Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngÔng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn những gì?

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn những gì?

Trong 10 nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Phúc, có những nội dung thời sự được cập nhật như: Đánh giá các dự án thua lỗ lớn; Xử lý trách nhiệm các sự cố ô nhiễm môi trường; Công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XIII sáng 13/6/2015.

Theo chương trình chất vấn chi tiết của kỳ họp Quốc hội thứ hai, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng thứ năm (17/11).

Cụ thể, theo chương trình dự kiến, từ 8h30 đến 11h10 ngày 17/10, ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong ngày 2 ngày trước đó (15-16/11/2016).

Như vậy là phạm vi nội dung trả lời của ông Phúc đã được “khuôn” lại so với thông lệ các phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm Quốc hội các khóa trước thường làm. Đó là Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp về bất cứ vấn đề nào các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong khóa trước, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhiều lần đăng đàn trả lời chất vấn theo sự ủy quyền của người đứng đầu Chính phủ tại các kỳ họp giữa năm. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII diễn ra giữa năm 2015, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiều chất vấn từ vấn đề Biển Đông tới nợ công, hạ tầng giao thông, việc lấn sông tại Đồng Nai, chặt cây xanh tại Hà Nội hay tình trạng công chức “cắp ô”.

Kỳ này, các nội dung đại biểu có thể chất vấn ông Nguyễn Xuân Phúc nằm trong 10 nhóm vấn đề dành cho 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn (Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng Nội vụ). Có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương…

Nhưng cũng có những nội dung mới, thời sự được cập nhật, đưa vào chương trình chất vấn, ví như chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…

Bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn thậm chí đã nêu nhiều đề xuất nội dung khác như xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng; chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp; án tồn đọng, án oan sai chưa được giải quyết; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; quy hoạch và phê duyệt dự án xây dựng cơ bản (khu dân cư, chung cư); kết quả trồng rừng thay thế và hỗ trợ đời sống người dân ở các công trình thủy điện; các dự án BOT đường bộ…

Ví dụ, với nhóm vấn đề được đề xuất cho Bộ Nội vụ, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của Bộ trong tham mưu để Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh và việc tặng thưởng các danh hiệu nhà nước đối với Tổng công ty xây lắp dầu khí…

Với các nhóm vấn đề trong lĩnh vực Tài nguyên – môi trường, một số ý kiến đề nghị đề cập rõ đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm trong vụ Formosa; giải pháp khắc phục; trách nhiệm của Bộ trưởng; việc xử lý, kỷ luật tổ chức, cá nhân có liên quan (vì đây là vấn đề đang được xã hội, người dân rất quan tâm, theo dõi, nên cần phải có sự trao đổi, giải trình, làm rõ để công khai minh bạch và định hướng dư luận).

Theo UB Thường vụ Quốc hội thì đây đều là những vấn đề nổi lên, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm nhưng không được chọn để chất vấn vì nhiều nội dung đã được đại biểu Quốc hội chất vấn và đang trong quá trình triển khai thực hiện việc khắc phục những hạn chế, bất cập theo nghị quyết của Quốc hội.

Các nhóm vấn đề được đề xuất đối với các lĩnh vực đã có cân nhắc đến thời lượng dành cho chất vấn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung bức xúc, thiết thực nhất. Do đó, trong quá trình chất vấn, đề nghị đại biểu bám sát nội dung nhóm vấn đề đã nêu để có thể chất vấn những nội dung cụ thể có liên quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới