Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLên Twitter "chia buồn" các vụ tấn công ở Đức, Thổ, Trump...

Lên Twitter “chia buồn” các vụ tấn công ở Đức, Thổ, Trump khiến châu Âu lắc đầu

Phản ứng “nhanh nhảu” của ông Trump trước các cuộc tấn công ngày 19/12 ở Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ dường như đang làm cho tình hình trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn.

Theo báo Guardian (Anh), phản ứng của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước các cuộc tấn công bằng xe tải vào chợ Giáng sinh ở Berlin, cuộc xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Thụy Sĩ hay cuộc ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang làm cho tình hình nguy hiểm và phức tạp hơn.

Các cuộc tấn công đồng loạt xảy ra tại châu Âu, đúng vào ngày 19/12 – khi ông Trump được các đại cử tri bỏ phiếu để chính thức trở thành tổng thống Mỹ. Ông đã ngay lập tức lên Twitter kết tội “các tên khủng bố Hồi giáo”, trong khi chi tiết của các vụ việc chưa được làm rõ.

Từ bên kia Đại Tây Dương, Trump viết trên Twitter rằng “Các tên khủng bố Hồi giáo đang giết người Thiên chúa”, trong lúc cảnh sát Đức vẫn còn đang tích cực điều tra các manh mối tại hiện trường chợ Giáng sinh, còn Tổng thống Đức Joachim Gauck kêu gọi đất nước mình bình tĩnh và đoàn kết.

Tổng thống Đức nói rằng: “Sự thù hận trong lòng những tên thủ phạm sẽ không kéo theo sự thù hận của tất cả mọi người… Chúng ta vẫn sẽ hướng về nhau, nói chuyện với nhau và quan tâm đến nhau”, thì Trump lại viết:

“Nhà nước Hồi giáo (IS) và những tên khủng bố Hồi giáo và mạng lưới khu vực, mạng lưới toàn cầu của chúng cần bị xóa sổ khỏi Trái Đất”.

Guardian bình luận, khi viết như vậy trên Twitter, không hiểu Trump có biết rằng, vụ xả súng ở Thụy Sĩ là nhằm vào những người Hồi giáo đang cầu nguyện trong giáo đường hay không?

Việc Trump sẵn sàng đổ lỗi từ xa, nói những điều gây chia rẽ tôn giáo trên mạng xã hội, trong khi không có một phát ngôn chính thức từ văn phòng của ông đã một lần nữa khiến công chúng và các chính trị gia lo ngại.

Họ sợ rằng những phản ứng đầy cảm tính của Trump trước các sự kiện của thế giới sẽ làm khuếch đại và gia tăng các xung đột toàn cầu.

“Chúng ta đã trải qua các cuộc bầu cử để chọn ra những tổng thống với hy vọng chọn ra được những người bình tĩnh, điềm đạm và luôn xem xét đầy đủ mọi thông tin”, Giáo sư ngành khoa học chính trị Elizabeth Saunders từ ĐH George Washington phát biểu.

“Chúng ta biết rằng các cuộc chiến tranh thường bắt đầu bởi rất nhiều lý do, và một trong số đó là các bất cập trong thông tin.

Đôi khi, một số quốc gia sẽ tự làm cho người khác hiểu sai chính sách, ý định của mình. Sự hiểu nhầm cũng có thể xảy ra ngay cả khi các tín hiệu chính sách được phát đi một cách chân thành nhất”, bà Saunders tiếp lời.

“Trong đối ngoại, nguy cơ xảy ra khủng hoảng là rất lớn. Cộng thêm việc Trump phát ngôn một cách độc lập (không tham vấn) với Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng, việc đó càng tăng thêm rủi ro vào một tình huống vốn đã nguy hiểm”.

Trong thời kỷ chuyển giao chính quyền, có một vấn đề gây tranh cãi, đó là Trump lấy thông tin ở đâu để làm cơ sở cho các phát ngôn của mình trên Twitter? Ông đã công khai xem thường các mật vụ và nghi ngờ sự cần thiết của báo cáo tình báo hàng ngày.

Cố vấn an ninh thân cận nhất của Trump, tướng về hưu Michael Flynn, cũng thể hiện quan điểm tương tự Trump khi có xu hướng chỉ tập trung vào hiểm họa từ lực lượng khủng bố Hồi giáo chứ không quan tâm những vấn đề khác.

Một tài liệu của Lầu Năm góc bị rò rỉ trong tuần này đã cho thấy, “ưu tiên phòng thủ” đầu tiên của chính quyền Trump là đánh bại IS, loại bỏ mức trần cho chi tiêu quốc phòng, xây dựng một chiến lược an ninh mạng và cắt giảm chi phí.

RELATED ARTICLES

Tin mới