Ngày 28/12 tới, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức họp báo công bố các số liệu quan trọng chốt năm 2016. Song, lúc này, những con số cơ bản đã có thể trù tính được.
Dự kiến lạm phát cả năm 2016 sẽ nằm trong mục tiêu kiểm soát dưới 5%, mức tăng của tỷ giá USD/VND bình quân cả năm sẽ xoay quanh 1%.
Cả hai dữ liệu trên đều phản ánh sự ổn định nhất của giá trị đồng tiền Việt Nam (VND) trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều dữ liệu khác, theo ước tính trong báo cáo vừa công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng góp phần khẳng định niềm tin vào VND được nâng cao trong năm qua.
Trước hết, niềm tin đó phản ánh ở nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Năm 2016, tỷ trọng và tăng trưởng tiền gửi VND tăng cao, trong khi tỷ trọng và tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ giảm mạnh.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) năm 2016 tăng mạnh hơn cùng kỳ năm 2015. Ước tính đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 19% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 16,1%).
Đáng chú ý, huy động ngoại tệ đã giảm mạnh, ước giảm khoảng 7% so với cuối 2015, trong khi năm 2015 hoạt động găm giữ ngoại tệ thể hiện rõ nét với tăng trưởng huy động ngoại tệ lên tới 14,3%. Tỷ trọng vốn ngoại tệ trong tổng vốn huy động toàn hệ thống theo đó giảm đáng kể trong năm 2016, xuống còn khoảng 10,5%, từ mức 12,9% năm 2015.
Ngược lại, huy động VND của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng rất cao năm qua, ước đạt tới 23% và gia tăng tỷ trọng lên 89,5% tổng vốn huy động, từ mức 87,1% cuối năm 2015.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, huy động ngoại tệ giảm mạnh một phần do lãi suất huy động USD áp trần 0%/năm, tỷ giá USD/VND ổn định kéo dài trong năm 2016 và tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm.
Ở một dữ liệu khác, hiện thống kê của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cập nhật đến quý 2/2016, nhưng báo cáo trên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra dự báo lạc quan về sự đảo chiều tích cực của cán cân thanh toán tổng thể cả năm 2016.
Cụ thể, Ủy ban dự báo, từ mức thâm hụt hơn 6 tỷ USD vào cuối năm 2015, cán cân thanh toán tổng thể năm 2016 dự báo sẽ đảo chiều với thặng dư ở mức khá cao, tương đương với năm 2014 (năm 2014, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư tới 8,4 tỷ USD – PV).
Mức thặng dư dự báo trên do cán cân thương mại xuất siêu và khoản mục lỗi và sai sót giảm. Ủy ban Giám sát lý giải thêm, niềm tin vào VND và sự ổn định vĩ mô ngày càng được nâng cao (phản ánh rõ qua chỉ số CDS – chỉ số đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam – giảm khoảng 40% so với đầu năm), qua đó giúp cho khoản mục “Lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán tổng thể giảm so với cùng kỳ.
Và từ trạng thái tăng dư lớn như dự báo trên của cán cân thanh toán tổng thể, đã giúp Ngân hàng Nhà nước mua vào, bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục: hơn 40 tỷ USD.