Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, theo chuyên gia, đây được coi như sự bác bỏ liên minh phương Tây, làm thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ giữa Ankara với Mỹ và NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một một liên minh do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Thông tin này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra sau khi kết thúc chuyến công du chính thức tới Pakistan và Uzbekistan mới đây.
Người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên rằng mình đã gặp các nhà lãnh đạo SCO cuối tuần qua và bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập liên minh chính trị, kinh tế và quân sự Á-Âu này như một sự thay thế gia nhập Liên minh châu Âu (EU), điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều nỗ lực nhưng không được đáp ứng kể từ năm 1963. Pháp, Đức và Bỉ – nước có trụ sở của EU tại Brussels, từ lâu đã phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Ông Erdogan cho rằng nước này không cần gia nhập EU “bằng mọi giá” và thay vào đó, có thể trở thành một phần của SCO. Việc gia nhập, hay đe dọa gia nhập SCO, vốn chịu sự ảnh hưởng lớn bởi Nga và Trung Quốc, sẽ khiến phương Tây lo sợ, nhưng như ông Erdogan tuyên bố là sẽ “mở rộng đáng kể không gian cơ động” cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cân nhắc bất cứ đơn xin gia nhập nào của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thành viên của SCO.
“Chúng tôi sẵn sàng cùng với các thành viên khác của SCO, theo quy định của các văn bản pháp lý, nghiên cứu nghiêm túc dựa trên cơ sở tham vấn đồng thuận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
Ông Cảnh cho hay Thổ Nhĩ Kỳ là một “đối tác đối thoại” của khối và từ lâu đã hợp tác chặt chẽ với khối này. Trung Quốc rất coi trọng mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tăng cường sự hợp tác đó.
Bình luận về vấn đề trên, ông Michael Koplow, nhà phân tích Trung Đông và giám đốc chính sách của Diễn dàn Chính sách Israel nói:
“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự gia nhập SCO, điều này, tất nhiên, sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ với Mỹ và NATO. Đây sẽ được coi như một sự bác bỏ liên minh phương Tây này và khiến nó gặp khó khăn lớn trong bất kỳ cuộc đối thoại chiến lược cấp cao nào khi có Thổ Nhĩ Kỳ tham gia”.
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO cũng sẽ làm phức tạp mối quan hệ với NATO. Như chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer, Chủ tịch công ty nguy cơ chính trị Eurasia Group nhận xét:
“Về mặt lý thuyết, trở thành thành viên của SCO có thể sẽ không đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO. Nhưng trên thực tế, nó sẽ gây ra một số căng thẳng trong mối quan hệ của Ankara với những thành viên NATO khác”.