Các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà điều hành công ty và các thể chế quốc tế bắt đầu có những phản ứng thích nghi với lập trường của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong một hội nghị ở Washington Mỹ. Ảnh: NYT
Mặc dù còn hơn 7 tuần nữa mới đến thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bước vào Nhà Trắng, chiến thắng của ông được cho là đang dần định hình được các sự kiện trên toàn thế giới, theo New York Times.
Bình luận viên Peter Becker nhận định, nhiều quốc gia và các thể chế quốc tế, dù là đồng minh hay đối thủ của Mỹ hiện đều có những động thái phản ứng nhằm thích nghi với lập trường, chính sách của ông Trump trong thời gian tới.
Ngày 23/11, chính quyền thành phố Jerusalem, Israel chính thức thông qua kế hoạch xây dựng 500 ngôi nhà tái định cư cho người Do Thái tại những khu vực tranh chấp với Palestine, vốn bị trì hoãn từ lâu. Văn phòng thị trưởng thành phố nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để chấm dứt việc trì hoãn và quyết định này không mang động cơ chính trị.
Tuy nhiên, người đứng đầu sở quy hoạch đô thị Jerusalem cho rằng ông nhận thấy “tín hiệu bật đèn xanh” từ chiến thắng của ông Trump.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đang đưa ra phương án đối phó bằng nhiều cách khác nhau.
Lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét kế hoạch tăng ngân sách quân sự để đáp ứng với yêu cầu buộc các thành viên trong khối phải san sẻ bớt gánh nặng chi tiêu với Mỹ của ông Trump.
Litva tuần trước cũng bầu thủ tướng mới, người từng cam kết mạnh mẽ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng
Bất chấp những mâu thuẫn với Tổng thống Obama, chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đang nỗ lực giành thiện cảm với đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump.
Ông Duterte mới đây bổ nhiệm Jose E.B. Antonio, một ông trùm bất động sản đang tham gia dự án xây dựng Tháp Trump tại Manila, làm đại diện thương mại của Philippines tại Mỹ.
Sau khi Anh từ chối đề nghị của ông Trump về việc chỉ định ông Nigel Farage, một lãnh đạo phong trào Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu), làm đại sứ tại Mỹ, tờ Times of London đưa tin nhiều khả năng ông Farage vẫn sang Mỹ để giữ một cương vị nào đó, khi ông Trump nhậm chức.
Tại Trung Quốc, thái độ lạc quan ban đầu về ông Trump đang nhường chỗ cho tâm lý hoài nghi.
“Chúng ta nên ngừng tưởng tượng về những lợi ích từ chiến thắng của ông Trump có thể đem lại cho Trung Quốc. Ông Trump sẽ quay trở lại những chính sách truyền thống dựa vào vai trò của đồng USD và tìm cách bành trướng ra nước ngoài”, Zhu Chenghu, tướng về hưu Trung Quốc phát biểu một cuộc hội thảo ở học viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Theo Peter Becker, chiến thắng của ông Trump cũng đang tác động rõ nét đến thị trường tài chính thế giới.
Cổ phiếu của các công ty từng hy vọng được hưởng lợi từ chính sách kinh tế của ông Trump đang có xu hướng tăng rõ rệt, trong khi đó, những quốc gia vốn lo ngại lập trường chống tự do mậu dịch của ông Trump cũng phải chứng kiến giá trị đồng nội tệ sụt giảm so với đồng USD.
Trong bối cảnh nhiều nhà phân tích dự đoán ông Trump sẽ có nhiều chính sách ưu đãi với giới kinh doanh, chỉ số công nghiệp Dow Jones gần đây đã phá vỡ một số kỷ lục và lần đầu tiên đã đạt mức 19.000 vào tuần trước .
Cổ phiếu của các công ty châu Âu cũng trên đà tăng. Ngân hàng Deutsche Bank, ngân hàng có quan hệ lâu năm với các doanh nghiệp của ông Trump đang rất lạc quan khi cố phiếu của họ tăng 17% sau cuộc bầu cử.
Ngược lại, đồng peso của Mexico giảm mạnh. Ngân hàng Trung ương nước này tuần trước giảm dự đoán tăng trưởng trong năm tới, do “quá trình bầu cử tại Mỹ”.
Ngoài ra, nhiều nền kinh tế khác cũng đang phản ứng trong tâm trạng e dè do lo ngại những chính sách của ông Trump có thể đẩy lạm phát và lãi suất tăng cao.
“Để đối phó lại chính sách của ông Trump, chính phủ các nước đang phải điều chỉnh lại các chính sách về mậu dịch, quốc phòng và nhập cư. Chiến thắng của ông Trump dần định hình, hoặc ít nhất cũng đang trong quá trình định hình các sự kiện thế giới”, bình luận viên Peter Becker nhận xét.