiều chuyên gia dự báo năm 2017 sẽ chứng kiến nhiều biểu hiện phức tạp, lúc căng và chùng.
“Nhưng hy vọng thiện chí của các bên và xu thế hòa bình sẽ đưa đến những sự lựa chọn chính sách thông minh hơn. Tôi cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài sẽ có tác động rất lâu dài, rất cơ bản trong giải quyết vấn đề biển Đông”, ông Tùng nói.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nói rằng, hơn lúc nào hết, tình hình biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực cũng như các cơ chế cần thiết để duy trì trật tự và pháp luật trên biển.
“Ở biển Đông không chỉ có vấn đề hòa bình, ổn định, mà cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, sinh kế của các cộng đồng ven biển và tính bền vững của hệ sinh thái đại dương”, ông Quang nói.
Hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức để tạo cơ hội cho gần 200 học giả trong và ngoài nước cùng các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ thông tin, đánh giá các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực biển Đông, đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo, lần đầu tiên có một phiên riêng dành cho đại diện hải quân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước chia sẻ các biện pháp tương tác và phối hợp trên thực địa nhằm tránh các tình huống va chạm bất ngờ và thúc đẩy hợp tác trên biển.