Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga - Thổ: Nổi sóng dữ phía sau quan hệ nồng ấm

Nga – Thổ: Nổi sóng dữ phía sau quan hệ nồng ấm

Sự hòa hợp gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria có phải là tấm màn che giấu những đợt sóng dữ?

Vụ ám sát Đại sứ Nga tại thủ đô Ankara dường như không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ đang khá ấm nồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ Ba (20/12), trong một cuộc gặp ba bên, các nhà ngoại giao của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã cùng đưa ra tuyên bố về ý định dừng cuộc xung đột tại Syria.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov ca ngợi cuộc họp là một cách hiệu quả “để vượt qua tình trạng trì trệ của những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Syria.”

Quan hệ thân thiết che giấu lập trường khác biệt

Hãng tin Reuters đánh giá, thái độ đồng lòng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể che giấu hết được những va chạm ngầm trong quan hệ giữa hai nước về cuộc chiến tại Syria.

Nga - Thổ: Nổi sóng dữ phía sau quan hệ nồng ấm - Ảnh 1.

Tên sát nhân sau khi nã đạn vào ngài Đại sứ Nga

“Đừng quên Aleppo! Đừng quên Syria” – những gì tên sát nhân hô to sau khi nã 8 phát đạn vào ngài Đại sứ Nga giữa buổi triển lãm, có lẽ đại diện cho sự không hài lòng, thậm chí là tức giận của rất nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột gần 5 năm tại Syria.

Cùng nỗ lực cho một lệnh ngừng bắn tại Syria, tuy nhiên, lập trường của Tổng thống Nga Vladmir Putin và người đồng nhiệm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan có sự khác nhau rõ rệt.

Đối với ông Putin, Syria mang một ý nghĩa địa chính trị quan trọng, giúp Nga củng cố sức mạnh và gia tăng vị thế tại Trung Đông.

Từ lập trường của Moscow, Nga hiện diện tại Syria đồng nghĩa với sự bảo hộ cho chính quyền hợp pháp (của Tổng thống Bashar al-Assad) chống lại các lực lượng đối lập – mà theo cáo buộc của Nga – được Mỹ “chống lưng”.

Tuy nhiên, Nga hoàn toàn nhận thức được rằng các hành động quân sự của mình tại Trung Đông sẽ đem lại không ít kẻ thù.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Putin kêu gọi các lực lượng an ninh và tình báo quốc gia “tiến hành thêm các biện pháp để đảm bảo an ninh bên trong và bên ngoài Nga, cũng như thắt chặt an ninh cho các cơ quan ngoại giao và nhân viên ngoại giao Nga tại nước ngoài.”

Tổng thống Erdogan, mặt khác đứng đầu một đất nước đang chịu những ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc xung đột từ quốc gia láng giềng Syria; rõ rệt nhất là làn sóng hàng triệu người tị nạn đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ và sự gia tăng các mối đe dọa tấn công quân sự.

Trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột, chính quyền của ông Erdogan thể hiện sự ủng hộ “nhiệt thành” với các lực lượng đối lập tại Syria. Tuy nhiên, những hàn gắn gần đây trong mối quan hệ với Nga cho thấy, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền ông Assad đang thay đổi – hướng tới một sự mềm dẻo hơn nhiều so với trước.

Nga - Thổ: Nổi sóng dữ phía sau quan hệ nồng ấm - Ảnh 2.

Thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Chính phủ Syria đang trở nên mềm dẻo hơn?

Cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn bối cảnh và động cơ ám sát ngài Đại sứ Nga của Mevlut Mert Altintas – một cựu cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn còn là một ẩn số đối với các cơ quan điều tra của cả Moscow và Ankara.

Việc một tên sát nhân có thể dễ dàng nổ súng trong một sự kiện ngoại giao giữa trung tâm thành phố, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an ninh lỏng lẻo. Cơ quan điều tra cho biết, Altintas đã lợi dụng thân phận cảnh sát của mình để mang vũ khí vào trong phòng triển lãm.

Chưa tìm ra bằng chứng về việc Altintas có thuộc một tổ chức Hồi giáo nào – như IS, Jabhat al-Nusra hay các nhóm liên quan đến al-Qaeda – hay không.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết kẻ sát nhân có thể có mối quan hệ với phong trào Gulen, do Fethullah Gulen – một nhà thuyết pháp người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống lưu vong tại Pennsylvania (Mỹ) lãnh đạo.

Tổng thống Erdogan từng cáo buộc Gulen và phong trào của mình là lực lượng đứng sau cuộc đảo chính thất bại nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Bảy.

Kể từ đó, giới chức nước này thường xuyên liên hệ nhóm của Gulen với những âm mưu nhằm phá hoại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Gulen chối bỏ mọi liên quan đến cuộc đảo chính. Bản thân ông cũng đưa ra tuyên bố, lên án vụ ám sát ngài Đại sứ Karlov ngay hôm thứ Hai (19/12).

Một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, vào hôm vụ đảo chính diễn ra, Altintas từng xin nghỉ việc 2 ngày để đến thủ đô Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ là bên yếu thế hơn

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi cả hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những động thái nhằm xoa dịu nỗi lo sợ về một cuộc xung đột trong khu vực, Ankara tỏ ra là bên yếu thế hơn.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sụp đổ vào năm 2015 khi nước này bắn rơi một máy bay của Nga tại Syria với lý do đã bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ việc này gần như đã đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh. Nga áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ và dừng các chuyến bay thương mại đến các thành phố nghỉ dưỡng tại biển Aegean…

Tuy nhiên, sau khi cuộc đảo chính xảy ra, Tổng thống Erdogan lại từng bước ngả về phía Nga, như là một động thái bày tỏ sự bất mãn trước thái độ thiếu ủng hộ của các nước phương Tây khi chính quyền của ông gặp sóng gió.

Hồi tháng Tám, ông Erdogan có chuyến thăm đến Moscow và cùng với Tổng thống Putin tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai quốc gia.

Sự thay đổi trong thái độ của ông Erdogan sau nhiều năm ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria, rõ ràng, đã khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ phải “nhíu mày”.

Sự đồng thuận của ngài Tổng thống với Nga, có thể sẽ châm ngòi cho những phản ứng dữ dội từ ngay trong Chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể đến một phần trong hàng triệu người tị nạn Syria đang có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Aaron Stein, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Rafij Hariri về Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến dư luận tức giận vì “những lý do nội bộ theo chủ nghĩa dân túy.”

Còn Muhammad – một người tị nạn đến từ Syria hiện đang sống tại Istanbul không ngần ngại nói: “Nga đã khiến những người dân thường phải thiệt mạng tại Syria.. Họ cần phải bị trừng phạt”.

Tại Moscow, trong “Tuyên bố Moscow”, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng kêu gọi tiếp tục kéo dài lệnh ngừng bắn tại Syria, trong đó, ba quốc gia này sẽ làm bên bảo lãnh.

“Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tạo điền kiện cho việc soạn thảo hiệp định – do chính phủ Syria và bên đối lập từng thảo luận trước đây – đồng thời, trở thành bên bảo lãnh cho hiệp định này,” tuyên bố nêu rõ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ có thể đem tới sự thay đổi cho Syria. “Tất cả các nỗ lực trước đây của Mỹ và các đối tác… đều đang hướng tới thất bại,” ông Shoigu nói. “Không một giải pháp nào thực sự có ảnh hưởng đến tình hình hiện tại của Syria.”

Trước đó, Tổng thống Putin cũng tuyên bố, ông và người đồng nhiệm Erdogan đang cố gắng sắp xếp một số cuộc thảo luận mới tại Astana (Kazakhstan) mà không có sự tham gia của Mỹ cùng Liên Hợp Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới