Bản tin Biển Đông ngày 25/11/2016.
Ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines – Ảnh: Reuters
1) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi Trung Quốc cần theo Philippines ra lệnh cấm đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough
Ngày 24/11, trang The Rappler đưa tin:
Ngày 24/11, trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết lệnh cấm đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông là lợi ích chung của cả Philippines và Trung Quốc, giúp bảo vệ ngư trường quan trọng này, do đó, Trung Quốc cần đưa ra một lệnh cấm các ngư dân nước này hoạt động bên trong bãi cạn Scarborough tương tự như kế hoạch của Tổng thống Duterte nhằm ban hành tuyên bố bãi cạn Scarborough là một khu vực bảo tồn biển, nơi các ngư dân không được đánh bắt cá. Ông Duterte cũng bày tỏ sự quan ngại rằng bất cứ công trình nào được xây dựng trên bãi cạn sẽ ảnh hưởng đến sự sinh sản của các loài cá.
2) Philippines sắp xây hải cảng mới trên Biển Đông
Ngày 24/11, hãng VOA News đưa tin:
Mới đây, các quan chức Philippines đã tiết lộ rằng Philippines sẽ xây một hải cảng mới trên đảo Thị Tứ ở Biển Đông vào năm tới nhằm thúc đẩy các yêu sách của nước này trên các vùng biển ở Biển Đông, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ làm dấy lên một số phản ứng từ các quốc gia có tranh chấp ở khu vực này, đặc biệt là Trung Quốc. Các quan chức Philippines cũng nói rằng cảng mới này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận của không chỉ ở đảo này mà còn của 8 đảo, đá và cồn cát ở Trường Sa.
Ông Eugenio Bito-onon, cựu Thị trưởng Kalayaan, nói rằng cảng này được thiết kế để đảo Thị Tứ có đủ điều kiện để nhận khoảng 200 người dân, đa số là ngư dân, và khoảng 50 binh lính luân phiên sống trên đảo. Ông Bito-onon tin tưởng rằng sau khi cảng được xây dựng sẽ có thêm nhiều du khách trong và ngoài nước sẽ đến thăm đảo Thị Tứ. Nghị sĩ Johny Pimentel cho hay, với 450 triệu peso (khoảng 9 triệu đô-la Mỹ) cho dự án, cảng này “chắn chắn sẽ thúc đẩy sự ổn định dân cư trên một hòn đảo xa của Philippines”. Đáng lưu ý, ông Edmund Tayao, giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Santo Tomes, Philippines, đưa ra dự đoán rằng cảng biển này sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của Philippines trong khu vực và “Chính phủ sẽ có nghĩa vụ phải cung cấp các cơ sở vật chất cần thiết trên đảo này”.
3) Sự tham gia của Indonesia vào cuộc chạy đua “Tàu trắng”
Ngày 24/11, tờ The Jakarta Post đăng bài viết “Sự tham gia của Indonesia vào cuộc chạy đua “Tàu trắng”” của Muhamad Jaki Nurhasya, Học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King’s College London:
Trong bài viết, ông Muhamad Jaki Nurhasya khẳng định với tình hình hiện nay, khi hình thức “cuộc chạy đua Tàu Trắng” đã bắt đầu xuất hiện trong tranh chấp Biển Đông, việc Indonesia tham gia và trở thành một nhân tố quyết định trong cuộc chạy đua này là điều cần thiết.
Những diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đông như tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hay Trung Quốc vẫn quyết đoán với các yêu sách lãnh thổ phi lý của mình cho thấy rõ một điều, quân sự vẫn sẽ tiếp tục trở thành một yếu tố quyết định trong tranh chấp Biển Đông. Qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bên lề cuộc gặp các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Mỹ tại Hawaii gần đây, cộng với thực tế Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tiềm lực của lực lượng cảnh sát biển nước này, tác giả nhận thấy rằng, sự phát triển của các đội “Tàu trắng” ở Biển Đông, đặc biệt là các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc, đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột không mong muốn tại khu vực này
Cân nhắc đến bối cảnh chung và chính vấn đề của Indonesia với lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc do liên tiếp xảy ra các cuộc va chạm giữa các lực lượng này với các tàu đánh cá của Indonesia, có thể hiểu được vì sao Indonesia lại thấy cần phải quan tâm đến “Đội Tàu trắng”. Hiện Ban An ninh biển (Bakamla) đang nhanh chóng tăng cường tiềm lực, trong đó, “Hệ thống Thông tin Tích hợp Bakamla” (BIIS) dự kiến sẽ trở thành một công cụ nhận thức về các vấn đề lãnh thổ trên biển hiện đại, áp dụng trên toàn bộ các vùng biển của Indonesia. Tuy nhiên, sự phát triển của cơ quan an ninh biển hiện nay ở Indonesi đang gặp nhiều khó khăn, bởi một cơ quan đa nhiệm (quân sự, cảnh sát và các thể chế phi quân sự khác) sẽ gặp vấn đề chồng chéo về thẩm quyền. Ngoài ra, cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp và vấn đề thống nhất chỉ huy cũng chưa được giải quyết giữa các chủ thể của vấn đề an ninh biển.
Để nhấn mạnh vai trò của “Đội Tàu trắng” đối với Indonesia, tác giả đã vạch ra ba khía cạnh quan trọng của lực lượng này: (i) các lực lượng cảnh sát biển hay các tổ “Tàu trắng” hiện đang có xu hướng trở thành các đội tàu bán quân sự, do đó Indonesia cần phải xây dựng một đội Tàu Trắng mạnh hơn và đủ khả năng để đối phó với những trường hợp này; (ii) lực lượng cảnh sát biển hầu như được xếp vào dạng các thiết chế phi quân sự, việc đưa một “đội Tàu trắng” ra có thể được xem là một biểu hiện “nền nã hơn” trong một tình huống xung đột, vì thế Indonesia cần trang bị cho “đội Tàu trắng” của mình khả năng xử lý khủng hoảng để tránh làm các cuộc xung đột thêm nghiêm trọng và (iii) các biện pháp liên lạc và quy tắc tránh va chạm giữa các tổ “Tàu trắng” cần được thúc đẩy giữa các nước trên Biển Đông, nhất là tăng cường thông tin giữa các bên và đặt Thỏa thuận Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).