Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngThế trận Biển Đông có phải đang bị Philippines phá?

Thế trận Biển Đông có phải đang bị Philippines phá?

Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, tác động ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông, nhưng dựa vào Mỹ chống Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng phải trả giá đắt.

Ngày 22/12 BBC có đăng bài bình luận của Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Vương quốc Anh: “Philippines đang phá hư thế trận Biển Đông” với một số nhận định:

“Trước chủ trương chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc, các nước nhỏ trong tranh chấp không có thế trận nào khác hơn là đoàn kết. 

Sự đoàn kết đó là để vừa hỗ trợ lẫn nhau vừa cùng nhau vận động sự ủng hộ các nước khác, đặc biệt là của Mỹ…”

Cá nhân tôi hiểu rằng, đó không chỉ là mong muốn của Tiến sĩ Dương Danh Huy, mà có lẽ là mong muốn của phần đông dư luận Việt Nam quan tâm đến cục diện Biển Đông.

Điều này hoàn toàn có thể lý giải được bởi những hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã làm trong những năm qua, nhất là việc họ bồi đắp và quân sự hóa bất hợp pháp các đảo nhân tạo…

Tuy nhiên tôi cho rằng, đánh giá một cách bình tĩnh và tỉnh táo mọi vấn đề, thì tính khả thi của khả năng tạo lập “thế trận đoàn kết giữa các nước nhỏ để vừa hỗ trợ lẫn nhau, vừa cùng nhau vận động sự ủng hộ các nước khác, đặc biệt là của Mỹ…” trong bối cảnh hiện nay là không cao.

Do đó việc tính toán các giải pháp thực tế nhằm thực hiện mục tiêu giữ cho được hòa bình, ổn định ở Biển Đông hiện nay là điều khả dĩ nhất.

Bởi vì, cục diện Biển Đông được quyết định bởi xu hướng vận động của lợi ích địa – chính trị giữa các quốc gia có liên quan trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông là kế sách lâu dài

Tôi đồng ý với nhận định của Tiến sĩ Dương Danh Huy rằng: 

“Khó có thể vận dụng các quan điểm “Trường Sa là của Việt Nam”, “Kalayaan (tên Phi cho phần lớn quần đảo Trường Sa) là của Philippines”, vv…,để xây dựng sự đoàn kết nói trên. 

Do đó, hai cơ sở then chốt cho sự đoàn kết là chống lại các hành vi phi pháp, lấn lướt, gây hấn của Trung Quốc, và vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để chống lại yêu sách quá lố về biển của họ…”. 

Nhưng vấn đề đặt ra là “chống lại các hành vi phi pháp, lấn lướt, gây hấn” ấy bằng cách nào? Vận dụng UNCLOS ra sao để chống lại yêu sách “quá lố” của họ?

Tiến sĩ Dương Danh Huy đã tường thuật lại những diễn biến, vận động khác nhau trong chính sách của Philippines trong vấn đề Biển Đông qua các đời Tổng thống khác nhau, và đỉnh cao là chiến thắng của họ trong vụ kiện trọng tài Biển Đông tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS, phán quyết ngày 12/7/2016.

Ông nhận định:

“Chiến thắng pháp lý của Philippines là cơ hội vàng cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp: nó đã bênh vực các cơ sở then chốt cho sự đoàn kết và của việc kêu gọi sự ủng hộ của thế giới. Đặc biệt, với phán quyết, Mỹ có thể ủng hộ các nước Đông Nam Á một cách trực diện hơn…”

Ở điểm này tôi có suy nghĩ hơi khác với Tiến sĩ Dương Danh Huy.

Ý nghĩa của Phán quyết Trọng tài 12/7 là hết sức tuyệt vời, nó đã làm rõ những khái niệm pháp lý mà trước đó nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi khi áp dụng UNCLOS 1982 để nhận xét, đánh giá yêu sách của các bên trong việc xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của họ trong Biển Đông.

Sau Phán quyết Trọng tài, các bên liên quan có thể soi lại mình thông qua các nội dung Tòa Trọng tài đã phán quyết trong việc áp dụng, giải thích Công ước, để tránh đi những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra chỉ vì tiếp tục duy trì lập trường duy ý chí trong yêu sách của mình.

Đồng thời, Phán quyết Trọng tài cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tham chiếu với các hoạt động diễn ra trên Biển Đông của các bên liên quan, đấu tranh kịp thời với những hành vi vi phạm UNCLOS, đấu tranh ngăn ngừa những hành vi vi phạm UNCLOS có thể xảy ra.

Quan trọng nhất, Phán quyết Trọng tài củng cố niềm tin và cơ sở pháp lý cho các bên liên quan chống “lưỡi bò hóa Biển Đông”, cho dù Trung Quốc áp dụng thủ đoạn nào đi nữa, nhất thủ đoạn “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để thực hiện được Phán quyết Trọng tài, trong khi ngay cả Liên Hợp Quốc cũng chưa có cơ chế thi hành án và không thể buộc Trung Quốc phải tuân thủ?

Vì vậy, “thế trận đoàn kết” các nước nhỏ (4 nước có yêu sách), dựa vào Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, theo tôi, trong bối cảnh chính trị khu vực, quốc tế và tình thế tương quan lưc lượng hiện nay thì có lẽ đây không phải là sự lựa chọn có ý nghĩa thực tế và khả thi, bởi vì:

Thứ nhất là sự khác biệt chính sách và nhận thức về vấn đề Biển Đông ngay trong 4 quốc gia vẫn có những cách biệt, thậm chí còn có mâu thuẫn rất phức tạp về các quyền và lợi ích chồng chéo trong Biển Đông. Đó là một rào cản tự nhiên.

Thứ hai là không chỉ 4 nước này, mà tất cả 10 nước ASEAN không nước nào có thể cắt quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế – thương mại.

Thứ ba, lợi ích là động lực chi phối quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các quốc gia, đặc biệt là với siêu cường như Mỹ.

Sự kiện Crimea, Scarborough diễn ra và những phản ứng của Mỹ đã khiến Trung Quốc nhận ra rằng, Hoa Kỳ không muốn và không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với họ chỉ vì những căng thẳng, va chạm ở Biển Đông.

Nói cách khác, Biển Đông tuy quan trọng với Hoa Kỳ, nhưng không đến mức để người Mỹ hy sinh xương máu.

Giữa các tay chơi lớn, vấn đề đặt ra là làm sao có thể thương lượng với nhau một thỏa hiệp hai bên có thể chấp nhận được, cho dù thỏa hiệp ấy có thể gây thiệt hại cho các nước nhỏ.

Cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương năm 1972 giữa Nixon và Mao Trạch Đông đặt nền móng cho cuộc xâm lược nốt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 có lẽ là điều người Việt nên ghi nhớ.

Mặc dù không thể phủ nhận vai trò, tác động ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông, nhưng dựa vào Mỹ chống Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng phải trả giá đắt.

Trung Quốc đang rất cần những cái cớ, thời cơ thích hợp để thực hiện việc độc chiếm Biển Đông thì việc quan trọng là làm sao các nước nhỏ giảm tối đa việc tạo ra những cái cớ Trung Quốc mong muốn.

Những hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải do Mỹ tiến hành ở Biển Đông hiệu quả đến đâu thì có lẽ chúng ta đã thấy dưới thời Tổng thống Obama.

Hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có những thay đổi về chiến lược, sách lược phản ánh đung tính cách “doanh nhân, thực dụng” của mình.

Bước ngoặt Duterte

Tôi dùng lại chữ “bước ngoặt” của Tiến sĩ Dương Danh Huy, nhưng với ý nghĩa khác. Ông Huy tin rằng: 

“Như vậy, thế trận duy nhất của các nước nhỏ trong tranh chấp bị phá vỡ từ khi còn phôi thai. Nửa năm sau phán quyết lịch sử về tranh chấp Biển Đông, sau cơ hội vàng cho các nước này, ông Duterte đã đưa Trung Quốc từ chiến bại pháp lý đến chiến thắng chính trị.”

Cá nhân tôi nghĩ rằng, đề cao Phán quyết Trọng tài và mong muốn thực thi nó có lẽ là nguyện vọng chung của mọi người, nhất là những người Việt quan tâm tới tình hình Biển Đông. 

Nhưng tuyệt đối hóa vai trò của nó, xem nó như chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề tranh chấp phức tạp ở Biển Đông thì có lẽ nó không phù hợp với thực tế.

Bài toán ở Biển Đông là bài toán cán cân lực lượng, sức mạnh tổng hợp giữa các bên yêu sách, đồng thời còn là cuộc so găng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng, ông Rodrigo Duterte rất thực tế, sòng phẳng và nhìn thẳng vào sự thật khi tuyên bố, Philippines không đủ khả năng dùng sức mạnh quân sự để đòi lại Scarborough hay bảo vệ yêu sách của mình ở Biển Đông.

Biết người biết ta như thế mà vẫn duy ý chí “xây dựng mặt trận chống Trung Quốc (độc chiếm Biển Đông)” chỉ càng tạo cớ cho Trung Quốc lấn thêm, chiếm thêm mà thôi. 

Philippines có rất nhiều điểm yếu về thế và lực trong phòng thủ, trong khi năm 2012 Mỹ ngoảnh mặt làm ngơ vụ Scarborough khi quan hệ đồng minh vẫn tốt đẹp, lấy gì đảm bảo người Mỹ sẽ “đỡ đạn” cho Philippines khi xung đột nổ ra?

Tổng thống Benigno Aquino III và cộng sự đã hoàn thành sứ mệnh của mình với thắng lợi của vụ kiện trọng tài Biển Đông. Thực thi Phán quyết Trọng tài trở thành sứ mệnh của người kế nhiệm Rodrigo Duterte.

Do đó, làm thế nào là câu hỏi rất quan trọng với ông Duterte và cộng sự. Theo nhận thức của cá nhân tôi, ông ấy đã rất khéo léo, nếu không muốn nói là “tinh quái” trong ứng xử với 2 siêu cường Mỹ – Trung để tối đa hóa lợi ích cho đất nước.

Trung Quốc vừa chìa ra danh sách viện trợ vũ khí hạng nhẹ cho cảnh sát Philippines, tổng trị giá 14,4 triệu USD, thì Channel News Asia của Singapore ngày 24/12 dẫn nguồn Reuter cho biết:

Mỹ tăng viện trợ quân sự cho Philippines trong năm tài khóa 2015-2016 lên 127 triệu USD, số tiền lớn nhất trong 15 năm qua. Đại sứ quán Mỹ tại Manila xác nhận điều này.

Vì tối đa hóa được lợi ích quốc gia và tiếp tục trấn áp tội phạm ma túy, có thể ông Rodrigo Duterte phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh đến cực đoan, nhưng phản ứng lớn từ người dân Philippines không có nhiều.

Nó không gây ra những cuộc khủng hoảng chính trị như ở một số nước Đông Á. Tôi cho rằng, đó là sự ghi nhận ban đầu của người dân Philippines với những nỗ lực của vị Tổng thống “phi truyền thống” này.

Tất nhiên, người dân Philippines mới có thể đánh giá phù hợp nhất về Tổng thống của họ, liên quan đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, chứ không phải chúng ta, hay dư luận bất kỳ quốc gia nào khác. 

Hiện nay trong dư luận có không ít quan điểm cho rằng những phát biểu của Tổng thống đương nhiệm, ông Rodrigo Duterte, là một sự xuống thang, “xoay trục về Trung Quốc”, thậm chí là “đầu hàng Trung Quốc”, gây khó khăn cho Việt Nam và thậm chí sẽ gây chia rẽ sâu sắc ASEAN.  

Nhân đây tôi cũng xin nêu lại nhận xét của cá nhân tôi về thái độ của Philippines đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây mà dư luận cho là đang chuyển “từ cứng sang mềm” (đã được đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 13/11/2016):

Để lám sáng tỏ điều này, trước hết “chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về kết quả hội đàm thượng đỉnh Rodrigo Duterte –Tập Cận Bình và những diễn biến trên thực địa tiếp sau chuyến “công du” đầy “tai tiếng”của ông Duterte: 

Thứ nhất, không thấy có bất cứ nội dung nào trong các văn bản đã ký kết được công bố công khai phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài 12/7 theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Việc hai nước thành lập một Ủy ban hợp tác song phương về hàng hải là một bước đi tích cực tìm cách tháo gỡ dần dần các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông theo thứ tự dễ trước, khó sau. 

Thứ hai, ông Rodrigo Duterte vẫn khẳng định: về Biển Đông hai bên sẽ đàm phán sau, nhưng không ngoài khuôn khổ Phán quyết Trọng tài mà nội dung được thể hiện trên một (số) “tờ giấy”.  

Phán quyết Trọng tài chỉ là vấn đề thứ yếu trong nghị trình hội đàm với ông Tập Cận Bình, không có nghĩa là Điện Manacanang xem thường, hay thậm chí có khả năng vứt bỏ Phán quyết Trọng tài, thắng lợi của chính họ.

Thứ ba, vụ kiện của Philippines đã kết thúc và thắng lợi vang dội thuộc về Philippines. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để thực thi nó, trong khi không có cơ chế nào để buộc Trung Quốc thi hành.

Trong bối cảnh đó, đối thoại và tiếp tục đàm phán là lựa chọn phù hợp hơn cả. Vì Mỹ cũng chẳng ép nổi Trung Quốc “khoanh tay nhận thua” sau Phán quyết Trọng tài. Đàm phán sẽ là bước đi tiếp nối Phán quyết Trọng tài, chứ không có nghĩa là chống lại nó, phủ định nó. 

Và như vậy, chúng ta hy vọng và tin tưởng Philippines với vai trò Chủ tịch, sẽ tìm cách lái con thuyền Biển Đông vượt qua được trận “cuồng phong” đến từ Hoa lục.

Bởi vậy, tôi thiết nghĩ chúng ta nên chủ động phối hợp với Philippines tìm cách duy trì và củng cố đối thoại với Trung Quốc và Hoa Kỳ, với mục tiêu làm sao giữ được hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tạo kẽ hở để Trung Quốc có những hành động leo thang liều lĩnh.

Làm gì cũng cần tính đến thế và lực, tương quan lực lượng chứ không thể duy ý chí, vì cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Nếu coi đó là một sự “quy phục Trung Hoa”, thì nên nhìn lại lịch sử, xem cách vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông ứng xử với nhà Nguyên như thế nào, đó chính là tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của cha ông mới giữ được giang sơn này, dân tộc này trước những cơn bão xâm lăng từ các siêu cường. 

RELATED ARTICLES

Tin mới