Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Kim Jong-un lặng im khi ông Trump đắc cử Tổng...

Vì sao Kim Jong-un lặng im khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Theo BBC, thật không bình thường khi cho đến nay, truyền thông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn gần như chưa bình luận gì về việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, nhiều người cũng đang tò mò về chính sách mới của Mỹ đối với Bình Nhưỡng dưới thời ông Trump.

Theo tờ The Guardian, hồi tháng Năm, báo DPRK Today, cơ quan ngôn luận chính thức của Triều Tiên, đã đăng tải một bài viết hết lời ca ngợi ông Donald Trump. Bài viết mô tả ông Trump là một “chính trị gia thông minh”, “một ứng cử viên có tầm nhìn xa” và có thể giúp ích cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Bài báo cũng hoan nghênh việc ông Trump đề xuất đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc khi ông tiến hành chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump đắc cử, các nhà lãnh đạo cũng như truyền thông Triều Tiên vẫn im lặng ngoại trừ lời nhận xét của ông Kim Yong-ho, quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền và nhân đạo Triều Tiên, rằng Triều Tiên không quan tâm ai là Tổng thống Mỹ. Theo ông này, vấn đề quan trọng ở đây là liệu nước Mỹ có rút lại chính sách thù địch với Triều Tiên hay không.

Có lẽ, giống như nhiều người khác, Kim Jong-un và những người thân cận với ông không nghĩ ông Trump sẽ giành chiến thắng. Do vậy, họ đã không thể đưa ra ngay được những lời bình luận về người kế nhiệm của ông Obama. Hoặc họ đang chờ những hành động tiếp theo của ông Trump đối với Bình Nhưỡng.

Về phần mình, liệu ông Trump có hành động như những gì ông đã nói khi tranh cử hay không? Ông Trump sẽ sẵn sàng tiếp chuyện về vấn đề hạt nhân, thậm chí cùng ăn hamburger với lãnh đạo Triều Tiên như đã từng tuyên bố? Ông sẵn sàng gặp người đang có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân để biến Washington thành biển lửa? Ông sẽ ra lệnh rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản? Hay đó chỉ là những tuyên bố để có thể giành chiến thắng và rồi một khi đã giành chiến thắng ông sẽ thay đổi?

Theo BBC, giọng điệu của ông Trump đã trở nên mềm mỏng hơn sau khi ông đắc cử. Trước cuộc bầu cử, ông tỏ vẻ coi thường mối quan hệ liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông đã từng nói: “Nhật Bản sẽ tốt hơn nếu có thể tự bảo vệ mình trước sự “điên rồ” của Triều Tiên”.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

CNN đã từng dẫn lời ông Trump cho hay: “Thẳng thắn mà nói, chúng ta sẽ tốt hơn nếu Hàn Quốc bắt đầu tự bảo vệ mình… Họ phải tự bảo vệ mình hoặc họ phải trả tiền cho chúng ta làm điều đó”.

Tuy nhiên, sau khi đắc cử, những người đầu tiên mà ông Trump nói chuyện lại là các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông Trump sẽ gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới tại Mỹ.

Và sau cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, ông Trump đã cam kết rằng, Mỹ sẽ kiên định và tôn trọng việc hợp tác với Hàn Quốc để chống lại sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, theo BBC, những chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ông chọn ai trong nội các của mình. Người đang có tiềm năng trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông John Bolton, có nhiều hiềm khích với Triều Tiên. Ông này đã từng dùng những lời lẽ rất nặng nề đối với nước này.

Ông từng là vị Đại sứ Mỹ có tư tưởng diều hâu tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống George W Bush. Ông cũng đã kêu gọi hành động cứng rắn đối với Nga. Quan điểm của ông này được đánh giá là khác hoàn toàn so với tư tưởng định nói chuyện với ông Kim Jong-un của ông Trump.

Hiện tại, học thuyết “kiên nhẫn chiến lược” (gây áp lực và chờ đợi) của ông Obama đối với Triều Tiên rõ ràng không có hiệu quả. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy chế độ ở Bình Nhưỡng sắp sụp đổ, nếu không muốn nói là ngược lại.

Vậy, ông Trump có thể làm gì đối với Triều Tiên? Phát biểu trên truyền hình Mỹ hồi tháng Hai, ông cho biết chìa khóa chính là Trung Quốc. BBC dẫn lời ông Trump khi đó: “Trung Quốc có thể kiểm soát, thậm chí kiểm soát tuyệt đối, Triều Tiên. Họ không nói ra, nhưng đúng là họ đã làm như vậy. Và họ có thể làm cho vấn đề (ở Triều Tiên) biến mất”.

Chính sách sắp tới của ông Trump có lẽ còn phụ thuộc vào cách đánh giá của ông đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hồi tháng Một, ông Trump đã thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Kim Jong-un dù có gọi Kim là “điên”. Ông nói: “Có bao nhiêu chàng trai trẻ – anh ta chỉ mới 25 hoặc 26 tuổi khi cha anh ta qua đời – có thể tiếp quản những vị tướng bảo thủ như thế? Anh ta tiếp nhận, nắm giữ quyền lực. Đúng là quá sức tưởng tượng”.

Ông Trump còn tỏ ra ngưỡng mộ khi Kim Jong-un dùng quyền lực để loại bỏ các đối thủ chính trị: “Anh ta lật đổ chú dượng, lật đổ người này, người kia”. Ngoài ra ông cũng đánh giá cao khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông nói: Ý tôi là anh chàng này không đùa và chẳng ai đùa được với anh ta vì anh ta thực sự có tên lửa, anh ta thực sự có vũ khí hạt nhân”.

Trước đó, hồi tháng 8/2015, ông Trump cũng đã gọi Kim Jong-un là “thiên tài”, là “kẻ điên” và khó đối phó hơn Kim Jong-il.

RELATED ARTICLES

Tin mới