Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNga cần “hợp pháp hóa chủ quyền” Crimea?

Nga cần “hợp pháp hóa chủ quyền” Crimea?

Các chuyên gia Nga nhận định rằng, “những nỗ lực của Kiev tại Liên Hợp Quốc đã trở nên vô ích, Crimea đang ngày càng xa Ukraine hơn”.

 

Moscow đang tự tin là cộng đồng quốc tế sẽ sớm công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga

Mỹ mở rộng, EU gia hạn trừng phạt Nga

Theo tin tức của truyền thông Mỹ, vào ngày 20/12, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định mở rộng lệnh trừng phạt Nga vì tình hình Ukraine. Theo đó, lệnh trừng phạt mới này có liên quan đến các cơ cấu có tư cách pháp nhân và cá nhân của Nga, do diễn biến tình hình ở Ukraine.

Danh sách này bổ sung thêm 7 cá nhân, 8 công ty và mở rộng đến tận… 2 tàu chở dầu của Nga mang tên “Nguyên soái Zhukov” và “Stalingrad”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt “ngành dọc” đã thêm vào bản “danh sách đen trừng phạt” các chi nhánh thuộc Rosselkhozbank (Ngân hàng Nông nghiệp Nga) và các công ty con của công ty khí đốt nổi tiếng Novatek.

Sự bổ sung này bao gồm 12 cơ cấu của nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất ở Nga, đồng thời cũng là công ty sản xuất khí đốt lớn thứ hai tại Nga, chỉ sau Gazprom. Đó chủ yếu là các công ty con chuyên về thăm dò, khai thác và chế biến nhiên liệu.

“Mục tiêu của biện pháp trừng phạt là tiếp tục gây áp lực lên Nga” – tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ đề cập lời người đứng đầu Cục kiểm soát các tài sản nước ngoài John Smith. Ông Smith cho biết, danh sách trừng phạt được mở rộng do tình hình xung quanh Ukraine và Crimea.

Cũng trong đầu tuần qua, Liên minh châu Âu cũng “đồng khí tương cầu”, tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt Nga đến ngày 31 tháng 7 năm 2017.

Hội đồng EU tuyên bố, EU đã chính thức kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga đến ngày 31 tháng 7 năm 2017. Thời hạn của các biện pháp trừng phạt được quyết định do những vấn đề liên quan đến việc thỏa thuận Minsk 2 (ký hồi tháng 2/2015) đã không được thực hiện nghiêm túc.

Thông báo cho biết, khi đánh giá việc thực hiện “thỏa thuận Minsk” tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 15 tháng 12, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ thuộc Liên minh châu Âu đã mở đường cho việc gia hạn lệnh trừng phạt thêm sáu tháng nữa.

Sau đó, Hội đồng Châu Âu đã chính thức nhóm họp và thông qua quyết định này vào ngày 19 tháng 12 năm 2016, ban hành theo thủ tục bằng văn bản thông báo cho các bên có liên quan.

Trước những biện pháp mở rộng và gia hạn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, giới chức lãnh đạo Nga vẫn “bình chân như vại”, thậm chí các chuyên gia nước này còn cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ sớm thông qua quy chế công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga.

Niềm tin của Nga về “hợp pháp hóa chủ quyền” Crimea

Ngày 21/12, nhà báo Vladimir Bychkov của Sputnik nêu nhận xét rằng, một xu hướng rõ ràng là ngày càng ít đi các nước sẵn sàng ủng hộ Ukraine về vấn đề Crimea tại Liên Hợp Quốc, bức tranh của Kiev khá bi quan nếu cộng thêm những phát biểu của một số nhà lãnh đạo phương Tây về vấn đề này.

Phát biểu của vị chuyên gia Nga được đưa ra trong bối cảnh Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết chống Moscow do Kiev soạn thảo, liên quan đến “tình hình nhân quyền ở Crimea” – mặc dù vào tháng 3/2014, bán đảo này đã trưng cầu dân ý tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Tại buổi biểu quyết ngày 19/12, tài liệu do Ukraine soạn thảo đã được thông qua với sự ủng hộ của 70 quốc gia, ngoài ra, có 26 nước bỏ phiếu chống và 77 nước bỏ phiếu trắng.

Trong đó, phần lớn các nước châu Âu và Mỹ ủng hộ dự thảo này. Nga, Serbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Armenia, Cuba, Kazakhstan, Belarus và một số nước khác phản đối.

Nghị quyết này yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tìm kiếm giải pháp cho các sứ mệnh giám sát nhân quyền được tiếp cận Crimea để điều tra về những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Nga trên bán đảo thuộc chủ quyền không thể chia cắt của Ukraine.

Tài liệu cũng đưa ra lời kêu gọi Moscow cam kết cho phép tiếp cận và bảo đảm an ninh cho các đoàn công tác quốc tế và tổ chức nhân quyền phi chính phủ đến Crimea. Tuyên bố rằng, “sự hiện diện quốc tế ở Crimea là cần thiết để ngăn chặn tình hình ngày càng xấu đi”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, một thực tế không thể chối cãi là vào năm 2014, có tới 100 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ chủ quyền của Ukraine với Crimea tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chỉ 11 nước phản đối. Nhưng nghị quyết lần này của Ukraine chỉ được 70 nước ủng hộ, trong khi số lượng phiếu chống tăng lên đáng kể là 26 phiếu, còn lại 77 nước đang trong xu thế trung lập.

Ông Vladimir Bychkov nhận định rằng, đúng là về công khai, việc các lãnh đạo phương Tây chưa muốn công nhận Crimea trở thành một phần của Nga là chính xác, nhưng xét trên thực tế họ đã chấp nhận, chỉ có điều chưa ai là người lĩnh ấn tiên phong chống lại ý chí của Mỹ.

Một xu hướng rõ ràng là số phiếu ủng hộ Kiev đã giảm đi 30, trong khi số phiếu chống tăng lên. Nếu cứ xu thế này, đến thời gian sang năm những nước ủng hộ Ukraine chuyển sang phiếu trắng, những nước lưỡng lự sẽ bỏ phiếu cho Nga và như vậy, chắc chắn là Nga sẽ thắng.

Tất cả mọi điều thuận lợi sẽ đến với Nga trong năm tới, nếu cân nhắc cả những tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề nối lại mối quan hệ thân thiết với Nga hoặc phát biểu của một vài lãnh đạo châu Âu về Crimea, thì bức tranh của Kiev sang năm 2017 sẽ khá bi quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới