Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSẽ là không công bằng nếu chỉ phát triển hàng không mà...

Sẽ là không công bằng nếu chỉ phát triển hàng không mà quên đi đường sắt

Phát biểu của người đứng đầu ngành giao thông về việc siết tăng chuyến, hạn chế nhập tàu bay khiến có người liên tưởng vì thương xe ôm nên phải cấm taxi.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải – ông Trương Quang Nghĩa, hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hàng không phát triển sẽ kéo ngành giao thông vận tải đi lên, buộc các loại hình vận tải khác phải thay đổi tư duy.

Ngược lại, nếu siết số lượng chuyến bay bằng các biện pháp hành chính thì sẽ gây nhiều khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ, tết. Xa hơn nữa là ảnh hưởng cả tới sự phát triển của ngành du lịch, và có thể ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Không có chuyện làm vỡ kế hoạch ngành vận tải khác

Phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nói rằng: “Hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt”. 

Vì thế Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải “siết lại tăng chuyến bay trong dịp Tết”.

Yêu cầu trên của người đứng đầu ngành giao thông vận tải khiến không ít chuyên gia trong ngành giao thông, kinh tế cảm thấy bất ngờ.

Theo TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế, hàng không phát triển là xu thế chung của thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Hàng không cực kỳ quan trọng, hỗ trợ phát triển các ngành khác, đặc biệt là du lịch.

“Nếu không có kết nối hàng không trong nước và nước ngoài thì các ngành khác đặc biệt là du lịch không thể phát triển được”, ông Phong khẳng định.

TS.Nguyễn Minh Phong cho biết, trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển kinh tế.

Trong du lịch vai trò kết nối vận tải là hết sức quan trọng, có thể nói là yếu tố quyết định đầu tiên.

“Như vậy nếu kìm hãm hàng không phát triển không chỉ ảnh hưởng đến vận tải hành khách, ảnh hưởng việc đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Một ngành kinh tế đóng góp hơn 6% vào GDP như du lịch thì mọi quyết sách tác động đến phải cân nhắc rất kỹ”, ông Phong cảnh báo.

TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho rằng: Không thể vì hàng không phát triển trong khi ngành khác trì trệ lại đưa ra quan điểm hạn chế.

Mặt khác, theo TS.Nguyễn Minh Phong việc lựa chọn phương tiện giao thông hàng không, đường bộ hay đường sắt là quyền của người dân. Trên từng quãng đường cụ thể người dân có quyền lựa chọn phương tiện nào thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn.

“Không thể vì hàng không phát triển trong khi ngành khác trì trệ lại đưa ra quan điểm hạn chế. Chuyện làm vỡ kế hoạch vận tải đường sắt như Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói là quan điểm không đúng”, TS.Phong nói thẳng.

Nói đến sự phát triển ngành hàng không những năm qua, theo TS.Nguyễn Minh Phong xuất phát từ việc mở cửa thị trường cho phép tư nhân, quốc tế tham gia đầu tư phát triển hàng không.

Rõ ràng định hướng đúng của Chính phủ cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia hàng không tạo sự cạnh tranh trong nội bộ ngành, giúp hàng không phát triển mạnh trong 10 năm qua.

Thành công của ngành hàng không là bài học kinh nghiệm, là cơ sở để ngành vận tải khác phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm.

Ở góc độ quản lý nhà nước, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu Bộ Giao thông vận tải thấy ngành vận tải khác trì trệ (như vận tải đường sắt) phải có biện pháp thúc đẩy phát triển.

“Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn độc quyền khai thác vận tải đường sắt. Nhiều năm qua vận tải đường sắt trì trệ, để thay đổi căn bản thì cần một lượng tiền rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước thì chưa thể đầu tư vào lúc này.

Vì vậy, muốn đường sắt phát triển thì nhà nước cần tính đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư để tạo cạnh tranh trong ngành đường sắt cũng như đủ sức cạnh tranh loại hình vận tải khác”, TS. Phong nêu quan điểm.

Phải vì sự phát triển chung

Về sự “quá tải” hiện nay ở các cảng hàng không, ông Mai Trọng Tuấn – một cựu phi công người dành nhiều năm nghiên cứu về hàng không cho rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước phát triển tình trạng quá tải tại các sân bay còn thường xuyên xảy ra.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực thì sự quá tải đó cũng phản ánh mức độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, của nhu cầu đi lại của người dân bằng hàng không tăng lên trong đó có Việt Nam.

Theo ông Tuấn, với địa hình Việt Nam kéo dài hơn hơn 2.000km đòi hỏi vận tải phải phát triển để phục vụ kinh tế, trong đó hàng không giữ vai trò quan trọng đặc biệt khi vận tải đường dài. 

“Muốn nâng chất lượng vận tải phải có cạnh tranh, quy luật phát triển đã chỉ ra rằng cạnh tranh càng lớn chất lượng dịch vụ càng tăng, giá thành càng rẻ. Trong ngành vận tải đang có sự cạnh tranh gay gắt điều đó tốt cho thị trường cũng như xã hội”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Ở góc độ người dân, theo ông Tuấn nếu hàng không phát triển tốt ngành khác phải hi sinh mà có lợi cho phát triển đất nước, có lợi cho người dân thì nên làm.

Nếu hàng không và đường sắt cùng do nhà nước đầu tư thì quan điểm của Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhằm hài hòa lợi ích các lĩnh vực vận tải là có thể hiểu được, nhưng hai ngành vận tải này đang có sự khác nhau. 

Trong khi hàng không đã xã hội hóa với sự tham gia đầu tư của tư nhân, của doanh nghiệp nước ngoài và đang rất phát triển thì đường sắt vẫn dùng vốn nhà nước.

Như vậy một bên dùng vốn xã hội hóa một bên dùng vốn nhà nước, nếu siết chặt hàng không để ngành đường sắt phát triển là không công bằng.

“Siết hàng không để đường sắt phát triển khác gì vì thương anh xe ôm mà cấm taxi, có taxi nhưng xe ôm đâu có chết, muốn tồn tại anh phải thay đổi vì thế Bộ Giao thông vận tải không nên có quan điểm như vậy”, ông Tuấn nói.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI.

Trong khi đó bình luận phát biểu của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về việc cắt giảm hàng không, siết chuyến bay, TS.Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM cho rằng, đó quan điểm quản lý duy ý chí, quản lý theo mệnh lệnh hành chính, không theo thị trường.

Theo TS.Phúc, trên thế giới tương quan phát triển giữa các ngành vận tải phụ thuộc vào 3 yếu tố: Nhu cầu đi lại của người dân; Chất lượng phục vụ và giá thành vận tải. 

“Do đó sự lựa chọn tự nhiên của các loại hình vận tải là quyền của người dân, từ đó giúp hình thành sự cạnh tranh trong ngành vận tải”, TS.Phúc cho biết.

TS.Nguyễn Bách Phúc bình luận, nếu Bộ trường Trương Quang Nghĩa nói hàng không phá vỡ kế hoạch vận tải các ngành khác trong đó có đường sắt thì phải đặt lại vấn đề: Kế hoạch của ngành đường sắt liệu có phù hợp với nhu cầu của người dân, tình hình thực tế của đất nước?

“Đáng nhẽ Bộ trưởng phải phê bình ngành vận tải khác tại sao lập kế hoạch thiếu căn cứ để rồi vỡ kế hoạch chứ không thể trách hàng không tăng trưởng nhanh được”, TS.Phúc nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới