Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho rằng, Bắc Kinh có thể dùng “lợi ích hữu hình” để lôi kéo một số nước ở khu vực Biển Đông nhằm cô lập Mỹ
Mới đây, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng tải bài viết của Thiếu tướng Hải quân Dương Nghị cảnh báo, biển Đông sẽ “dậy sóng” trong thời gian tới.
Theo Dương, tình hình biển Đông thời gian qua khá êm ả nhưng chuỗi ngày này với Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu khi gần đây, Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ – Đô đốc Paul Zukunft đã kiến nghị với Tổng thống đắc cử Donald Trump để đưa lực lượng cảnh sát biển Mỹ tới khu vực này.
Hay như thông tin các chiến đấu cơ Anh đang thăm Nhật Bản sẽ bay qua biển Đông cũng như những tuyên bố cứng rắn về vùng biển tranh chấp này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris.
Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị. (Ảnh: Internet)
“Những điều này không thể không khiến chúng ta [Trung Quốc] đề cao cảnh giác”, Dương lo lắng.
Tướng Trung Quốc cáo buộc, “ngay từ đầu, một số người trong nội bộ quân đội Mỹ đã xúi giục Trump phải nhúng tay vào vấn đề biển Đông và cứng rắn với Bắc Kinh ngay sau ngày ông lên nhậm chức”.
“Nếu chính sách và đội ngũ an ninh tương lai của Trump cũng đồng quan điểm này thì chúng ta [Trung Quốc] càng cần lưu tâm đến việc biển Đông lại sẽ sa vào vòng xoáy can thiệp của nước lớn ngoài khu vực”, Dương Nghị lớn tiếng khẳng định.
Dương cho rằng thế lực ngoài khu vực – đặc biệt sự can thiệp mạnh mẽ của các nước lớn phương Tây như Mỹ, Anh chắn chắn sẽ “gây bão” ở biển Đông, cũng không loại trừ khả năng các quốc gia liên quan sẽ tận dụng thời cơ.
Do đó, viên tướng này cho rằng Bắc Kinh cần mở rộng hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia liên quan nhằm giúp những quốc gia này thấy được “lợi ích hữu hình” khi hợp tác với Trung Quốc.
Đồng thời, qua đó “dẫn dắt” những quốc gia đang “chần chừ, dao động” đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Đáng chú ý, theo Dương, đối với sự “cố tình khiêu khích” từ các thế lực ngoài khu vực, đặc biệt những hành động quân sự trực tiếp thách thức đến cái gọi là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” (phi pháp) của Trung Quốc thì Bắc Kinh cần cảnh giác, ăn miếng trả miếng.
Tuy nhiên, chính Trung Quốc mới là đối tượng gây leo thang căng thẳng ở biển Đông với những hành động như xâm chiếm và xây dựng, bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực.