Tuesday, November 19, 2024
Trang chủThâm cung bí sửLiên Xô-Đài Loan suýt "loại" Mao Trạch Đông: Moscow sẵn sàng dội...

Liên Xô-Đài Loan suýt “loại” Mao Trạch Đông: Moscow sẵn sàng dội tên lửa loạt căn cứ TQ?

“Người vận chuyển” Victor Louis chính là người truyền đạt ý định được cho là của chính phủ Liên Xô tới Tưởng Giới Thạch.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập năm 1949, Mao Trạch Đông đã ngay lập tức tới thăm Liên Xô và cùng lãnh đạo Liên Xô I.V.Stalin ký kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác Trung – Xô.

Theo tài liệu do báo đảng Trung Quốc – Nhân dân nhật báo đăng tải, sự liên minh giữa hai quốc gia (Trung Quốc – nước đông dân nhất và Liên Xô – liên bang có diện tích lớn nhất thế giới) sẽ có ảnh hưởng và vai trò to lớn đối với sự thay đổi của tình hình thế giới lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau sự khởi đầu của Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966), Liên Xô bỗng trở thành kẻ thù lớn nhất của Bắc Kinh. 

Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng đó, một nhà báo Liên Xô đã bí mật tới Đài Loan gặp gỡ với Tưởng Kinh Quốc – con trai người đứng đầu chính quyền Đài Loan bấy giờ là Tưởng Giới Thạch.

Cũng theo tài liệu này, mục đích đến Đài Loan của nhà báo Liên Xô là để tìm hiểu khả năng “Moscow bắt tay với Đài Loan để loại bỏ Mao Trạch Đông”.

Do đây là sự việc vô cùng nhạy cảm, hơn nữa quan hệ Liên Xô – Đài Loan lúc bấy giờ vẫn đang trong trạng thái đối đầu nên rất ít người biết về “hoạt động ngoại giao này”.

Hai nhân vật quan trọng và lần tiếp xúc bí mật

Trong hoạt động ngoại giao bí ẩn này, Cục trưởng Cục Thông tin Đài Loan Ngụy Cảnh Mông và Victor Louis – nhà báo Xô Viết của tờ The Evening News (Anh) chính là hai nhân vật đóng vai trò chủ chốt.

Giữa tháng 10/1968, Đại sứ Đài Loan tại Nhật Trần Chi Mại gửi điện báo cho Ngụy Cảnh Mông, nói rằng, nhà báo Victor Louis của tờ The Evening News (Anh) sẽ đến thăm Đài Loan. Thông báo này sau được trình lên cha con Tưởng Giới Thạch. Tưởng khi đó đã đồng ý cho chuyến thăm của nhà báo Liên Xô.

Trước đó, cán cơ quan ngoại giao Đài Loan tại Nhật Bản đã gửi cuốn sách Liên Xô trong mắt Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch cho Victor Louis. Sau khi xem qua, Louis cho rằng, cuốn sách đưa ra những ý kiến rất không công bằng về Liên Xô.

Khi đó, nhà báo này đã nói với nhân viên ngoại giao Đài Loan rằng, phía Đài Loan không nên coi Liên Xô là kẻ thù mà cần chủ động liên lạc với Moscow. Đồng thời cho biết, ở phương diện này, ông có thể giữ vai trò quan trọng.

Khoảng 15h30 ngày 22/10, Ngụy Cảnh Mông đón tiếp Victor Louis tại phòng làm việc riêng. Vừa ngồi xuống, Louis đã nói rõ mục đích chuyến đi của mình chính là muốn tìm kiếm khả năng bình thường hóa quan hệ Liên Xô – Đài Loan.

“Dù tôi không phải do chính phủ Liên Xô phái đến nhưng ít nhất tôi có thể đóng vai trò người đưa tin”, Victor Louis nói.

Khi Ngụy Cảnh Mông bày tỏ nghi ngờ khi đề cập đến những xích mích trong quá khứ, Louis liền đáp rằng Liên Xô bây giờ khác. Nhà báo Louis sau đó đề cập những vấn đề chính trị nhạy cảm về Mao Trạch Đông và “hai Trung Quốc” v.v…

Trước khi rời đi, Louis còn đưa ra yêu cầu muốn chụp ảnh lưu niệm với cha con Tưởng Giới Thạch bởi điều này có thể làm tăng uy tín của bản thân khi “chuyển lời”.

Chính lần gặp mặt này đã cho Ngụy một ấn tượng rằng, “Liên Xô có kế hoạch rằng sau khi Mao Trạch Đông bị loại bỏ, một Trung Quốc do Liên Xô thao túng, một Trung Quốc do Quốc dân đảng nắm quyền”.

Tưởng Kinh Quốc gặp mặt Victor Louis

Liên Xô-Đài Loan suýt loại Mao Trạch Đông: Moscow sẵn sàng dội tên lửa loạt căn cứ TQ? - Ảnh 1.
Nhà báo Liên Xô Victor Louis (1928 – 1992)

Sau cuộc gặp với Louis, Ngụy Cảnh Mông lập tức báo cáo lên Tưởng Kinh Quốc. Tưởng Kinh Quốc khi đó đã đồng ý tiếp kiến nhà báo Liên Xô.

Tuy nhiên, để tránh nghi ngờ, Tưởng Kinh Quốc đã sắp xếp tiếp xúc trước với những nhà báo nước ngoài khác. Sau đó mới gặp mặt Louis.

Trước buổi nói chuyện với Louis, Ngụy Cảnh Mông đã trình lên Tưởng Kinh Quốc hai vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, thực hiện “hai Trung Quốc” là điều không thể. Thứ hai, Mỹ, Liên Xô và Nhật Bản đều không có lý do loại bỏ Mao Trạch Đông, chỉ có Đài Loan mới có đầy đủ “tính hợp pháp” để loại bỏ Mao.

Ngày 29/10/1968, nhà báo Victor Louis đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Tưởng Kinh Quốc.

Tại buổi nói chuyện, Tưởng Kinh Quốc nói rằng: “Hiện nay Trung Quốc đại lục không có ai có thể kế thừa Mao Trạch Đông… Sau khi Mao bị hạ bệ, thế lực duy nhất có thể lãnh đạo Trung Quốc chính là Quốc dân đảng”.

Louis cũng bày tỏ, Liên Xô sẽ giữ vai trò trung lập nếu Quốc dân đảng phản công đại lục. Sau đó, hai bên đã thảo luận về cách thức liên lạc cho thời gian tiếp theo.

Liên Xô-Đài Loan suýt loại Mao Trạch Đông: Moscow sẵn sàng dội tên lửa loạt căn cứ TQ? - Ảnh 2.

Tưởng Giới Thạch từng có ý định bắt tay với Liên Xô…

Hai lần đi châu Âu của Ngụy Cảnh Mông

Ngày 1/5/1969, Louis khi đó đang ở Italia gọi điện cho Ngụy, mong muốn có buổi nói chuyện ở Đài Bắc hoặc Bangkok để dễ dàng trao đổi ý kiến.

Ngụy ngay sau đó đã xin chỉ thị của Tưởng Kinh Quốc. Tuy nhiên, Tưởng cho rằng, cuộc gặp mặt diễn ra ở Đài Loan hay Bangkok sẽ dễ gây chú ý nên quyết định tiến hành tại Rome (Italia) hoặc Vienna (Áo).

Vài ngày sau, Tưởng Kinh Quốc đưa Ngụy Cảnh Mông tới gặp Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch đề xuất “năm nguyên tắc” về việc phản công Đại lục.

Nguy Cảnh Mông đã viết trong cuốn sổ ghi chép rằng: “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong lần hành động này của tôi chính là từ nội dung chiến lược hợp tác của họ, thực hiện bước đi tiếp theo lật đổ chính quyền Mao Trạch Đông”.

Tài liệu của Nhân dân nhật báo cho hay, ngày 14/5, Ngụy Cảnh Mông có buổi ăn tối với Louis tại Vienna. Ông Louis nói, Moscow cho rằng Mao đã vi phạm điều khoản trong Hiệp ước Xô-Trung nên Moscow quyết định:

“Dù Đài Loan hay Trung Quốc đại lục nảy sinh bất cứ mâu thuẫn gì thì Mosocw đều cho rằng, những vấn đề thuần nội chính Trung Quốc sẽ không liên quan đến Liên Xô. Nếu là nội chiến, Liên Xô quyết không ủng hộ Mao Trạch Đông”.

Khoảng 10 ngày sau, Ngụy trở về Đài Bắc và báo cáo kết quả lên Tưởng Kinh Quốc. Sau buổi báo cáo, Tưởng Kinh Quốc đã đặc biệt dặn dò thân tín “thông báo cho Bộ trưởng Ngụy, Vương Bình không đến Vienna”.

“Bộ trưởng Ngụy”, tức người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, Ngụy Đạo Minh và “Vương Bình” là biệt danh Ngụy Cảnh Mông đặt cho Victor Louis.

Lời căn dặn của Tưởng Kinh Quốc cho thấy, đây là sự việc cơ mật, không thể tiết lộ với ngay cả với cơ quan ngoại giao.

Theo lời hẹn, ngày 2/10/1969, Ngụy Cảnh Mông tiếp tục đến cuộc hẹn với Louis tại Roma. Tuy nhiên, Louis không xuất hiện.

Liên Xô từng muốn cùng Đài Loan dùng tên lửa hủy căn cứ quân sự, loại bỏ Mao Trạch Đông? - Ảnh 4.

… để phản công Trung Quốc đại lục và loại bỏ Mao Trạch Đông?

Kế hoạch tấn công bờ biển Trung Quốc, “loại” Mao Trạch Đông

Một năm sau đó, Victor Louis lại bí mật liên lạc với Ngụy Cảnh Mông và yêu cầu gặp mặt. Khi đó, Louis đã sắp xếp gặp mặt tại Rome nhưng để bảo mật, Tưởng Kinh Quốc đổi địa điểm sang Vienna.

Ngày 26/10/1970, sau khi đến Vienna, Ngụy mới thông báo địa điểm mới cho Louis. Bốn ngày sau, Louis đến Vienna.

Tại buổi nói chuyện, Louis giải thích, sự thất hẹn lần trước có liên quan đến Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin. 

Kosygin sẽ bị đưa vào thế khó nếu Louis liên lạc với Đài Loan trong thời điểm đó, bởi ông này có cuộc gặp quan trọng kéo dài 3 tiếng với ông Chu tại sân bay Bắc Kinh ngày 11/9/1969 nhằm hạ nhiệt căng thẳng hai nước sau vụ xung đột đảo Damansky/Trân Bảo vào tháng 3 cùng năm.

Theo Nhân dân Nhật báo, Louis cho biết: “Sang năm (1971), Liên Xô sẽ khai mạc đại hội đảng. Đại hội này liên quan đến vấn đề phân bổ quyền lực. Trong nội bộ ĐCS Liên Xô, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev thuộc ‘phái diều hâu’ có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh…

Nếu Đài Loan có thể cung cấp đủ thông tin tình báo, chứng minh Mao Trạch Đông đang chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh lớn hơn với Liên Xô, sẽ giúp Brezhnev nắm quyền chủ động”.

Ngoài ra, ông này nói với Ngụy Cảnh Mông: “Liên Xô trước đây đã bày tỏ rõ, nếu Đài Loan và Trung Quốc đại lục giao chiến, Liên Xô sẽ không giúp đỡ Bắc Kinh. Hiện nay, có thể khẳng định rõ ràng hơn, chính là Moscow hy vọng bắt tay hợp tác với Đài Bắc loại bỏ Mao Trạch Đông”.

Khi được hỏi, Moscow sẽ giúp gì nếu Đài Loan “phản công đại lục”, Louis cho hay Liên Xô sẽ không đưa quân viện trợ giao tranh với Mao Trạch Đông mà sẽ dùng tên lửa phá hủy các căn cứ quân sự ven biển của Bắc Kinh.

Đồng thời, Louis yêu cầu Đài Loan tiến hành kế hoạch trong tương lai gần bởi theo ông, nước Mỹ đang lo cho lợi ích bản thân họ nên sẽ không giúp chính quyền Tưởng Giới Thạch phản công đại lục, đặc biệt nếu Washington và Bắc Kinh đàm phán thành công, Đài Bắc sẽ bị cô lập.

Ngày 31/10/1970, Louis chuyển bản thảo kế hoạch cho Ngụy Cảnh Mông và đề cập rõ hơn: Khi Đài Loan phản công, Liên Xô đầu tiên có thể dùng tên lửa phá hủy các căn cứ quân sự ven biển của Bắc Kinh, sau đó sẽ cung cấp máy bay ném bom và căn cứ không quân cho Đài Loan để tiêu hủy căn cứ hạt nhân Lop Nur của Trung Quốc.

Ngày 7/11, khi Tưởng Giới Thạch hỏi về thái độ nghiêm túc của Louis, Ngụy cho rằng, tuy khá chân thành nhưng đôi khi Louis lại giống như kẻ môi giới.

Sự việc trở nên bất ngờ hơn bởi sau khi nhận được tiền thù lao từ Đài Loan, Louis đã… không bao giờ xuất hiện thêm lần nào sau đó. 

Cho đến nay, “kế hoạch hợp tác dang dở” giữa Liên Xô và Đài Loan vẫn để lại nhiều nghi vấn, trong khi hành động Victor Louis là một dấu hỏi lớn. Vì sao kế hoạch này đổ bể? Mời quý độc giả theo dõi phần tiếp theo: Chìa khóa giải mã nằm trong cuốn nhật ký của Tưởng Giới Thạch.

RELATED ARTICLES

Tin mới