Cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Vương Bảo An bị cách chức khỏi vị trí Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia vào tháng 8. Hai tháng sau, ông Hàn Hiểu Lượng, cán bộ Cục quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cũng bị cáo buộc vi phạm kỷ luật.
Ông Vương Bảo An, cựu Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc.
Hai sự kiện này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong và ngoài Trung Quốc, bởi vì rất có thể cuộc điều tra về họ liên quan đến một bí mật mà Bộ Tài Chính từ trước đến nay chưa dám công khai.
Ông Vương Bảo An làm ở Bộ Tài Chính 18 năm, từ năm 1998-2015. Quãng thời gian này còn dài hơn số năm ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay. Trong gần 20 năm ấy, số tiền mà ông Vương (theo lệnh của ông Giang Trạch Dân) dùng vào cuộc bức hại này luôn là một bí mật ít người biết tới.
Theo các cuộc điều tra của luật sư nhân quyền David Matas, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada phụ trách vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, nguồn nhân lực chính được sử dụng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công chính là lực lượng công an các cấp tại Trung Quốc.
Báo cáo chi tiêu ngân sách của chính phủ Trung Quốc cho thấy khoản tiền dành cho lĩnh vực trị an vào năm 2012 là hơn 700 tỉ nhân dân tệ (khoảng 100 tỷ USD, hoặc hơn 2 triệu tỷ đồng). Con số này còn lớn hơn cả lượng ngân sách dành cho quốc phòng (650 tỷ NDT).
Trên thực tế, từ lúc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, chi tiêu cho lĩnh vực an ninh công cộng tại Trung Quốc tăng dần theo mỗi năm, và luôn nhiều hơn mức chi tiêu quốc phòng. Ví dụ vào năm 2009, chi tiêu quốc phòng là 480 tỷ NDT, trong khi lĩnh vực trị an là hơn 500 tỷ NDT.
Theo thống kê của trang Minghui.net dựa trên lời khai của một quan chức cấp cao thuộc Cục Tư pháp tỉnh Liêu Ninh, “số tiền Đảng cộng sản Trung Quốc dùng để đàn áp Pháp Luân Công đã vượt quá chi phí dành cho một cuộc chiến tranh”. Thời điểm cao trào nhất của cuộc bức hại là từ năm 1999-2002, số tiền chi ra chiếm tới 1/4 tổng giá trị tài sản quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Vậy tại sao một cuộc đàn áp lại cần quá nhiều chi phí đến thế?
Theo kết quả điều tra được đăng trên tờ “Kim Báo Thẩm Dương”, riêng chi phí để xây dựng 1 trại giáo dưỡng chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Công đã tốn khoảng 1 tỷ NDT (hơn 3 nghìn tỷ đồng). Một cơ sở như vậy có thể là một khu đất rộng khoảng 400 nghìn m2, với hơn 20 nghìn nhân viên thường trực. Hơn nữa, những mô hình tương tự phục vụ cho việc giam giữ và tra tấn các học viên Pháp Luân Công mọc lên ở tất cả các thành phố lớn và những khu trọng điểm bức hại, chẳng hạn Phòng 601, các trại cưỡng bức lao động, trại giam, trung tâm tẩy não.
Đó là chưa kể đến chi phí trả lương cho các nhân viên làm trong tất cả các trung tâm bức hại, chi phí tu sửa, cải tạo, tiền chi cho các bộ ban ngành liên quan đến việc xét xử các học viên Pháp Luân Công như: Bộ Công an, Bộ tư pháp, Viện Kiểm sát, Toà án.
Ngoài ra là chi phí cho giới truyền thông nhằm tung tin sai lệch về Pháp Luân Công với tần suất dày đặc (mỗi ngày 2-3 tin trên khắp các báo, đài, tivi) trong suốt 2 năm đầu của cuộc bức hại, đồng thời bưng bít sự thật liên quan đến vấn đề này đối với người dân.
Tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trên toàn đất nước Trung Quốc đều có thể liên quan tới cuộc bức hại của chính quyền. Ví dụ, các địa phương không nhận đầu tư của các học viên Pháp Luân Công, các trường học không cho phép con em của học viên Pháp Luân Công theo học. Nhiều trẻ em bị phát hiện có người thân là học viên Pháp Luân Công lập tức bị đuổi học. Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân sa thải các học viên Pháp Luân Công hoặc có người nhà luyện Pháp Luân Công.
Những người khai báo thông tin về các học viên Pháp Luân Công được thưởng từ 500-1000 NDT (khoảng 1.5-3 triệu VND). Chỉ tính riêng việc chi trả cho những người khai báo cũng có thể tiêu tốn hàng trăm triệu NDT. Cả nước Trung Quốc đều xảy ra hiện trạng như vậy trong suốt hơn 17 năm qua.
Đó là một sự thật đau lòng khiến cả thế giới phải kinh ngạc – chính quyền Trung Quốc đang dùng tiền thuế của người dân để đàn áp người dân.