Có khả năng cuộc tập trận này mang một thông điệp đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump: Bắc Kinh có đủ phần cứng trong tay, có thể thay đổi cuộc chơi.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc, ảnh: Nikkei Asian Review / Kyodo News.
Nikkei Asian Review ngày 26/12 bình luận, cuộc tập trận của cụm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương do ông Ngô Thắng Lợi – Tư lệnh Hải quân chỉ huy, có thể là một đòn phô trương thanh thế khiến Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ phải “nhổm dậy và chú ý”.
Theo tờ báo Nhật Bản, Trung Quốc có vẻ háo hức tuyên truyền về cuộc tập trận của cụm tàu sân bay Liêu Ninh ở Thái Bình Dương.
Có khả năng cuộc tập trận này mang một thông điệp đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump: Bắc Kinh có đủ phần cứng trong tay, có thể thay đổi cuộc chơi.
Cụm tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Thái Bình Dương hôm qua 25/12, sau khi băng qua “chuỗi đảo thứ nhất” nối Okinawa, Đài Loan và Philippines.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã xác định được có tổng cộng 6 chiến hạm tham gia tập trận, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh có 3 khu trục hạm mang tên lửa và 2 tàu hộ vệ.
Điểm “bất thường” trong cuộc tập trận này là sự hiện diện và chỉ đạo trực tiếp của ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Cuộc tập trận bắt đầu với khoa mục cất – hạ cánh chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh dọc đường cơ động từ Bột Hải, Hoàng Hải xuống Hoa Đông.
Thời báo Hoàn Cầu hôm thứ Bảy 24/12 nói rằng, cuộc tập trận này là phản ứng với “hành động khiêu khích” của một quốc gia cụ thể. Đó chính là Hoa Kỳ.
Ông Donald Trump đã khiến Bắc Kinh giận dữ vì cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Có thể đây là một thông điệp mà Trung Nam Hải muốn “bắn” tới chủ nhân tương lai của Nhà Trắng Donald Trump. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào trong thời gian tới?
Ngày 22/12, Tổng biên tập tờ The National Interest, Harry J. Kazianis có bài bình luận trên tờ The Washington Times: vấn đề Đài Loan nên là lựa chọn chiến lược để ông Donald Trump duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tác giả cho rằng, Hoa Kỳ đã đứng yên quá lâu để Trung Quốc tiến hành những bước đi tạo dựng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ nói nhiều về chiến lược tái cân bằng hay xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng cũng trong thời gia này, Trung Quốc cảm nhận được sự yếu kém rõ ràng của nước Mỹ, và đã háo hức “tận dụng sai lầm” của Washington.
Họ đã nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông bằng việc bồi đắp 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp), và bây giờ quay ra “khiêu khích” đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Á, Nhật Bản.
Harry J. Kazianis tin rằng, sở dĩ Trung Quốc làm được điều này là nhờ bộ máy quân sự khổng lồ, trong đó một phần dựa vào các công nghệ đánh cắp của Mỹ. Sức mạnh quân sự này đang thiết lập tiền đề cho Bắc Kinh thống trị khu vực vào những năm tới.
Tổng biên tập The National Interest nhận định: “Rất may là chính sách của Mỹ đối với châu Á đang có những thay đổi kịp thời, đặc biệt là khi nói đến Đài Loan.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cho thấy trong cả phát ngôn lẫn hành động, ông sẽ đẩy lùi sự bành trướng của Trung Quốc, và đảm bảo cho khu vực này vẫn bình yên”.
Vì vậy Harry J. Kazianis không chỉ hoan nghênh cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump với Tiến sĩ Thái Anh Văn hôm 2/12, mà ông còn gợi ý tân chủ nhân Nhà Trắng nên thực hiện những bước đi tiếp theo một cách hợp lý: gặp Tiến sĩ Thái Anh Văn khi bà quá cảnh New York trong tháng tới.
Theo ông, Đài Loan là một phần quan trọng trong chiến lược duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Thái Bình Dương, đảm bảo không có một quốc gia nào có thể đơn phương ép buộc nước khác thông qua các biện pháp cưỡng bức, biến các vùng biển quốc tế thành “lãnh hải” của mình, thậm chí sẵn sàng dùng các hành vi thù địch để đạt được mục đích.
Để đạt được mục tiêu này, Harry J. Kazianis khuyến cáo ông Donald Trump, có lẽ không có lựa chọn nào tốt hơn việc gặp bà Thái Anh Văn.