5 trong số 6 lãnh đạo phương Tây chống Nga “cuồng nhiệt” nhất trong hai năm qua nay đã ra đi. Thay vào đó là “người của Putin”, giống như cánh truyền thông phương Tây đang gọi để nói về những nhân vật lãnh đạo mới theo trường phái dân túy như Donald Trump, François Fillon…
Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang 2016
Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014 kéo theo cuộc đối đầu chưa từng có giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Việc “chống Nga” tốt hay xấu, thì có lẽ chỉ có lịch sử mới phán xét nổi, còn hiện tại thì nó cho thấy đó là sai lầm. Những “biểu tượng chống Nga”, từ Tony Abbott (Úc), Stephen Harper (Canada), Cameron (Anh) đều ra đi trong thảm bại. Nay thì Obama, Hollande ra đi không kèn không trống. “Di sản” đối ngoại mà các vị này để lại cho người kế nhiệm là một mối quan hệ “đổ vỡ” rất khó hàn gắn với Nga.
Và các chính trị gia theo đường lối dân túy (populism) đơn giản chỉ là… tỏ ra thân Nga thì cũng đủ “hút hồn” cử tri- những đám đông im lặng đã quá chán ngán nền chính trị tinh hoa. Từ Brexit ở Anh, tới Trump ở Mỹ, nay là Pháp,… chỉ còn bà Merkel ở Đức là “chiếc lá cuối cùng” để bảo vệ lý tưởng toàn cầu hóa của… người Mỹ.
Sự thay đổi ở chính trường các nước phương Tây cũng cho thấy sự thay đổi của chính trị thế giới. Kỉ nguyên Mỹ làm mưa làm gió hậu Chiến tranh Lạnh có lẽ đã rơi vào dĩ vãng. Thế giới không còn và không thể đơn cực với một “cảnh sát quốc tế”. Sự dũng cảm của Nga và sự trổi dậy của Trung Quốc đang làm thay đổi tất cả…
Với việc Tổng thống mãn nhiệm Pháp François Hollande rời cuộc chơi ngày 2/12, giờ đây bầu cử Pháp gần như chỉ còn là cuộc đua của các ứng cử viên… thân Nga. Tất nhiên, “thân Nga” chỉ là cách nói cho dễ hiểu, hoặc có thể gây… hiểu lầm thì càng tốt. Cả một hệ thống chính trị phương Tây đã bị người Mỹ dắt mũi đi vào quĩ đạo chống Nga (giống như ngày trước chống Liên Xô), nhân danh đủ các thứ nhưng tóm lại vẫn là cuộc chiến địa chính trị, giành giật tài nguyên, thị trường… chuyện muôn đời của các nhà tư bản.
Không chỉ bản thân những vị lãnh đạo các nước phương Tây ra đi mà ngay cả ở những nước được họ thiết lập làm đồng minh để bao vây Nga cũng tiếp bước. Sau Donald Trump, nền chính trị phương Tây lại bị “bồi” tiếp bởi 2 cú đấm, khi các cuộc bầu cử ở Bulgaria và Moldova đều cho kết quả rất tồi tệ với EU.
Tại Bulgaria, ông Rumen Radev- từng là Tư lệnh Không quân- thắng cử dễ dàng. Đáng nói, Radev là người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chủ trương nối lại quan hệ với Nga (tức đi ngược lại với chính sách chung của EU).
Về mặt cá nhân, Radev cũng có kiểu cách hao hao Tổng thống Nga Putin. Về chính sách của mình, Radev tuyên bố: “Tôi học trường không quân ở Mỹ, phục vụ NATO, nhưng tôi vẫn lái MiG-29 (máy bay biểu tượng của Liên Xô và Nga). Tôi trước hết và sau cùng là người Bulgaria”.
Với chính sách thiên về dân túy như vậy, Radev được lòng cử tri đất nước nghèo nhất EU. Người dân Bulgaria dường như đã chán ngấy hệ thống chính trị phụ thuộc EU quá đáng.
EU- tiếng là một cộng đồng dân chủ- nhưng các quốc gia Đông Âu nghèo khó như Bulgaria bị xem là thành viên hạng bét, không có tiếng nói gì. Khi EU chiến tranh kinh tế với Nga, Bulgaria thiệt hại nặng nề nhưng sự phản đối không đến được các “ông lớn” như Đức, Pháp ngó ngàng.
Thậm chí, trót nghe lời Mỹ và EU, Bulgaria đã phá dự án khí đốt “Dòng chảy phương Nam” với Nga. Tưởng đâu được EU bồi thường, không ngờ lại bị đánh quả lơ.
Trong khi đó, tại Moldova, ứng viên thân Nga Igor Dodon cũng dễ dàng đánh bại ứng viên thân EU. Moldova cũng là một trong những nước bé nhỏ nghèo khó nhất khu vực Đông Âu. Họ cũng trải qua thời gian hương Tây đầy trắc trở.
Sự lên ngôi của Dodon- một người theo chính sách dân tộc- một phần nào đó cho thấy người dân Moldova thực sự cảm thấy chán nản với sự đổi mới quá nóng vội của đất nước, vốn không đem lại kết quả mà chỉ chuốc lấy sự mất ổn định.
Thực ra thì cách nói “người của Nga” hoặc “thân Nga” chỉ là miệng lưỡi truyền thông, nhằm tuyên truyền. Cũng như truyền thông Mỹ nói Donald Trump thân Nga, thân Putin vậy.
Còn thực chất thì các chính trị gia này thắng cử không hẳn là thân Nga, mà chủ yếu là chính sách của họ rất thực tế, và đương nhiên là nó trùng hợp với chính sách của Nga.
Các nước Đông Âu đáng ra phải giữ kiểu cân bằng ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây thì mới thiết thực và hiệu quả nhất. Nhưng trong một thời gian dài, “diễn biến hòa bình” của Mỹ khiến giới chính trị ở đó gần như bị tê liệt ý thức cân bằng. Họ mù quáng chạy theo phương Tây bằng tốc độ nhanh nhất có thể, bất chấp tất cả…
Nhưng còn người dân thì sao? Họ dần nhận ra rằng, với chính sách lệ thuộc hoàn toàn vào phương Tây, họ không còn là… chính mình. Ngay cả khi đời sống kinh tế có chút khá lên, thì điều đó cũng không khiến họ khỏi chạnh lòng…
Nằm giữa 2 làn đạn, một bên là Nga, một bên là Mỹ và EU, họ cảm thấy ngày càng mệt mỏi. Phương Tây, để phục vụ chiến lược bao vây Nga, đã hối thúc các nước này chống lại nước Nga. Nhưng, giới chính trị gia thì có sự thực dụng để… chống Nga, chứ còn dân chúng thì vẫn nặng nợ với Nga. Những mối liên hệ trong quá khứ giữa Nga và Đông Âu, nhất là về mặt lịch sử, tôn giáo, chủng tộc,… đâu dễ gì xóa bỏ.
Các chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã khai thác tình cảm đó của dân chúng. Họ cho rằng đâu mắc gì phải đánh đổi quá lớn như vậy. Họ cho rằng quốc gia của mình cần phải quay trở lại với Nga để không đi theo hướng thiên lệch rất nguy hiểm như vậy…
Nga “ngư ông đắc lợi” hay là “anh hùng tạo thời thế”? Rất khó để có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng rõ ràng là đang có xu hướng các quốc gia quay trở lại chính sách cân bằng ảnh hưởng, không mù quáng chạy theo những giá trị hào nhoáng nhưng nguy hiểm…
Putin- không còn nghi ngờ gì nữa- là hình mẫu để mang lại thành công cho các chính trị gia, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, khi các nước lớn thì tiến thoái lưỡng nan giữa toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch, còn các nước nhỏ thì phân vân giữa 2 con đường “hướng Đông hay hướng Tây”.