Saturday, January 4, 2025
Trang chủĐiểm tinNếu Putin và Trump thành bạn thân, điều gì sẽ xảy ra?

Nếu Putin và Trump thành bạn thân, điều gì sẽ xảy ra?

Hôm 11/12, hãng tin CNN đăng tải bình luận của ông Daniel Treisman, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là “bạn thân nguy hiểm nhất” của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Theo ông Daniel, sở dĩ ông nói ông Putin sẽ là “bạn thân nguy hiểm nhất” của ông Trump bởi mối liên hệ gián tiếp giữa ông Trump và nước Nga có thể gây ra nhiều tình huống nguy hiểm.

Hôm 9/12, tờ Washington Post đã tiết lộ rằng, CIA kết luận Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với chủ đích giúp ông Trump giành chiến thắng. Tuy vậy, các cuộc điều tra không tìm ra được bất kì manh mối nào cho thấy ông Trump và chính phủ Nga có mối liên hệ trực tiếp.

Tuy nhiên, họ có rất nhiều mối liên hệ gián tiếp, tờ CNN nhận định. Ông Paul Manafort, Chủ tịch ban vận động tranh cử cho ông Trump, đã từng phải từ chức vì dính líu đến vụ giúp một tỷ phú “thân Putin” mua lại một đài truyền hình cáp Ukraine. 

Tờ Newsweek cũng từng đưa tin, cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu đã điều tra ông Carter Page, một cố vấn đối ngoại của ông Trump. Ông Carter bị cáo buộc có mối quan hệ mờ ám với Moscow dù bản thân ông này phủ nhận. Ông Page đã nhiều lần đến Moscow và có những bình luận mang tính kích động về chính sách của Mỹ cũng như tỏ ra đồng cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Trong khi đó, người vừa được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia,Trung tướng về hưu Michael Flynn, đã từng gặp các nhân viên tình báo của quân đội Nga. Ông này còn từng trả lời phỏng vấn trực tiếp trong gala kỷ niệm 10 năm thành lập RT, một kênh truyền hình nổi tiếng của Nga.

Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Exxon Mobil, có quan hệ cá nhân cực tốt với Tổng thống Putin và Nga. Thậm chí, năm 2013, ông Tillerson còn được Tổng thống Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị vì có những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ Nga – Mỹ. 

Cách đây 5 năm, ông Tillerson còn ký một thỏa thuận lớn về năng lượng với Nga, dự kiến mang về lợi nhuận tới 500 tỷ USD. Ông công khai vận động cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga bởi chúng có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh của Exxon Mobil ở Nga.

Bên cạnh đó, dù không có thông tin gì về hoạt động kinh doanh của ông Trump ở Nga, nhưng hồi năm 2008, Donald Junior, con trai của ông Trump, cho biết đã thực hiện 6 chuyến công tác tới Nga chỉ trong 18 tháng. Anh này nói: “Chúng tôi nhận được rất nhiều tiền đầu tư từ Nga, đặc biệt là cho các dự án ở Dubai và New York”.

Cũng trong năm 2008, trong lúc ông Trump đang chật vật tìm người mua căn biệt thự 17 phòng ngủ ở Florida, một tài phiệt trong ngành phân bón của Nga, ông Dmitry Rybolovlev, đã trả 95 triệu USD để mua căn biệt này.

Ông Rybolovlev không phải là người Nga duy nhất có mặt kịp thời để giúp ông Trump. Theo Washington Post, báo cáo mới đây CIA đã kết luận, vụ bê bối email của bà Clinton là do những cá nhân có liên hệ với điện Kremlin gây ra với chủ đích giúp ông Trump giành chiến thắng, chứ không chỉ nhằm gây xói mòn lòng tin vào cuộc bầu cử Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump cũng khiến các chuyên gia đối ngoại ở cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ choáng váng khi liên tục ca ngợi ông Putin. Ông Trump gọi ông Putin là một nhà lãnh đạo tài giỏi và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Nga trong nhiều vấn đề. 

Ông Trump và đội ngũ của ông cũng phản bác gay gắt cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Ông còn lên tiếng bênh vực Nga khi khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không hành động quân sự chiếm Ukraine dù ông ấy đã sáp nhập bán đảo Crimea.

Tất cả những hành vi và lời nói của ông Trump chưa từng có tiền lệ dù với tư cách là một ứng viên hay một Tổng thống Mỹ mới đắc cử. Chưa từng có Tổng thống Mỹ mới đắc cử nào có tư tưởng thân thiện với Nga và có cả một đội ngũ nhiều người thân Nga như ông Trump.

Tuy nhiên, theo giáo sư Daniel Treisman, mối lo ngại lớn nhất của Mỹ về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga không nằm ở chỗ ông Trump có thể đang bị Điện Kremlin chi phối mà là hai vấn đề lớn hơn khác.

Thứ nhất, thậm chí nếu ông Trump muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ, thì ông cũng đã bước vào cuộc đua với ông Putin ở thế bất lợi bởi ông đã vứt bỏ những “quân bài” mạnh mẽ nhất. Ông Trump đã “tặng” cho ông Putin món quà đầu tiên, đó là giúp Nga phá vỡ thế bị cô lập mà không nhận lại được bất cứ thứ gì. Một khi ông Trump lên nắm quyền, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dần được xóa bỏ. Về cuộc nội chiến ở Syria, ông Trump cũng tỏ ra không quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu nhiều năm nay của Mỹ là yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Ngược lại, ông Trump tuyên bố sẽ ưu tiên hợp tác chặt chẽ với Nga để chống khủng bố.

Bằng cách nhượng bộ vô điều kiện và tuyên bố sẽ xích lại gần Nga, ông Trump đã đặt ông Putin vào thế rất thuận lợi. Nhà lãnh đạo Nga rất có thể sẽ đánh giá ông Trump là một người thiếu kinh nghiệm, phù phiếm, sốt sắng, mong có kết quả một cách nhanh chóng. Do vậy, sự nguy hiểm đối với nước Mỹ chính là ông Trump có thể bỏ qua nhiều lợi ích của Mỹ dù chẳng đổi lại được gì ngoài những cử chỉ vô nghĩa.

Thứ hai, theo giáo sư Daniel Treisman, tính khí sốt sắng của Trump là điều đáng để tâm. Trong khi ông Putin được đánh giá là một người khó đoán thì ông Trump bị gọi là người liều lĩnh. Với hai nhà lãnh đạo, một khó đoán, một liều lĩnh, nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm sẽ tăng lên rất nhiều.

RELATED ARTICLES

Tin mới