Mối quan hệ quân sự Trung Quốc – Philippines đang ngày một rõ nét hơn.
Quan hệ Mỹ – Philippines “lửng lơ” giữa những phát ngôn của Duterte
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tìm cách “lái” chính sách ngoại giao của đất nước khỏi đồng minh lâu năm Mỹ và hướng tới những cường quốc khác, chủ yếu là Trung Quốc.
Ông Duterte không phải là lãnh đạo đầu tiên của Philippines thử tái cân bằng (các mối quan hệ). Nhu cầu về kinh tế của Manila khi thân thiết hơn với Trung Quốc cũng khá rõ ràng. Dù vậy, người ta vẫn băn khoăn ông Duterte sẽ làm như thế nào để chuyển hướng trong lĩnh vực quân sự và liệu điều này có khả thi không.
Trong vài tuần trở lại đây, “phạm vi hoạt động” của ông Duterte đã dần trở nên rõ nét hơn.
Mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ – Philippines đã bị hạn chế ở một mức độ nào đó nhưng phần lớn vẫn tiếp diễn, dù Tổng thống Philippines liên tục có những phát ngôn mạnh miệng. Gần đây, ông đã yêu cầu người Mỹ phải trả tiền nếu muốn đặt căn cứ ở Philippines, thậm chí còn đề nghị lính Mỹ sắp xếp hành lý về nước. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở phát ngôn.
Về phía Trung Quốc, ông Duterte đang chào đón những thỏa thuận kinh tế, quân sự ngoài chuỗi thỏa thuận ban đầu đã được ký kết trong dịp ông tới thăm Bắc Kinh hồi tháng 10.
14,4 triệu USD
Tới ngày 20/12, Philippines đã xác nhận rõ ràng về thỏa thuận quân sự đáng chú ý giữa Manila và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố với báo giới rằng, trong cuộc gặp với ông Duterte tối 19/2, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã đề nghị cung cấp miễn phí số thiết bị trị giá 14,4 triệu USD cho Manila, một cam kết được xem như hỗ trợ quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana.
Ông Lorenzana không tiết lộ chi tiết thỏa thuận nhưng cho biết, Trung Quốc đã chuyển cho Philippines danh mục thiết bị quân sự phục vụ cho cuộc chiến chống ma túy và khủng bố. Được biết, trong số những thiết bị này có vũ khí cầm tay, xuồng cao tốc và kính nhìn xuyên đêm.
Manila sẽ cân nhắc xem mình thực sự cần cái gì. Một nhóm kỹ thuật cũng sẽ sớm được điều tới Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, thỏa thuận có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay, đồng thời cho biết chính quyền Manila hy vọng sẽ nhận được thiết bị vào quý II năm 2017.
Nếu được thực thi, đây sẽ là một thỏa thuận đáng chú ý, dù bản thân ông Lorenzana vẫn đánh giá rằng khoản tiền 14,4 triệu USD là “không nhiều lắm”. Khó có thể không đồng tình với nhận định này.
Chỉ riêng trong năm 2016, Mỹ đã cung cấp cho Philippine hơn 120 triệu USD viện trợ quân sự, trong đó có 79 triệu USD từ chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF) – tăng 29 triệu USD so với năm 2015 – và 42 triệu USD từ chương trình Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á.
Mặc dù Tổng thống Philippines đã nhiều lần chỉ trích mức hỗ trợ quân sự của Mỹ là thấp nhưng tính ra thì con số đó vẫn cao hơn nhiều so với những gì Philippines có được từ Bắc Kinh cho tới thời điểm này.
Tuy nhiên, có một chi tiết dễ dàng bị bỏ qua. Đó là một khoản vay mềm dài hạn trị giá 500 triệu USD cho những thiết bị khác mà ông Lorenzana đã đề cập tới. Đây là một con số khá nổi bật mặc dù 500 triệu USD này là khoản vay chứ không phải viện trợ và sẽ được phân bổ rải rác trong một khoảng thời gian dài. Chi tiết về khoản vay không được Philippines công khai.
Đánh giá về mối quan hệ quân sự giữa hai bên ở thời điểm này vẫn còn sớm. Dù vậy, bản thân việc Bắc Kinh chịu “mở hầu bao” sớm như vậy đã là một điều đáng chú ý, nhất là khi cách đây vài tháng, trước khi ông Duterte lên nắm quyền, quan hệ giữa hai bên vẫn còn rất tồi tệ sau nhiều năm căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp trên biển Đông.