Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 22/12

Bản tin Biển Đông ngày 22/12

Bản tin Biển Đông ngày 22/12/2016.

99 20

Ông Francisco Ashley Acedillo.

1) Chuyên gia Philippines: Trung Quốc có thể đang dựng lên một “tam giác” ở Biển Đông

Ngày 21/12, hãng ABS-CBN đưa tin:

Ngày 21/12, trả lời phỏng vấn tờ ANC’s Headstart, ông Francisco Ashley Acedillo, cựu cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh quốc gia và cựu đại diện của Đảng Magdalo, Philippines, cảnh báo Trung Quốc có thể đang ráo riết triển khai âm mưu xây dựng một vùng tam giác chiến lược ở Biển Đông để kiểm soát hữu hiệu toàn bộ khu vực này. Ông Acedillo cho biết, theo nghiên cứu của một số chuyên gia phân tích quốc phòng, “tam giác” mà Trung Quốc đang nhắm tới để kiểm soát hoàn toàn Biển Đông bao gồm ba điểm: quần đảo Hoàng Sa, Đá Chữ Thập và bãi cạn Scarborough. Trên cơ sở những diễn biến gần đây ở Biển Đông, ông cho rằng Trung Quốc có thể đang nhắm tới việc phát triển bãi cạn Scarborough, “đưa một đội tàu đến nạo vét và tôn tạo với ý đồ làm biến đổi nguyên trạng của khu vực này giống như đã làm với bảy đảo nhân tạo mà phía Bắc Kinh đã bồi đắp”.

2) Trung Quốc có thể đã dùng “vụ thu giữ thiết bị lặn” làm phép thử đối với tân Tổng thống Mỹ 

Ngày 21/12, hãng CNBC đưa tin:

Ngày 21/12, trong chương trình “Góc Tranh luận Châu Á” của CNBC, ông Aaron Connelly, nghiên cứu viên tại Viện Chính sách quốc tế Lowy, khẳng định sự kiện liên quan đến việc thu giữ thiết bị lặn của Hải quân Mỹ chính là một cách để Bắc Kinh thăm dò quan điểm của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump về hoạt động do thám trên biển của Mỹ. Ông Connelly cho biết thêm, “phía Trung Quốc thường xuyên đặt phép thử lên các chính quyền mới của Mỹ khi nước này triển khai các hoạt động do thám, điều này đã xảy ra vào năm 2001 và 2009”. Bên cạnh đó, do lo ngại “dữ liệu lấy ra từ thiết bị do thám sẽ tạo điều kiện cho Hải quân Mỹ phát hiện các tàu ngầm của Trung Quốc”, phía nước này “thường xuyên tỏ ra khó chịu với sức mạnh biển của Mỹ ở khu vực”. Khác với các chuyên gia khác, ông Connelly cho rằng, vụ việc nói trên không phải là đòn trả đũa đối với cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn, đồng thời phủ nhận bất cứ liên hệ nào đến vấn đề Đài Loan hay chính sách “một Trung Quốc”. Ông khẳng định, điểm quan trọng của vụ việc nằm ở khoảng cách của thiết bị lặn so với lãnh thổ của Trung Quốc, qua đó nhấn mạnh, căng thẳng lần này giữa hai bên thể hiện rõ mức độ quan tâm thực sự của phía Trung Quốc đối với việc bành trướng các quyền trên biển của họ.     

3) Khủng hoảng ASEAN, phần 2: Vì sao ASEAN không thể đồng thuận trong vấn đề Biển Đông?

Ngày 22/12, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Khủng hoảng ASEAN, phần 2: Vì sao ASEAN không thể đồng thuận trong vấn đề Biển Đông?” của tác giả Linh Tong, Biên tập viên chuyên mục Đông Á thuộc tạp chí Eurasia Diary và là Trợ lý nghiên cứu thuộc Đại học ADA:

Trong bài viết thứ hai này, tác giả Linh Tong tập trung làm rõ câu hỏi: vì sao ASEAN lại thất bại trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông? Tác giả cho rằng, thay vì chỉ trích sự không thống nhất của khối khi đối đầu với Trung Quốc như nhiều chuyên gia phân tích đã làm, cần phải tập trung vào bức tranh lớn hơn, đặt trong bối cảnh khủng hoảng ASEAN, một tổ chức khu vực. 

Thất bại của ASEAN không hẳn là do Trung Quốc cố tình gây chia rẽ. Tranh chấp Biển Đông đã phản ánh một tình thế tiến thoái lưỡng nan cơ bản, giữa một bên là “hội nhập” và một bên là “bảo vệ chủ quyền quốc gia”, do đó, có ba yếu tố tác động trực tiếp đến sự thống nhất của khối, tồn tại ở ba cấp độ: cấp độ quốc gia, cấp độ quốc tế và cấp độ tổ chức. Ở cấp độ quốc gia, do những xung đột lịch sử giữa các quốc gia thành viên ASEAN, sự đa dạng hiện nay trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội cũng như sự khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc và lợi ích của mỗi nước ở Biển Đông, các nước ASEAN hiện chưa thể đi đến một lập trường chung đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, có rất nhiều lý do khiến Biển Đông trở thành tâm điểm cạnh tranh của nhiều quốc gia trong khu vực: sự toàn vẹn lãnh thổ, trữ lượng hydrocarbon và tài nguyên thiên nhiên, tuyến giao thương quan trọng của thế giới… Ở cấp độ quốc tế, các nước lớn cũng có vai trò không nhỏ trong việc hạn chế một ASEAN đồng thuận, nhất là Trung Quốc – quốc gia đặt nặng áp lực kinh tế và chính trị lên các đồng minh của mình, và Mỹ – quốc gia công khai viện trợ vũ khí cho các nước thành viên ASEAN nhưng còn do dự chưa đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc. Tác giả nhận định, chừng nào các nước ASEAN còn có những khác biệt trong quan hệ hợp tác với hai cường quốc này, việc đi đến một giải pháp cho tranh chấp Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Thêm vào đó, ở cấp độ của một tổ chức, sự thiếu đi vai trò lãnh đạo đối với tất cả các quốc gia trong khối ASEAN, cùng với sự thiếu năng lực của tổ chức trong giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, quyền lực chính trị và dân số đã phản ánh rõ những khó khăn về cơ chế ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận, cũng như khuôn khổ hoạt động như một tổ chức an ninh. Đây là điểm hạn chế để Trung Quốc lợi dụng nhằm gây sức ép, áp đặt các bên trong tranh chấp Biển Đông phải tiến hành đàm phán theo cơ chế song phương. Tác giả bài báo đề xuất, ASEAN cần tập trung vào các nhân tố bên trong (cấp độ quốc gia và khu vực) hơn là các “mối đe dọa bên ngoài” (cấp độ quốc tế) mà các nước ASEAN khó có thể có bất cứ tác động đáng kể nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới