Thủ tướng Malaysia đã mang về cho quốc gia này các thỏa thuận hợp tác kinh tế với Trung Quốc trị giá hơn 33 tỷ USD song nhiều doanh nghiệp trong nước lại bày tỏ quan ngại trước khả năng bị các tập đoàn lớn của Trung Quốc lấn át thị phần.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tư tưởng phản đối chính quyền Bắc Kinh đã xuất hiện trước cả thời điểm Thủ tướng Malaysia Najib Razak trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc.
Đối với những người ủng hộ Thủ tướng Najib, chuyến thăm gần đây của nhà lãnh đạo tới Trung Quốc là bước đột phá mới giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia với các thỏa thuận thương mại trị giá lên tới 33 tỷ USD.
Tuy nhiên, đảng đối lập lại cáo buộc ông Razak “bán nước” khi quyết định thỏa hiệp với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong khi đó, giới doanh nhân Malaysia cho rằng họ sẽ bị các công ty dư tiền của Trung Quốc lấn áp và điều này đã tạo ra làn sóng phản đối trong nhóm người bản địa Malaysia hay còn gọi là “bumiputra”, chiếm tới 2/3 dân số nước này.
Thậm chí, lâu nay nhiều “bumiputra” còn bày tỏ sự phản đối với việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng dù rằng nhiều người Malaysia gốc Trung Quốc đang nắm giữ hàng loạt vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo tại các trường đại học, học viện và cơ quan nhà nước.
“Rõ ràng điều đó sẽ tạo ra sự oán giận. Phần lớn người dân Malaysia cảm thấy không hài lòng với nhóm người Malaysia gốc Trung Quốc cũng như khoảng cách giàu nghèo mà họ tạo ra”, một doanh nhân trẻ tuổi tại Malaysia chia sẻ.
Theo một số nhà phân tích, lực lượng phản đối Trung Quốc chủ yếu là nhóm người thuộc đảng cầm quyền Umno. Dù những người này phàn nàn bị Trung Quốc cướp mất cơ hội kinh doanh nhưng thực tế họ lại là người hưởng lợi từ sự hào phóng của Bắc Kinh.
“Ngay cả các nhà lãnh đạo trong đảng Umno liên quan tới những thỏa thuận hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng cảm thấy không hài lòng nhưng họ chính là những người hưởng lợi từ các thỏa thuận này”, nhà phân tích rủi ro tại công ty tư vấn đầu tư BowerGroupAsia, ông Asrul Hadi Abdullah Sani chia sẻ.
Các doanh nghiệp và ngân hàng làm việc với giới đầu tư từ Trung Quốc đại lục thì cho rằng trước hết, Trung Quốc ưu tiên các đối tác kinh doanh có mối liên hệ với chính phủ Malaysia do đó cơ hội cho doanh nghiệp Malaysia là rất nhiều.
Ông Tan Yew Sing, Chủ tịch Phòng Thương mại Malaysia – Trung Quốc cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc không quan tâm tới nguồn gốc giống nòi của các đối tác làm ăn kinh doanh. “Ngoài ra không có một công ty nào tại Malaysia lại hoàn toàn là của người Trung Quốc bởi trong mỗi công ty có khoảng 30% đối tác là người Malaysia”, ông Tan nói.
Nhiều nhà phân tích tỏ ra khá lạc quan trước việc Malaysia mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong vòng 7 năm qua. Theo đó, thương mại song phương giữa hai nước đạt 55,5 tỷ USD trong năm 2015.
“Tôi cho rằng thật không công bằng khi nói ông Najib bán nước. Rõ ràng ông ấy đang tạo ra triển vọng tăng trưởng sáng sủa cho Malaysia thông qua nhiều dự án như Tuyến đường sắt bờ biền phía đông, giúp mở ra cơ hội phát triển cho các bang ở bán đảo phía đông cũng như giúp Sabah tăng trưởng nhờ dự án Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sabah”, ông Asrul cho hay.
Tuy nhiên, một số người cho rằng Malaysia không còn lựa chọn nào khác là phải hợp tác với Trung Quốc khi mà nguồn tài trợ từ phương Tây đang cạn kiệt dần.
“Malaysia giờ không còn nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm các nguồn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như hợp tác thương mại và vay vốn nước ngoài. Thực tế đáng buồn là ngay cả các nước phương Tây cũng không thể đưa ra thêm các khoản hỗ trợ bởi kinh tế của quốc gia họ cũng đang rất khó khăn”, ông Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.
Nhiều doanh nghiệp trẻ ở Malaysia lo ngại bị các tập đoàn lớn Trung Quốc đổ tiền đầu tư, lấn át thị trường kinh doanh. |
Cũng theo ông Oh, “ngay cả một số nước trong khối ASEAN trước đây có tư tưởng phản đối Trung Quốc như Philippines thì nay cũng đã bắt tay với Trung Quốc, vậy tại sao Malaysia không làm như vậy trong khi Malaysia duy trì quan hệ ổn định và đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc trong nhiều năm qua”.
Dù chào đón nguồn đầu tư nước ngoài, song vẫn có không ít doanh nhân trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số tại Malaysia lo ngại bị các tập đoàn khổng lồ Trung Quốc lấn át.
“Các khoản đầu tư nước ngoài luôn được chào đón. Tôi cho rằng cần công khai phương thức giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm nguồn đầu tư từ Trung Quốc đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và kinh tế kỹ thuật số”, Giám đốc điều hành của tập đoàn C27, ông Fazil Fuad (28 tuổi) chia sẻ.
“Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới do đó nguồn lợi mà chúng ta được hưởng cũng rất dồi dào chừng nào lợi ích của các doanh nghiệp trong nước được bảo vệ và các chính sách kinh tế được thi hành một cách công bằng cũng như khả năng tiếp cận vốn đầy đủ”, ông Fazil nói thêm.
Còn theo một phát ngôn viên chính phủ Malaysia, nguồn FDI của Trung Quốc đã giúp quốc gia này thúc đẩy nhiều mặt xã hội. Dù ký kết các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc nhưng chủ quyền của Malaysia vẫn được duy trì và vẫn do người Malaysia quản lý. Thậm chí, dù nguồn FDI đến từ đâu thì cũng đều không ảnh hưởng tới quyền lợi của “bumiputra”, bởi sự phát triển của nhóm người bản địa Malaysia vẫn là ưu tiên số 1 của chính phủ.
Song theo nhà phân tích Asrul, không thể phủ nhận thực tế là “các chính sách tại Malaysia đang ngày càng mâu thuẫn trong khi sự bất tín dành cho Trung Quốc cũng ngày càng lớn, hai vấn đề này sẽ tạo ra những rắc rối trong tương lai hợp tác giữa hai nước”.