Ngân sách dự kiến vay thêm 340.157 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc trong năm 2017.
Bội chi ngân sách dự kiến giảm mạnh
Quốc hội vừa có Nghị quyết số 27 về Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Dự kiến trong năm sau, tổng thu cân đối NSNN là 1.212.180 tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.390.480 tỷ đồng, bội chi NSNN ở mức 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP. Trong cơ cấu thu NSNN, thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm phần lớn, lần lượt ở mức 82% và 15%. Còn lại là thu từ dầu thô và thu viện trợ (3%). Về phần chi NSNN, chi thường xuyên vẫn chiếm tỉ trọng cao, lên tới 896.280 tỷ đồng, bằng 64,5% tổng chi ngân sách. Chi đầu tư phát triển chỉ ở mức 25,7%, tương đương 357.150 tỷ đồng.
Đáng chú ý, NSNN dự kiến dành ra 163.846 tỷ đồng chi trả nợ gốc và 98.900 tỷ đồng chi trả lãi trong năm 2017. Bên cạnh đó còn dự kiến vay thêm 340.157 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD bù đắp bội chi và trả nợ gốc, trong đó số giành để trả nợ là 156.537 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD). So với dự toán NSNN được lập cho năm 2016, Quốc hội tiếp tục thể hiện quyết tâm thắt chặt kỷ luật ngân sách trong Nghị quyết dự toán 2017. Bội chi ngân sách dự kiến năm 2017 ở mức 178.300 tỷ đồng, quy đổi tỉ lệ 3,5% so với GDP. Con số này trong dự toán được lập cho năm 2016 lần lượt là 254.000 tỷ đồng và 4,95%.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu NSNN tính tới thời điểm 15/11/2016 là 852.800 tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán năm, song với việc tổng chi ngân sách ước đạt 1.024,7 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán, bội chi ngân sách tính tới 15/11 là 171.900 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Mặc dù vậy, trong cuộc họp ngày 17/10 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ vẫn ước tính bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, đúng bằng giới hạn Quốc hội cho phép. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98%, đã sát ngưỡng 65%, dư nợ Chính phủ ở là 53,1% (vượt 3,1% mức cho phép), dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.
Thắt chặt kỷ luật ngân sách
Trong Nghị quyết 27, Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ điều hành chi NSNN theo dự toán; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Ngoài ra, cơ quan quyền lực cao nhất cũng đồng thời yêu cầu Chính phủ phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trong quản lý chi NSNN; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán NSNN và chi chuyển nguồn năm sau. Đặc biệt không được chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách mới.
Yêu cầu Chính phủ không được chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách mới là điểm mới đáng chú ý trong Dự toán ngân sách 2017 của Quốc hội, cho thấy quan điểm thắt chặt kỷ luật thu chi ngân sách của Quốc hội. Trước đó, trong cuộc họp ngày 15/6/2016 của UBTVQH về quyết toán NSNN năm 2014, Ủy ban Tài chính & Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị loại khỏi quyết toán chi ngân sách số tiền lên tới 36.950 tỷ đồng liên quan đến giải ngân vốn nước ngoài. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến tỉ lệ bội chi ngân sách thực tế năm 2014 là 6,61%, vượt xa dự toán trước đó của Quốc hội (5,3%).
Trong đó, như ANTT.VN đã phân tích, có khoản tiền 10.782,7 tỷ đồng vốn ODA được chuyển từ hình thức vay lại từ Chính phủ sang ngân sách đầu tư trực tiếp tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc (VEC). Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho rằng việc Chính phủ chưa báo cáo với UBTVQH về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, chưa đúng với quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiền pháp (Thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định).