Wednesday, January 15, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVietinbank "chịu thua" áp lực ngân sách?

Vietinbank “chịu thua” áp lực ngân sách?

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.

VietinBank và các ngân hàng thương mại nhà nước đã và sẽ không thể tăng vốn thời gian tới bằng các huy động nguồn lực của cổ đông hiện hữu, với sự chi phối của cổ đông Nhà nước.

Đây là diễn tiến mới nhất và có thể xem là quyết định cuối cùng cho câu chuyện cổ tức các ngân hàng thương mại Nhà nước (đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn chi phối) trong năm 2016.

Theo thông báo trên, VietinBank tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến chốt ý kiến cổ đông vào thời điểm cuối cùng của năm, 30/12/2016. Theo đó, ngân hàng này đã phải lên kế hoạch trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, thay vì giữ lại lợi nhuận.

Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông đầu năm, VietinBank đã thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2015 nhằm bổ sung vốn tự có, năng lực tài chính. Đây là nhu cầu cấp bách, vì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đến cuối năm 2015 ở mức 10,58%, nếu không bổ sung nguồn vốn tự có thì khó đảm bảo yêu cầu đến cuối 2016, đặc biệt là trong lộ thực thực hiện tiêu chuẩn Basel 2.

Tuy nhiên, cũng như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Bộ Tài chính đã không đồng ý với kế hoạch trên, mà yêu cầu VietinBank phải trả cổ tức bằng tiền mặt để nộp về ngân sách Nhà nước.

“Mâu thuẫn” của kế hoạch trên kéo dài cho đến nay. Và như thông báo trên, cuối cùng VietinBank đã phải lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt, trong một năm mà ngân sách Nhà nước chịu áp lực cân đối căng thẳng (tương tự BIDV cũng đã phải trả cổ tức bằng tiền mặt).

Hiện chưa có tỷ lệ chi trả cổ tức cụ thể, song, diễn tiến trên cho thấy VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung có thể đã rơi vào thế kẹt trong kế hoạch và lộ trình tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Với VietinBank, thế kẹt đó càng rõ hơn. Vì hiện tại tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại đây đã giảm xuống mức tối đa cho phép (còn gần 65%), nên VietinBank không thể phát hành thêm riêng lẻ để tăng vốn điều lệ (vì sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước).

Mặt khác, tại nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm tới vừa thông qua, định hướng cũng đã xác định rõ là không dùng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại.

Nói cách khác, VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước nói chung thời gian tới không thể tăng được vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm, huy động nguồn lực của các cổ đông hiện hữu, cũng không thể thực hiện được bằng cách tranh thủ trả cổ tức bằng cổ phiếu (vì cổ tức của cổ đông Nhà nước cũng là ngân sách).

Khi kẹt cửa tăng vốn nói trên, các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ còn cách giảm tổng tài sản, giảm cho vay (trong bối cảnh nền kinh tế đòi hỏi đòn bẩy tín dụng cao để tăng trưởng cao), hoặc thực hiện phát hành trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm để tính vào nguồn vốn cấp 2 và cải thiện CAR. Tuy nhiên cách phát hành trái phiếu vừa chịu chi phí cao (lãi suất huy động dài hạn cao), vừa hạn chế bởi có giới hạn không được quá 50% vốn cấp 1.

Riêng Vietcombank và BIDV, tỷ lệ sở hữu Nhà nước có thể giảm xuống qua phát hành riêng lẻ, chào bán cho đối tác nước ngoài… Tuy nhiên, hướng đi này gần như đã thất bại trong năm 2016.

RELATED ARTICLES

Tin mới