Wednesday, January 1, 2025
Trang chủĐiểm tinDoanh nghiệp Mỹ hoang mang lo sợ Trung Quốc trả đũa vì...

Doanh nghiệp Mỹ hoang mang lo sợ Trung Quốc trả đũa vì phát biểu của Trump

Sự thách thức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đối với Trung Quốc về vấn đề thương mại và Đài Loan đang khiến nhiều công ty Mỹ lo sợ. 

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump – Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin Reuters, những công ty Mỹ từ lâu hưởng lợi từ mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định giờ đang lo ngại về sự trả đũa của Bắc Kinh nếu Trump hành động như những gì ông đã tuyên bố.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Trump một lần nữa khiến Trung Quốc “nổi đóa” khi tuyên bố rằng Mỹ không nhất thiết phải giữ lập trường bấy lâu rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”. Sau khi Trump đưa ra tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày thứ Hai đã bày tỏ “quan ngại đặc biệt”.

Một số nguồn tin gần cận với doanh nghiệp Mỹ nói rằng các công ty Mỹ đang cảm thấy bất an trước tuyên bố về khả năng từ bỏ chính sách “một Trung Quốc” của Tổng thống đắc cử. Họ nói chính sách này đã phục vụ cho lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua.

Các nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định đối với các doanh nghiệp, và nói Trung Quốc có thể “ra đòn” đối với các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc nếu Trump đưa sự cứng rắn của ông đi quá xa.

“Trung Quốc đang quan ngại sâu sắc. Chúng tôi được một số nguồn tin cậy ở Bắc Kinh tiết lộ rằng Trung Quốc đang lên một danh sách những lợi ích Mỹ mà họ có thể nhằm vào đó để trả đũa, đặc biệt là các lợi ích thương mại. Chỉ cần nhìn vào những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Mỹ sang Trung Quốc là có thể biết ngay đâu là đối tượng sẽ chịu hậu quả”, một chuyên gia về chính sách thương mại Trung Quốc, một người có liên hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp Mỹ, cho biết.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng có hơn 30 bang của Mỹ có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Mỹ có số thỏa thuận kinh doanh trị giá hơn 500 tỷ USD tại Trung Quốc. Tất cả những lợi ích này sẽ bị đặt vào tình thế rủi ro trong trường hợp Trung Quốc trả đũa.

“Những lợi ích thương mại này hỗ trợ việc làm cho người Mỹ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Một nguồn tin khác nói rằng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã “âm thầm tiếp cận” với các cố vấn của ông Trump, nhưng các công ty không dám thảo luận công khai về mối lo của họ đối với chính sách Trung Quốc của Trump, vì sợ trở thành mục tiêu của Tổng thống đắc cử. Việc Trump nhằm vào hãng sản xuất máy điều hòa Carrier và hãng máy bay Boeing mới đây có tính răn đe khá cao đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Từ các hãng sản xuất ôtô ở Detroit cho tới các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, Trung Quốc vừa là một nguồn doanh thu và lợi nhuận quan trọng, vừa là một mắt xích có ý nghĩa sống còn trong chuỗi phân phối toàn cầu.

Hơn 1/3 trong số 9,96 triệu xe mà hãng General Motors (GM) bán trên toàn cầu trong năm 2015 là bán cho khách hàng Trung Quốc. Lợi nhuận từ hoạt động tại thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20% lợi nhuận ròng toàn cầu 9,7 tỷ USD của GM trong năm 2015.

Đối với hãng xe Ford, liên doanh tại Trung Quốc chiếm khoảng 16% tổng lợi nhuận trước thuế trên toàn cầu 9,4 tỷ USD trong năm 2015.

“Đế chế” bán lẻ Wal-Mart có 432 siêu thị tại Trung Quốc. Chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks có 2.500 cửa hiệu tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks là ông Howard Schultz tin rằng sẽ đến lúc Trung Quốc là thị trường lớn hơn cả Mỹ đối với hãng này.

Hãng sản xuất máy bay Boeing đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy hoàn thiện tại Trung Quốc dành cho dòng máy bay 737. Hãng dự báo, Trung Quốc sẽ cần tới 6.800 máy bay mới, trị giá hơn 1.000 tỷ USD, trong vòng 20 năm tới.

“Quan hệ Mỹ-Trung là một mối quan hệ mang tính biểu tượng. Hai nước bị ràng buộc lẫn nhau và đạt lợi ích tốt nhất khi cùng nhau phát triển”, giáo sư Susan Aaronson thuộc Đại học George Washington nhận xét.

Theo số liệu của cơ quan thống kê Mỹ, tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ trong năm 2015 đạt 599 tỷ USD, trong đó Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 116 tỷ USD và nhập khẩu 483 tỷ USD từ Trung Quốc.

Giáo sư Alan Deardorff thuộc Đại học Michigan nói rằng nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tăng cao, thì “thiệt hại sẽ là sâu rộng” đối với các công ty Mỹ.

Trump và các cố vấn của ông đã nói rằng thâm hụt thương mại Mỹ-Trung phản ánh những thỏa thuận thương mại tồi và việc Chính phủ Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền, cho rằng những điều này xứng đáng với sự đáp trả mạnh mẽ hơn so với các biện pháp trả đũa thương mại từng có trước đây.

Giáo sư Aaronson thuộc Đại học George Washington nói rằng cho dù Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm, nếu Trump áp thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc, thì hành động như vậy sẽ nhiều khả năng hơn dẫn tới sự trả đũa của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần sự ổn định, và Trump hoàn toàn là một nhân tố gây xáo trộn”, ông Aaronson nói. “Họ sẽ cần phải cho thấy sức mạnh của họ để đáp trả”.

RELATED ARTICLES

Tin mới