Bản tin Biển Đông ngày 24/11/2016.
1) Dầu mỏ đang trở thành quy định hành xử về chủ quyền ở Biển Đông
Ngày 23/11, hãng VOA News đăng bài viết “Dầu mỏ đang trở thành quy định hành xử về chủ quyền ở Biển Đông” của nhà báo Ralph Jennings:
Trong bài viết, ông Ralph Jennings đánh giá rằng việc tìm kiếm dầu và khí tự nhiên đang được xem là nhân tố thúc đẩy các yêu sách đối kháng trong tranh chấp ở Biển Đông, trong bối cảnh có nhiều quốc gia khu vực hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu. Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, vấn đề chủ quyền là lý do hàng đầu để các nước tham gia vào cuộc chạy đua thăm dò các nguồn dầu khí. Ông Fabrizio Bozzato, chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tamkang, Đài Loan, khẳng định, không giống như các vùng đất giàu dầu mỏ khác, “mục đích chính của các bên tranh chấp hiện diện ở Biển Đông không phải vì họ muốn tiếp cận với nguồn dầu khí ở khu vực. Việc phát triển các nguồn hydrocarbon ở Biển Đông là cách để các quốc gia đánh dấu chủ quyền của mình”.
Việc thăm dò nhiên liệu hoá thạch bắt đầu nổi lên hồi tháng 10, khi Manila và Bắc Kinh bắt đầu thảo luận về vấn đề này, một phần của những nỗ lực nhằm khôi phục quan hệ căng thẳng giữa hai bên sau căng thẳng diễn ra ở bãi cạn Scarborough năm 2012, theo truyền thông Philippines cho biết. Phía Đài Loan cũng đã đưa ra đề xuất khai thác tài nguyên chung với các bên tranh chấp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thăm dò dầu khí thực chất là biểu hiện của hành động kiểm soát các vùng biển “đang bị khoan cắt”. Có thể thấy rõ điều này qua một loạt các tranh chấp có liên quan trong khu vực như trường hợp dự án khí gas của Philippines ngoài Palawan năm 1976 hay việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong Vịnh Bắc Bộ năm 2014. Theo Carl Baker, giám đốc các chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Honolulu, “các quốc gia sẽ không có mấy hứng thú với việc thực sự ra khơi và cố triển khai việc thăm dò đơn thuần là bởi rất khó để các quốc gia khác nhau đi đến thoả thuận, đòi hỏi việc các bên phải công nhận quyền khai thác các nguồn tài nguyên, nói cách khác, họ phải từ bỏ danh nghĩa chủ quyền”. Ông nhấn mạnh “với Trung Quốc, điều này lại càng khó”.
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, việc sụt giảm giá dầu và chi phí chế xuất nhiên liệu dưới đáy biển có thể làm giảm giá trị xuất khẩu các nguồn dầu khí mới tìm ra. Do việc tìm thấy nguồn dầu khí mới sẽ đòi hỏi các quốc gia phải chi tiêu rất nhiều vào việc mua các thiết bị để khai thác nguồn này, ông Oh Ei Sun, giảng viên quan hệ quốc tế, Đại học Nanyang của Singapore cho rằng, nhu cầu khai thác thêm dầu khí vào thời điểm hiện này là không quá cần thiết.
2) Trung Quốc sắp khánh thành Bảo tàng về Biển Đông nhằm tuyên truyền về các yêu sách phi lý của nước này
Ngày 23/11, hãng Tân Hoa xã, Trung Hoa Nhật báo … đưa tin:
Ngày 23/11, theo thông báo của Văn phòng Trù bị phía Bắc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, một bảo tàng quốc gia về Biển Đông với hàng loạt các di vật khảo cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc và nước ngoài dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 3 năm tới. Cụ thể, ông Ding Hui, Vụ trưởng Vụ Văn hoá của chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết, bảo tàng về Biển Đông, với diện tích 10 héc-ta, sẽ trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hoá và tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông nhằm mục đích tuyên truyền về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và việc bảo vệ các giá trị văn hoá của nước này. Theo thông tin từ Tân Hoa xã, bên cạnh các mảnh gốm mới nhận được, Văn phòng còn nhận được 832 cổ vật được ngư dân cư ngụ tại khu vực Đàm Môn, thành phố Quỳnh Hải, nơi bảo tàng về Biển Đông đang được xây dựng, cùng các la bàn, nhật ký hàng hải và gốm sứ của các triều đại khác nhau do ngư dân cung cấp. Đáng lưu ý, hầu hết các di vật đều được sản xuất ở Trung Quốc, chỉ có một số có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á và Châu Âu. Tuy nhiên, ông Zhang Jianping, một cán bộ của Văn phòng Trù bị dám cam đoan rằng, các di vật này sẽ cung cấp các chứng cứ giá trị cho các nhà nghiên cứu về giao lưu thương mại và văn hoá dọc “Con đường tơ lựa trên biển” thời xa xưa. Trong khi đó, ông Lyu Chenglong, chuyên gia thẩm định các di vật cổ và Bảo tàng Hoàng cung Bắc Kinh lại chỉ đưa ra nhận định chung chung rằng, các mảnh gốm do hai công ty của Trung Quốc gửi tới và trưng bày tại bảo tàng này “có giá trị thẩm mỹ cao”.
3) “Thành phố Tam Sa” bất ngờ đưa ra gói trợ cấp 180 ngày cho các ngư dân ở Hoàng Sa
Ngày 23/11, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin:
Ngày 22/11, chính quyền “Thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch trợ cấp lên đến 180 ngày các ngư dân sống trên các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, một động thái mà tờ báo này nguỵ biện là “nhằm thúc đẩy ngành du lịch trên các đảo”, “tăng thêm thu nhập cho các ngư dân”. Phía chính quyền cho biết sẽ cấp tới 10 triệu Nhân dân tệ (1,44 tỉ đô-la Mỹ) để giúp các ngư dân chuyển sang các ngành nghề khác như công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, theo phân tích “đầy lạc quan” của ông Zhu Feng, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu hợp tác về vấn đề Biển Đông, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, “việc hỗ trợ ngư dân phát triển các nghề khác là một bước quan trọng để ổn định tình hình Đông, tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động cứu trợ chung trên biển, khai thác các nguồn tài nguyên trên biển và bảo tồn sinh thái”. Ông Zhu còn “hồn nhiên” cho rằng chính sách này của “Thành phố Tam Sa” “cũng có một chút đóng góp cho tình hình đánh cá hiện nay” dù “lượng cá đánh bắt ở khu vực đang ngày càng giảm”, bởi “việc đưa các ngư dân ra sống trên các đảo sẽ góp phần biến các đảo và đá thành các khu khai thác sinh thái và khoa học”. Mặt khác, chính quyền “Thành phố” cho biết đã cung cấp khoản đầu tư 55 triệu Nhân dân tệ để cung cấp điện và nước cho ngư dân, cũng như việc tiếp cận Internet trong vòng 4 năm.