Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiXe buýt nhanh BRT của Thủ đô có gì khác biệt?

Xe buýt nhanh BRT của Thủ đô có gì khác biệt?

Đây là cảm nhận của một số người dân khi đến trải nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT đưa vào chạy thử nghiệm vào sáng nay (15/12) tại bến xe Kim Mã.

Sáng nay (15/12), theo kế hoạch, xe buýt nhanh BRT sẽ chạy thử để mọi người trải nghiệm. Từ 9h sáng, trạm bến xe Kim Mã (Hà Nội) đã có rất đông phóng viên, người dân đến. 

Theo quan sát của PV Infonet, xe buýt nhanh BRT chạy thử nghiệm vẫn chưa có BKS và biển hiệu xe nên xe chỉ chạy tiến lên, lùi lại trong phạm vi khoảng 30 mét.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thuỷ – Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT cho biết: “Tiêu chí của lái xe và phụ xe của xe buýt nhanh sẽ cao hơn so với xe buýt thông thường bởi đây là xe số tự động và công nghệ mới hơn. Ngoài ra, việc dừng, đỗ của tuyến BRT cũng khác hơn nên đòi hỏi kỹ thuật ra, vào nhà chờ của lái xe phải chính xác”. 

Về cách thức sử dụng vé khi đi xe buýt BRT, ông Thuỷ cũng cho biết thêm: “Sau khi Sở GTVT trình và đã được UBND TP chấp thuận, trong giai đoạn đầu xe buýt BRT sẽ sử dụng hệ thống vé chung với cách thức, giá vé như xe buýt bình thường”.

Xe buýt cũng như phòng chờ còn thiếu nhiều hạng mục.

Cũng trong buổi sáng hôm nay, một số người dân đã đến để trải nghiệm xe buýt nhanh. Tuy nhiên, do xe chỉ chạy một đoạn ngắn trong bến xe và vì nhiều hạng mục còn chưa hoàn thành nên người dân vẫn chưa cảm nhận được sự khác biệt. 

“Vì xe mới nên nội thất trong xe không có gì để bàn luận, chỉ có điều xe chỉ chạy một đoạn ngắn nên tôi chưa cảm nhận được gì khác biệt so với các xe buýt khác. Tại nhà chờ, ngoài cánh cửa tự động, tôi còn thấy thiếu ghế ngồi cho khách chờ, thiếu cả biển hướng dẫn…” – bác Nam, một người thường xuyên đi xe buýt cho biết. 

Ngoài ra, bác Nam cũng chia sẻ thêm, vấn đề khiến bác cũng như nhiều người khác cảm thấy khó khăn nhất khi đi xe buýt BRT đó là không có lối sang đường để vào nhà chờ xe buýt. “Nếu phải đi ngang qua đường vào giờ cao điểm để vào nhà chờ xe buýt thì sẽ rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi như chúng tôi”.

Người dân đến trải nghiệm xe buýt nhanh nhưng chưa cảm nhận được sự khác biệt.

Trước đó, vào chiều ngày 29/11, trong buổi họp báo giao ban với báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Hà Huy Thông – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã thông báo ngày 15/12 tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ đưa vào vận hành thử. Trước mắt, phương án tổ chức vận hành tuyến buýt nhanh này sẽ có tần suất 5phút/chuyến với thời gian 45 phút từ Kim Mã đến Yên Nghĩa.

Được biết, thời gian chạy thử sẽ kéo dài 15 ngày. Các trục đường có bố trí 1 làn đường dành riêng để xe buýt nhanh BRT hoạt động, gồm: Ba La – Quang Trung – Lê Trọng Tấn, đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ – nút Giang Văn Minh – Cát Linh, với tổng chiều dài 12,2 km.

Các đoạn không bố trí làn đường dành riêng (BRT chạy chung với các phương tiện khác), gồm: Yên Nghĩa – ngã ba Ba La, Giang Văn Minh – Kim Mã và Kim Mã – Giảng Võ, có tổng chiều dài 2,5km.

RELATED ARTICLES

Tin mới