Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần tạo nhận thức xã hội đúng đắn về "Văn hoá từ...

Cần tạo nhận thức xã hội đúng đắn về “Văn hoá từ chức”

Là người nhiều lần đề cập đến vấn đề từ chức, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc rất hoan nghênh ý tưởng của Thủ tướng khi tiếp nhận những ý kiến đóng góp của xã hội nói chung và giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo NĐ “văn hóa từ chức”.

ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc.

Việc làm đáng hoan nghênh

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng câu chuyện từ chức, ông đã nêu khá lâu rồi nhưng trước đây không được ghi nhận, vì thế việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này chỉ đạo Bộ Nội vụ và một số bộ ngành liên quan nghiên cứu soạn thảo nghị định (NĐ) “văn hóa từ chức” là một việc làm đáng được hoan nghênh.

“Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, không chỉ riêng cá nhân tôi mà một số đại biểu khác cũng nêu ra vấn đề này thì ngay sau đó, Thủ tướng đã đặt ngay lên bàn làm việc giao Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo NĐ “văn hóa từ chức”. Tôi nghĩ ý tưởng của Thủ tướng khi tiếp nhận những ý kiến đóng góp của xã hội nói chung (chứ không riêng cá nhân tôi), chỉ đạo hết sức trực tiếp là điều đáng ghi nhận. Điều đó thể hiện phần nào ý tưởng và quyết tâm của Thủ tướng nói riêng và của Chính phủ trong nhiệm kỳ này nói chung”- ông Dương Trung Quốc nói. 

Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì việc xây dựng NĐ “văn hóa từ chức” không đơn giản vì khi chúng ta đã gắn hai chữ “văn hóa” đòi hỏi sự đầu tư để đạt tới mục đích là tạo ra hệ thống giá trị xã hội. 

Khi hệ thống giá trị xã hội xác lập thì người ta mới cảm thấy chuyện đó là văn hóa nếu không thì nó cũng chỉ là những quy định, điều lệ mà thôi – sẽ mang tính áp đặt, mà áp đặt thì không thể nào là văn hóa được.

“Chuyện này mình nói ra không để nói. Muốn làm phải có hệ thống, liên quan đến vấn đề hệ thống công chức của ta đã tồn tại bao năm nay. Câu hỏi và xã hội đặt ra rất nhiều, vậy thì tại sao nếu công chức làm  đúng theo quy định (lương được coi là thấp, thi vào thì ngặt nghèo tại sao người ta vẫn vào làm?). 

Vấn đề ở đây là liên quan đến lợi ích mà yếu tố lợi ích chi phối toàn bộ hệ thống xã hội. Ta không thể chủ quan mà nói rằng đó là ý chí được. Muốn làm một ông quan thanh liêm, hay muốn làm một xã hội trong sạch nó không đơn giản là ý muốn. 

Cho nên tạo ra một mặt bằng, môi trường để mà văn hóa từ chức, hành vi từ chức nó là một nét văn hóa không đơn giản. Nói như thế tôi chắc là không phải mình nói để mà nói nhưng phải có từng bước một”- ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Dẫn chứng điều này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ví dụ như xã hội truyền thống có những hệ thống giá trị ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân. Ví dụ như chữ Hiếu, bố mẹ ốm đau, bố mẹ mất người con phải làm gì?. Người con không làm được điều đó thì sẽ bị xã hội lên án, bị mọi người dè bỉu. Cho nên rất nhiều viên quan đương nhiệm rất lớn đã từ quan, sẵn sàng từ bỏ để về trông nom cha mẹ, thậm chí trông nom phần việc thờ cúng cha mẹ. Đấy là chưa nói đến những yếu tố khác mà xã hội có cả hệ thống quan điểm thế nào là một ông quan thanh liêm,thế nào là một ông quan trong sạch. Điều đó chúng ta phải từng bước xây dựng.

Khó cũng phải làm

Một điều khác mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc là ngày xưa, quan niệm công tội rất rõ ràng, sòng phẳng anh có công thì được hưởng, anh có tội thì phải phạt. Chế độ chúng ta hiện nay, nếu người nào chẳng may bị khuyết điểm hay bị án kỷ luật chẳng hạn… có thể nói không bao giờ “ngóc đầu lên được”. Điều là một yếu tố mà chúng ta gọi là “văn hóa từ chức” rất khó đi vào đời sống.

“Bởi vì con người là khi từ chức là con người có liêm sỉ nhưng người ta vẫn muốn gắn bó với nghề nghiệp công việc ấy trước  khi dẫn đến mức độ bị kỷ luật, bị xử lý. Cái đó chính vì lợi ích, phi vật chất (danh dự là lợi ích phi vật chất) thì họ phải cân nhắc những điều này để hành xử. 

Cho nên, đưa ra NĐ “văn hóa từ chức” mong muốn đạt tới là không đơn giản. Tuy nhiên, việc Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu nó, tôi cho rằng đã là điều tốt nhưng phải nhìn đa chiều, rất nhiều lĩnh vực có thể tham khảo ở các quốc gia khác. Thậm chí có thể tham khảo ở chính nền công chức của người Việt Nam trong xã hội truyền thống cũng như trong chính xã hội mình” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, để việc từ chức thành “văn hóa” quan trọng nhất là tạo ra nhận thức xã hội. Nếu xã hội tạo ra được hành lang pháp lý mà từ hành lang pháp lý xét về lâu dài trở thành tập quán, tạo ra nhận thức trong xã hội, tạo ra hệ thống giá trị xã hội – rằng thì hệ thống giá trị xã hội về mặt tinh thần con người còn lớn hơn giá trị vật chất thì khi đó, văn hóa từ chức mới được thực thi một cách “tự nguyện”.

Đọc lại tất cả các lý lịch của các quan chức thời phong kiến (thời kỳ nhà Nguyễn) cho thấy mỗi ông quan được đào tạo xong làm rất nhiều việc, đi làm ở rất nhiều nơi. Cái mà chúng ta bây giờ gọi là luân chuyển thì các cụ ngày xưa đã làm từ lâu lắm rồi. 

Ví dụ như ông Nguyễn Công Trứ quê ở Hà Tĩnh nhưng ông ấy sau khi đỗ đạt được bổ quan ông áy đi khắp nơi. Ông ấy khai khẩn ở Thái Bình, Ninh Bình thậm chí có thời kỳ ông ấy vào tận An Giang rồi lại ngược lên Cao Bằng làm việc. Trong cuộc đời của con người năng động Nguyễn Công Trứ có thời ông được thăng quan rất cao, có lúc ông bị coi như một người “phạm tội”- đúng như câu “lúc lên voi, khi xuống chó”…Nhưng tại sao xã hội vẫn chấp nhận danh tiếng của ông, được lịch sử chấp nhận?.

“Tôi cho đấy là  bài học sống động, liệu chúng ta có thể trở lại được như xưa không? Một môi trường như thế không? Tuy nhiên tôi vẫn nói, thời kỳ sau này không phải không có ông quan nào từ chức. Ví dụ như ông Trường Chinh chẳng hạn đã từng mất chức TBT nhưng ông vẫn phấn đấu cuối cùng vẫn trở thành TBT thời kỳ đổi mới.

Nói như thế để thấy không phải không có những vị quan ‘từ chức” được ghi nhận thậm chí phục chức tuy nhiên số này rất hãn hữu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, một chức vụ trong hệ thống chức vụ một người bị kỷ luật mà xin từ chức lập tức được lấp đầy và không bao giờ con người này thay đổi được”- nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội này cũng thẳng thắn bày tỏ, từ chức là hành vi để người ta thể hiện thái độ của mình đối với chính việc mình làm, trách nhiệm với việc mình làm. Điều đó hết sức quan trọng. Thế nên, “tôi nhắc lại “ ý tưởng xây dựng NĐ “văn hóa từ chức” là tốt, nhưng ý tưởng đó xây dựng trong môi trường xã hội đời sống chính trị hiện nay nó thực sự không đơn giản. Mặc dù không đơn giản nhưng cứ vào cuộc đi, cứ bắt tay vào làm, chúng ta sẽ tìm ra cách”.

RELATED ARTICLES

Tin mới