Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiUng thư: hiểm họa ở Châu Á và cách người VN tự...

Ung thư: hiểm họa ở Châu Á và cách người VN tự hại nhau

Sự tàn phá khốc liệt của căn bệnh ung thư đối với các gia đình VN là quá lớn, nhưng đau lòng là người Việt tự hại người Việt.

Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư

Lo lắng và đau xót

Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Y tế châu Á tại Singapore, ông Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y tế Lancet của Anh cảnh báo, châu Á – hiện đã chiếm phần lớn các ca ung thư gan và dạ dày, có thể chiếm 58% số ca ung thư của thế giới vào năm 2020.

Trong khi, ông Donald Maxwell Parkin, một chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Oxford (Anh) cũng khẳng định rằng châu Á có thể chiếm 65% ca mắc bệnh ung thư vào năm 2050.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết: “Như trước đây tôi đã từng nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế. Hàng năm có hàng nghìn cái chết được dự báo trước.

Tôi ghi nhận sau khi lên tiếng thì cũng đã có nhiều đoàn kiểm tra về thực phẩm tiến hành làm việc và kể cả các chợ, lò mổ. Sau đó một số Bộ ngành đã vào cuộc, nhân dân đã tẩy chay những thực phẩm bẩn và người ta cũng đã nghĩ đến sức khỏe.

Việc này có tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất thực phẩm bẩn hiện nay. Nhưng tôi cho rằng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, nên thực trạng bệnh nhân ung thư tăng lên một cách nhanh chóng.

Tôi nghĩ việc có nhiều người chết vì ung thư hàng năm thì trong đó có nguyên nhân về thực phẩm, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân nữa gây ra ung thư như như biến đổi khí hậu, môi trường sống bị ô nhiễm hay một số bệnh tật khác nó phát sinh.

Lời cảnh báo của các nhà khoa học cho khu vực châu Á thì cũng là lời cảnh báo dành cho VN, để cho chúng ta biết rằng việc ngăn chặn bệnh ung thư là việc làm thường xuyên, chứ không phải một – hai lần là xong”.

Mặt khác, theo ông Vinh, hiện nay có thực thế, gia súc sạch thì nuôi riêng, rau sạch thì trồng riêng cho gia đình mình ăn, còn những thực phẩm bỏ hóa chất, phun thuốc trừ sâu thì đưa ra thị trường để bán.

Hành động đó là giết dần giết mòn người dân và ảnh hưởng cả cho thế hệ sau. Qua đây cũng để thấy toàn người Việt tự hại người Việt, tự giết chết lẫn nhau, quá đau xót.

Khi bệnh tật đến với gia đình nào, với cá nhân nào thì nó cũng tác động đến nhiều yếu tố, gia đình có người bị ung thư, mọi người lại phải lo cho chạy chữa, chăm sóc sức khỏe cho người mắc ung thư. Sự tàn phá khốc liệt của căn bệnh ung thư đối với các gia đình Việt Nam là quá lớn, còn xã hội thì phải bỏ ra chi phí lớn để giải quyết vấn nạn trên.

“Hiện nay, bản thân người dân cũng đã nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này khi sử dụng thực phẩm bẩn, nhưng không biết tìm đâu thực phẩm sạch, nên họ chán quá làm liều vì ăn thì cũng chết, mà không ăn thì cũng chết, nên đành phải ăn. Trừ một số gia đình giàu có thì sẽ có nhiều cách tìm thực phẩm sạch, nhưng còn một số ít gia đình điều kiện kinh tế khó khăn thì họ chấp nhận để ăn thực phẩm bẩn, giá rẻ”, ông Vinh nói.

Muốn ăn sạch thôi cũng khó

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội xót xa: “80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, thức ăn, ô nhiễm thực phẩm là tác nhân gây nên 40% ca ung thư.

Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày. Bản thân tôi thì cũng không có các số liệu về các thống kê, nhưng nghe thì thấy nói như vậy, mà nghe xong thì vừa lo, vừa sợ.

Hiện nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều mối nguy gây mất an toàn thực phẩm do người sản xuất chủ động đưa các chất cấm vào vật nuôi, cây trồng và thực phẩm trong quá trình chế biến nhằm kiếm lợi cho riêng mình.

Chau A truoc hiem hoa ung thu:Dau long nguoi Viet hai nhau

Thực phẩm bẩn do dùng nhiều thuốc hóa chất là nguyên nhân hàng đầu

Chính vì thế, người dân ăn gì cũng bệnh, rau thì phun thuốc trừ sâu, còn thịt thì thấm những chất bảo quản. Tất cả các thứ mà chúng ta đang dùng hiện nay hầu hết là bẩn, chúng ta đều biết chuyện đó, nhưng bởi vì nhu cầu sinh tồn nên chúng ta không thể không dùng được. Vấn đề là dùng ít hay dùng nhiều thôi”.

Kể lại những chuyện trước đây, theo ông Thịnh, thời bao cấp, dân ta lấy thước đo đơn giản là “ăn no”, sau này đời sống được cải thiện thì muốn “ăn ngon”. Nhưng giờ có lẽ chỉ mong được ăn sạch thôi cũng khó. 

Tâm lý người dân bây giờ ai cũng sợ, nhưng họ không có cách nào khác ngoài chấp nhận, vì có sợ thì thực phẩm vẫn bẩn, môi trường vẫn ô nhiễm, thì họ có thể làm gì. Vấn đề cơ bản nếu thực trạng nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng, tốn kém cho điều trị thì phải có nghiên cứu, đánh giá thực sự.

Tất cả mới chỉ là trên giấy

Để ngăn chặn “đại dịch” này, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chúng ta hãy mạnh tay hơn nữa trong những vụ việc mất an toàn thực phẩm, không thể để thực phẩm bẩn giết từ từ con người.

Vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà chính người Việt tự giết mình, giết chết lẫn nhau. Không biết những người sản xuất, người bán hàng họ thờ ơ hay vì thiếu hiểu biết. Rõ ràng là họ đang tự giết mình, giết xã hội, làm thui chột nòi giống mình.

“Bộ Y tế là Bộ quản lý về sức khoẻ nhưng thường là phần ngọn. Bộ NN-PTNT có vai trò rất quan trọng, vì vấn đề lương thực, thực phẩm độc hại phải được quản lý tốt hơn nữa, còn khi lên tới bàn ăn rồi thì rất khó.

Hay Bộ TN-MT cũng vậy với tình trạng xả thải những chất gây ô nhiễm ra môi trường, cũng phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa, không thể để cho tồn tại hàng loạt các dự án như Formosa Hà Tĩnh.

Phải kể đến Bộ GD-ĐT, phải giáo dục từ khi là một đứa trẻ con, biết tự trọng, biết tôn trọng luật pháp và giữ gìn sức khoẻ cộng đồng.

Cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chung thì tôi nghĩ, đó là Chính phủ. Tuy nhiên, vừa rồi ta nói đến chuyện người Việt Nam đang tự đầu độc lẫn nhau. Thế thì, nếu các Bộ dù có chính sách tốt nhưng không chuyển được thành hành động, đến từng người dân, từng gia đình phải có ý thức phòng bệnh giữ gìn cho tương lai, thì sẽ khó mà chống được tốc độ tăng ung thư.

Nói chung tất cả mọi biện pháp của chúng ta nó chỉ là hình thức, chỉ là lâu đài lộng lẫy, nguy nga nhưng bên trong thì trống rỗng, mọi biện pháp mới chỉ là trên giấy, là lời nói chứ chưa thành hành động”, ông Thịnh phân tích.

Phân rõ trách nhiệm từng Bộ

Cũng đưa ra ý kiến của mình, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, ngoài tuyên truyền trên các kênh truyền hình về tác hại của dùng hóa chất để người dân lo ngại và tăng cường công tác quản lý thì trong bộ Luật hình sự cũng phải có điều luật xử lý vấn đề này rất nghiêm.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu làm rõ trong những trường hợp mắc ung thư đó thì có bao nhiêu phần trăm là do ăn phải thực phẩm bẩn. Từ đó chỉ rõ mỗi người cũng cần có trách nhiệm để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh này trong cộng đồng.

Thường thì trồng trọt thực phẩm hay ở các khu vực nông thôn, ngoại ô thành phố, nên phải giao vấn đề này cho chính quyền địa phương vì địa phương mới biết rõ được hộ, cơ sở kinh doanh nào sử dụng trái phép chất cấm trong sản xuất. Việc nhập khẩu chất cấm phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng tuồn ra sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải phân rõ, Bộ nào chịu trách nhiệm chủ yếu về vấn đề này, Bộ nào là bộ kết hợp, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Có chế tài xử lý nghiêm và không để trường hợp cho phạt để tồn tại.

Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra nhiều hậu quả lớn cho xã hội nên tất cả các ban ngành phải vào cuộc để xử lý.

Nếu không có chiến dịch chống lại căn bệnh này, ông Vinh nói rõ: “Tác hại là vô cùng lớn đến nguồn nhân lực, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế, khi chi công quỹ, tiền thuế nhân dân chữa trị căn bệnh này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới