Microsoft, Intel và IBM là ba trong số những tập đoàn Mỹ đang phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc về quy định tiếp cận mã nguồn các phần mềm và sản phẩm công nghệ.
Tập đoàn Microsoft đã mở một trung tâm minh bạch ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc – Ảnh: Softpedia
Theo trang tin Softpedia dẫn nguồn tập đoàn Microsoft cho rằng, việc cho phép tiếp cận mã nguồn hoàn toàn mâu thuẫn với ý tưởng nâng cao độ bảo mật. Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ khác khẳng định cách làm này trên thực tế chỉ khiến sản phẩm của họ dễ bị tấn công hơn trước các đối thủ hoặc tội phạm công nghệ.
Được biết, Ủy ban Kỹ thuật 260, Cơ quan tiêu chuẩn an ninh mạng quốc gia Trung Quốc, đơn vị đang thúc đẩy thực thi những điều luật mới yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải cung cấp mã nguồn của họ khi hoạt động tại Trung Quốc.
Các điều luật mới của Trung Quốc liên quan tới việc yêu cầu các tập đoàn công nghệ nước ngoài phải cung cấp mã nguồn phần mềm và các sản phẩm công nghệ của họ sẽ có hiệu lực từ tháng 6-2017.
Trong khi đó, tập đoàn Intel lý giải việc cung cấp mã nguồn có bản quyền “sẽ làm tổn hại tới tiến bộ công nghệ và giảm đi mức độ bảo mật của các sản phẩm”.
Tập đoàn Microsoft cho biết bản thân tập đoàn này cũng đã từng thành lập một Trung tâm minh bạch tại thủ đô Bắc Kinh. Tại đó, Microsoft cho phép các bên quan tâm có thể tìm hiểu về mã nguồn của họ.
Tuy nhiên tập đoàn này nhấn mạnh, việc chia sẻ mã nguồn chỉ gây tổn thất cho khả năng bảo mật và khiến các sản phẩm của họ đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc tìm giải pháp để có thể truy cập vào mã nguồn của các sản phẩm do những tập đoàn nước ngoài phát triển.
Đầu năm nay, tập đoàn Apple cho biết chính phủ Bắc Kinh đã đề nghị Apple chia sẻ mã nguồn của hệ điều hành iOS, tuy nhiên tập đoàn này đã từ chối.
Luật sư của Apple, ông Bruce Sewell cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chúng tôi. Chúng tôi đã từ chối. Tôi muốn nói rõ về vấn đề này. Chúng tôi không cung cấp mã nguồn cho chính phủ Trung Quốc”.
Trước đó từng có những cáo buộc nói rằng Apple chấp nhận cung cấp mã nguồn của hệ điều hành iOS cho chính phủ Trung Quốc để đổi lấy những điều kiện nới lỏng hơn trong việc tiếp cận thị trường công nghệ hấp dẫn của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Mặc dù Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc thực thi những quy định an ninh mạng mới sẽ thúc ép những tập đoàn kiểu như Microsoft hay IBM phải chia sẻ mã nguồn có bản quyền, tuy nhiên giới quan sát và phân tích cho rằng, các tập đoàn này cũng không thể phản ứng quá gay gắt và hẳn nhiên họ cũng sẽ không đe dọa từ bỏ thị trường này khi những luật mới đó chính thức có hiệu lực.
Trung Quốc vẫn đang tiếp tục là một trong những thị trường công nghệ lớn nhất thế giới và tất cả các tập đoàn đều muốn tận dụng tốt cơ hội ở đây. Tuy nhiên cuộc tranh cãi giữa các tập đoàn công nghệ và Bắc Kinh chắc chắn sẽ chưa chấm dứt, nhất là khi hạn chót tháng 6-2017 đã sắp tới.