Chỉ nên xóa bỏ các điều kiện không cần thiết như sức chứa nhà kho, công suất xay sát, còn các điều kiện về mặt chất lượng vẫn rất cần thiết.
VCCI đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo”
Tạo thị trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng gạo
PV:- Mới đây, VCCI đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do, gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy các chính sách quản lý đặc thù liên quan gạo có thể là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.
Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp. Là một chuyên gia lâu năm trong ngành lúa gạo, ông có đồng tình với đề xuất của VCCI? Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
PGS.TS Dương Văn Chín: – Đề xuất của VCCI rất hợp lý, nhưng theo tôi vẫn nên có các điều kiện quy định, nhưng chỉ cần quan tâm đến các yếu tố về mặt chất lượng như vùng nguyên liệu, địa chỉ nông dân, HTX cộng tác để trồng theo quy trình cụ thể. Để đảm bảo đó là hạt gạo sạch, không có dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, đó là điều kiện cần phải có.
Còn những quy định mà cản trở quá trình sáng tạo của DN vừa và nhỏ thì tôi nghĩ nên hạn chế, loại bỏ bớt, như phải có kho chứa 5000 tấn không cần thiết, để khích lệ nhiều DN vừa và nhỏ cùng tham gia trồng lúa và lúa chất lượng cao, bán giá cao. Họ cũng được quyền đi tìm đơn vị mua giá cao để xuất khẩu, cũng như các DN lớn khác.
Còn các điều kiện như phải có vùng nguyên liệu bắt buộc vẫn phải có, chứ nếu như xuất khẩu gạo mà đi mua gạo trôi nổi bên ngoài, không biết các giống lúa được trồng ở đâu, phun thuốc như thế nào thì làm sao đảm bảo hạt gạo an toàn. Cho nên dứt khoát phải biết nông dân, HTX nào trồng lúa của mình, trồng giống đó là giống gì, quy trình như thế nào.
Hơn nữa, bây giờ phải khuyến khích các DN trồng các giống lúa có chất lượng gạo cao để xuất khẩu giá cao, đó mới yếu tố chính. Nên khuyến khích càng nhiều DN càng tốt, thỏa mãn nhu cầu nhiều quốc gia, nhiều vùng miền, dân tộc trên thế giới để thu được nhiều ngoại tệ.
Còn vấn đề an ninh lương thực thực sự chúng ta chỉ nên lo cách đây 2 thập niên, còn bây giờ chúng ta quá vững vàng trong vấn đề này.
Xu hướng các nước càng ngày càng giàu, thì họ ăn gạo càng ít đi, họ thích sử dụng các sản phẩm khác có chất lượng cao hơn, ví dụ các loại rau, quả, củ. Như vậy lượng gạo không cần quá lớn như trước đây, vì thế nên khuyến khích các DN xuất khẩu với giá trị gia tăng cao, để tăng ngoại tệ.
Phải làm sao để thống kê của VN không phải thống kê năm tới tôi xuất khẩu được 6 triệu tấn lúa, mà phải là tôi xuất khẩu thu được 4 tỷ USD từ gạo và các sản phẩm chế biến sâu từ hạt gạo, lúc đó ý nghĩa sẽ nhiều hơn.
PV:- Trước đây, đã rất nhiều chuyên gia chỉ ra thực trạng các DN xuất khẩu nhỏ và vừa không thể đáp ứng điều kiện như kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, cơ sở xay sát đạt công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, nên kết quả là phải đóng cửa.
Đã có trường hợp Công ty Cỏ May, Đồng Tháp phải lập một công ty nhập khẩu Cỏ May ở Singapore để nhập chính gạo của Cỏ May qua đơn vị được ủy thác. Rồi từ công ty “con” tại Singapore, các sản phẩm gạo của Cỏ May được chuyển vào các kênh bán lẻ tại nước này. Họ phải trả chi phí ủy thác 40 đồng/kg gạo cho đơn vị được ủy thác.
Việc đưa gạo ra khỏi ngành kinh doanh có điều kiện, theo ông, nó có tạo cơ hội cho các DN vừa và nhỏ hiện nay rộng đường tham gia vào việc xuất khẩu. Đồng thời, xóa bỏ thế độc quyền của các ông chủ lớn trong ngành xuất khẩu gạo, tạo nên một thị trường kinh doanh cạnh tranh hay không? Vì sao ạ?
PGS.TS Dương Văn Chín: – Tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội lớn để cho các DN vừa và nhỏ thỏa sức phát triển, thậm chí nhiều chủ DN có bạn bè, những cơ quan đối tác ở nước ngoài họ mua gạo ít nhưng chấp nhận mua gạo với giá cao.
Có thể lượng gạo xuất không lớn, chỉ một vài trăm tấn, một vài nghìn tấn, nhưng giá trị lớn, hàng trăm DN làm được thì cộng lại doanh số mới thấy lớn. Nên tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ xuất khẩu các loại gạo đặc sắc chính bản thân họ tìm được thị trường, bán được giá cao.
Ví dụ một DN nhỏ có được một vùng nguyên liệu hợp tác với HTX, nông dân, có lúa đảm bảo trong kho tốt rồi thì họ có thể hợp tác với một nhà máy nào đó trà lúa, không nhất thiết bản thân họ phải có nhà máy trà lúa. Họ chỉ việc đóng bao bì, nhãn mác đẹp để xuất khẩu với thương hiệu của họ, hàng trăm DN mà làm được chuyện này thì vẫn là hạt gạo VN.
DN nào nổi lên xuất khẩu được 500.000 tấn- 700.000 tấn gạo chất lượng cao thì thương hiệu của DN sẽ trở thành thương hiệu gạo quốc gia. Phải từ những DN, từ những thương hiệu lớn có uy tín thì mới hình thành được thương hiệu gạo quốc gia.
Khi hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển thì trên thị trường xuất khẩu gạo không chỉ còn Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam, ký hợp đồng xuất khẩu theo dạng Chính phủ với chính phủ, lúc đó trăm hoa đua nở, nhiều DN cùng tham gia xuất khẩu.
Thế nhưng, tránh việc DN xuất khẩu phá giá, bán đổ bán tháo thì phải có cơ chế kiểm soát, chúng ta chỉ khích lệ các DN làm ăn chân chính, sáng tạo, bán được giá cao, giá trị hạt gạo cao, chất lượng an toàn không bị trả về.
Chất lượng hàng hóa nông nghiệp trong thời buổi hội nhập yếu tố an toàn là quan trọng nhất, làm chất lượng kém bị trả về thì sẽ mất uy tín của cả ngành gạo VN, chứ không riêng 1-2 công ty.
Từ trước đến nay các Tổng công ty phần lớn họ xuất khẩu gạo không từ một giống lúa, mà họ đi mua rồi trộn với một tỷ lệ nhất định, vấn đề cái trộn của họ có thể là 5% tấm, 8% tấm, họ cứ trộn theo yêu cầu đó, rồi bán, mà bán với giá rẻ.
Chắc chắn khi đó sẽ không có vị ngọt của hạt gạo, trong bao gạo sẽ có hạt cứng, hạt mềm, hạt thơm, không thơm, nhưng họ bất cần, chỉ cần bán giá rẻ để cạnh tranh. Mà theo tôi, bán rẻ gạo tức là bán lượng nước, bán dinh dưỡng trong đất, tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ cho thiên hạ.
Cho nên vấn đề ở chỗ phải làm sao khích lệ nhiều công ty làm ăn chân chính, bán sản phẩm chất lượng cao, nâng cao uy tín của sản phẩm nông nghiệp VN trên trường quốc tế, nâng cao uy tín hạt gạo, đó mới là mục đích chúng ta hướng tới.
Phải đi bằng khoa học công nghệ
PV:- Thực tế, từ trước đến nay, nông dân tại ĐBSCL vẫn luôn khóc ròng vì chịu cảnh giá cả lúa gạo lên xuống thất thường. Đơn giản là vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thu mua trực tiếp mà thông qua các thương lái, vì thế nên người dân luôn phải chấp nhận giá bấp bênh.
Với việc đa dạng hơn về đơn vị mua gạo, cái lợi của người dân ĐBSCL có là gì, thưa ông?
PGS.TS Dương Văn Chín: -Đã là thương lái đi thua mua thì chắc chắn họ phải tính công sức đưa ghe đi gom lại cho ông chủ lớn, lúc nào họ cũng đảm bảo có lợi thì mới làm, có ai làm không công. Mà bản thân người thương lái nếu ông chủ trả cao họ thu mua cao, trả thấp họ thu mua giá thấp, cuối cùng chỉ có người nông dân bị thiệt thòi.
Tuy nhiên, nếu bây giờ chúng ta có những nhà xuất khẩu gạo vừa và nhỏ, hình thành nên các vùng nguyên liệu, bản thân họ phải xuống HTX, xuống với nông dân, ký với nông dân trồng giống này, đưa hạt giống, phân bón, quy trình, rồi cuối vụ mua với giá nào, thông báo hết trong cam kết với dân.
Ví dụ, một DN nhỏ xuống ký 200ha với nông dân, như vậy nông dân ở trong ấp có 200ha, đảm bảo trồng trong vùng đó đúng kỹ thuật, bán với mức giá cụ thể ra sao. Khi đó người dân chủ động được quyền quyết định mình hợp tác với DN nào, giảm đi thiệt hại về mặt kinh tế, vị thế người nông dân cũng được nâng lên. Vấn đề là có nhiều DN xuống dám ký với nhân dân như vậy hay không.
PV:- Nếu chúng ta mở rộng được thị trường cho các DN cạnh tranh một cách công bằng, thì việc xuất khẩu gạo của VN, chúng ta có thể hy vọng vào các thành tựu đáng mừng hơn hay không? Tương lai có được thương hiệu gạo nổi tiếng để cạnh tranh với các nước Thái Lan, Campuchia, trên các thị trường tiêu thụ tiêu chuẩn cao hay không?
PGS.TS Dương Văn Chín: -Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một thành tựu mới cho việc xuất khẩu gạo, không riêng gì gạo mà tất cả các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới của chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với thế giới. Ngay cả cây ăn trái, các loài rau, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vẫn được đánh giá cao, độc đáo, phong phú, đa dạng nhiều loại.
Chỉ cần so sánh với Isarel có 8 triệu dân, đất đai, khô cằn, bản thân họ có công nghệ cao, nhưng không làm ra đủ nuôi sống dân của mình, mỗi năm họ chỉ xuất khẩu 2 tỷ USD, mà nhập khẩu 4 tỷ USD về sản phẩm nông nghiệp. Còn VN xuất khẩu 20-30 tỷ USD về sản phẩm nông nghiệp, để thấy sản phẩm của chúng ta đa dạng, phong phú.
Vấn đề bây giờ là phải tạo cơ chế ra sao để người dân phấn khởi, làm một sản phẩm nào đó tiêu thụ được, xuất khẩu được, góp phần đa dạng, phong phú các mặt hàng, chưa nói tới chế biến từ một loại nguyên liệu của trồng trọt, chăn nuôi hay chế biến, tạo ra sức bùng nổ lớn.
Mặt khác, chúng ta hoàn toàn có thể có các loại gạo có thương hiệu, như Tập đoàn Lộc Trời hiện nay có giống lúa Lộc Trời 18 rất tốt. Từ trước đến nay các nhà khoa học luôn có thành kiến, chỉ có lúa mùa địa phương chất lượng gạo mới cao, còn lúa cao sản ngắn ngày năng suất cao nhưng chất lượng gạo không cao, thành kiến đó đến nay đã hoàn toàn sụp đổ.
Tập đoàn Lộc Trời đã làm được, hạt gạo dài 8 ly, ăn ngon không thua kém gạo Compalist của Campuchia, gạo Khaodakmali của Thái Lan, nhưng có thể trồng 3 vụ trong năm, năng suất ngang lúa cao sản bình thường. Tập đoàn đã xuất khẩu được 720USD/tấn, hơi thấp hơn gạo Thái Lan một chút, nhưng so với gạo bình thường là giá khá hấp dẫn.
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng VN nên giảm diện tích lúa cao sản, trở về lúa mùa địa phương, trồng 1 vụ, vì đất VN rất ít, dân VN rất đông, còn Thái Lan, Campuchia đất rộng mênh mông, họ có thể trồng 1 năm 1 vụ, còn VN phải trồng 2-3 vụ/năm thì mới đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Vấn đề bây giờ là xuất khẩu lúa cao sản nhưng chất lượng cao, giá cũng cao gần bằng lúa mùa của Campuchia, Thái Lan. Chúng ta phải đi bằng khoa học công nghệ, chứ không phải dựa trên của trời cho.