Lần đầu tiên, một viện nghiên cứu của Trung Quốc cho đăng công khai số liệu liên quan tới hoạt động triển khai quân của Mỹ tại châu Á cũng như mối quan ngại về việc ông Donald Trump sắp chính thức trở thành Tổng thống Mỹ và những biến động trên Biển Đông trong tương lai.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump khiến Trung Quốc lo ngại về vị trí của mình trong tương lai.
Hôm 25/11, Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) đã cho đăng bản báo cáo chi tiết về hoạt động của quân đội Mỹ tại châu Á dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama và những quan ngại của Bắc Kinh khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức.
Theo các nhà phân tích, bản báo cáo của NISCSS đã cáo buộc chiến lược “trục châu Á” của Tổng thống Obama biến Biển Đông thành một điểm nóng giao tranh địa chính trị nguy hiểm khi khơi dậy những bất đồng lâu nay về tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á.
Thậm chí, NISCSS còn ngang ngược cho rằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành là “hoàn toàn hợp pháp”. Ngoài ra, NISCSS cáo buộc Hải quân Mỹ đã mượn danh “đảm bảo tự do hàng hải” để khiêu khích quân sự khi điều tàu chiến tới tuần tra gần các đảo mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo trên, Giám đốc của NISCSS, ông Wu Shicun đã thừa nhận rằng tổ chức này “giống như mọi người” đều mong cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11. Bởi theo ông Wu, Mỹ sẽ mở rộng hiện diện quân sự trong khu vực châu Á khi ông Trump chính thức nắm quyền.
“Chính sách châu Á – Thái Bình Dương sẽ không có sự thay đổi nhưng thế đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ dường như sẽ vẫn tiếp tục trên Biển Đông”, ông Wu nhận định.
Ông Wu cũng cho rằng kế hoạch tăng cường quy mô hạm đội Hải quân Mỹ từ 272 lên 350 tàu chiến mà ông Trump tuyên bố, có thể dẫn tới chương trình triển khai quân đội quy mô lớn ở châu Á – Thái Bình Dương và “phá vỡ thế cân bằng vốn đã mong manh” trong khu vực.
Còn theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), bản báo cáo của NISCSS cho thấy đây là lần đầu tiên một viện nghiên cứu của Trung Quốc công khai những dữ liệu liên quan tới hoạt động chi tiêu của quân đội Mỹ và triển khai quân tại châu Á. Đáng nói, trụ sở của NISCSS được đặt ngay trên đảo Hải Nam, khu vực nằm sát với Biển Đông và là nơi hoạt động của nhiều căn cứ hải quân quan trọng của Trung Quốc bao gồm các cơ sở chứa tàu ngầm hạt nhân.
“Vị thế chiến lược quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với Mỹ là cơ sở để quân đội Mỹ đặt 7 nhóm căn cứ quân sự trong vùng, chiếm tới 50% tổng số căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ”, NISCSS cho biết tính tới năm 2015, Lầu Năm Góc đã điều động 368.000 quân nhân tới châu Á – Thái Bình Dương với 97.000 binh sĩ đóng quân ở phía tây Đường đổi ngày quốc tế (IDL).
Bản báo cáo của NISCSS còn nhấn mạnh Mỹ mở rộng hoạt động tuần tra nhằm vào Trung Quốc thông qua mạng lưới máy bay trinh sát tối tân, máy bay không người lái, tàu tuần tra điện tử, tàu ngầm hạt nhân và vệ tinh trinh sát.
Cũng theo NISCSS, hoạt động tuần tra của tàu chiến và máy bay Mỹ trên Biển Đông đã “liên tục tăng cường” trong năm 2015 và lên tới hơn 700 lần.
“Hành động này không chỉ đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới quyền hàng hải và các lợi ích liên quan của Trung Quốc cũng như làm xấu đi niềm tin chiến lược đôi bên Mỹ – Trung và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên không và trên biển”, NISCSS viết.
Ngoài ra, NISCSS còn đề cập tới hoạt động mở rộng của quân đội Mỹ tại các quốc gia đồng minh và các đối tác ở châu Á. Cụ thể, Mỹ đã điều động thêm tàu sân bay tới Nhật Bản; triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD tới Hàn Quốc; thỏa thuận với Philippines; đưa lính thủy đánh bộ, máy bay và tàu chiến tới các căn cứ của Australia; mở rộng khả năng tiếp cận tới các căn cứ hải quân và không quân Singapore; cũng như tăng cường các mối quan hệ quân sự với Malaysia và Thái Lan.
NISCSS còn cáo buộc hoạt động “đảm bảo tự do hàng hải” mà Mỹ triển khai trên Biển Đông chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng bao gồm “củng cố hệ thống liên minh và đối tác nhằm giành vị thế số 1 trên biển và trở thành người viết luật cho khu vực”.
Về phần mình trong hơn 5 năm qua, Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động bao gồm xây dựng các cơ sở trên Biển Đông mà khả năng phục vụ mục đích quân sự. Phản ứng của Trung Quốc còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ giữa các cường quốc trang bị vũ khí hạt nhân.
Chia sẻ với tờ Financial Times, nhà phân tích chiến lược người Anh, ông Alex Neill nhận định: “Tôi cho rằng Mỹ đã tăng cường quy mô và tần suất các chuyến bay trinh sát trên toàn phạm vi Trung Quốc tương xứng với hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc”.
Do đó, chiến thắng của ông Trump sẽ làm tăng nguy cơ bùng nổ xung đột tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ngay từ chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhiều khả năng ông Trump sẽ cho phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.