Monday, January 6, 2025
Trang chủĐiểm tinBáo cáo về mua vũ khí của VN lên LHQ

Báo cáo về mua vũ khí của VN lên LHQ

Hàng năm Việt Nam đều gửi báo cáo lên Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc (UN Register of Conventional Arms) về chủng loại, số lượng vũ khí đã mua trong kỳ.

Máy bay tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam bay huấn luyện.

Việt Nam đã báo cáo lên LHQ những gì?

Kể từ khi thành lập năm 1991, Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc (UN Register of Conventional Arms) đã tiếp nhận nhiều báo cáo từ hơn 170 quốc gia thành viên (bắt đầu từ năm 1992), trong đó có Việt Nam. Theo đó, phần lớn các giao dịch vũ khí trên toàn cầu đã được đăng ký.

Trong giai đoạn 1992-2015, đã có 6 quốc gia gửi báo cáo lên Cơ quan này, liệt kê các loại vũ khí trang bị đã xuất khẩu sang Việt Nam. Cụ thể gồm có: CH Séc, Israel, Rumania, Nga, Slovakia và Ukraine.

Tất cả đều được cập nhật và đăng công khai trên website của Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc (UN Register of Conventional Arms) về chủng loại, số lượng vũ khí mà những quốc gia này đã bán cho Việt Nam.

Theo Cơ quan này, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ngoài trách nhiệm báo cáo về các chủng loại, số lượng vũ khí trang bị xuất khẩu ra nước ngoài thì còn phải báo cáo về các chủng loại, số lượng vũ khí trang bị nhập khẩu.

Hiện nay, tra cứu cơ sở dữ liệu trên trang nói trên của Liên hợp quốc thì có thể thấy báo cáo của Việt Nam về tình trạng xuất – nhập khẩu vũ khí từ năm 1994 đến nay. Dưới đây là dữ liệu cập nhật công khai trên website của Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc trích xuất từ các báo cáo mà Việt Nam đã gửi (từ 1994-2012).

Trong các báo cáo, chưa ghi nhận bất cứ giao dịch xuất khẩu vũ khí nào từ Việt Nam mà chỉ có dữ liệu về nhập khẩu vũ khí vào Việt Nam. Gồm có 22 máy bay chiến đấu, 4 tàu chiến và 128 tên lửa/bệ phóng tên lửa các loại, hầu hết đều có xuất xứ từ Liên bang Nga.. Cụ thể:

Báo cáo năm 1995: 6 máy bay tiêm kích (5 Su-27SK và 1 Su-27UBK) xuất xứ từ Liên bang Nga.

Báo cáo năm 1997: 2 máy bay tiêm kích Su-27 xuất xứ từ Liên bang Nga.

Báo cáo năm 2004: 4 máy bay chiến đấu và 20 tên lửa/bệ phóng tên lửa không ghi rõ chủng loại và xuất xứ.

Báo cáo năm 2005: 12 bệ phóng cùng 62 tên lửa S-300 xuất xứ từ Liên bang Nga

Báo cáo năm 2010: 44+4 tên lửa và bệ phóng, không ghi rõ chủng loại và xuất xứ.

Báo cáo năm 2012: 10 tiêm kích Su-30MK2, 4 tàu tuần tra Svetlyak, 40 tên lửa diệt hạm Kh-31A.

Các năm 1994, 1996, từ 1998-2003, từ 2006-2009 và 2011, Việt Nam có gửi báo cáo nhưng không ghi nhận bất cứ giao dịch vũ khí nào, kể cả nhập khẩu hay xuất khẩu.

Như vậy, có thể thấy, so với các báo cáo mà Liên bang Nga gửi lên Liên hợp quốc thì báo của của Việt Nam khá tương đồng.

Tương đồng với dữ liệu của SIPRI

Đối chiếu với cơ sở dữ liệu “Chuyển giao vũ khí” – SIPRI Arms Transfers Database của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ta có thể hình dung cụ thể hơn về chủng loại, số lượng vũ khí mà Việt Nam đã đặt mua.

Năm 1995, trong dữ liệu của SIPRI ghi nhận Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tiêm kích SU-27SK, trong đó có 1 chiếc tiêm kích Su-27UBK loại huấn luyện 2 chỗ ngồi. 

Năm 1997, SIPRI ghi nhận Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tiêm kích Su-27, trong đó có 4 chiếc Su-27UBK loại huấn luyện 2 chỗ ngồi. Không rõ giá trị, nhưng hợp đồng được ký năm 1996, chuyển giao trong giai đoạn 1997-1998.

Có thể báo cáo 2 chiếc tiêm kích đặt mua năm 1997 mà Việt Nam gửi lên Liên hợp quốc là 2 chiếc Su-27UBK (có thể là Su-27PU – phiên bản tiêm kích Su-30 đời đầu) mà Nga đền bù cho Việt Nam.

Truyền thông Nga khi đó đã đưa tin ngày 06/12/1997, chiếc máy bay vận tải quân sự An-124-100 Ruslan số hiệu RA-82005 của Hãng hàng không AeroFlot (Nga) trên đường chở 2 chiếc Su-27UB giao hàng tại Việt Nam đã gặp tai nạn tại Irkutsk, gần hồ Baikal, Nga, phá hủy toàn bộ chiếc máy bay vận tải khổng lồ cùng 2 chiếc Su-27UB số hiệu 8524 và 8525.

Báo QĐND cũng đề cập đến chi tiết này trong một bài viết về Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng (VAXUCO). Theo đó, nhờ các điều khoản bảo hiểm chặt chẽ giữa 2 bên, tuân thủ theo luật pháp quốc tế mà VAXUCO, đại diện cho phía Việt Nam, đã đòi được khoản bồi thường trị giá 57 triệu USD.

Chính nhờ số tiền bảo hiểm này mà Việt Nam mua bổ sung 2 máy bay chỉ huy biên đội tiêm kích phòng không 2 chỗ ngồi Su-27PU, chính là phiên bản sau này được Sukhoi phát triển lên thành tiêm kích Su-30 danh tiếng.

Tất cả các danh mục sản phẩm quốc phòng nhập khẩu kể trên đều đã được báo QĐND, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương nhiều lần đưa tin, ảnh, phóng sự – phim tài liệu về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại của các đơn vị tiếp nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới