Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngQuan hệ Nga - Mỹ cải thiện, TQ lo sốt vó

Quan hệ Nga – Mỹ cải thiện, TQ lo sốt vó

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được đánh giá là người sẽ đóng vai trò quan trọng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kissinger – “người kéo quan hệ Nga-Mỹ từ đáy vực”

“Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger sẽ là ứng viên tốt nhất để kéo quan hệ Nga – Mỹ lên từ đáy vực. Ông ấy đảm nhiệm vai trò này dường như là một sự hoàn hảo”, tờ báo Nga Vzglyad ngày 27/12 bình luận.

Trước đó, Dmitry Peskov – người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu, Moscow “hoan nghênh ông Kissinger, người có kiến thức sâu rộng về quan hệ Nga – Mỹ, tham gia vào tiến trình khôi phục quan hệ song phương”.

Theo chuyên gia phân tích Vladimir Vasilev thuộc Viện nghiên cứu Mỹ&Canada,Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Kissinger là người có uy tín rất lớn ở Nga và Mỹ nên ông có thể góp phần đưa quan hệ hai nước thoát khỏi bế tắc.

Trang Politico (Mỹ) ngày 24/12 tiết lộ, những năm 1990 của thế kỷ trước, Kissinger từng nói với ông Putin rằng: “Tất cả những nhân vật giỏi giang đều xuất thân từ cơ quan tình báo, tôi cũng thế”.

Tờ này dẫn lời một cựu đại sứ Mỹ cho hay, ngoài Ngoại trưởng tương lai của Mỹ Rex Tillerson thì Kissinger là một trong số ít người Mỹ thường xuyên gặp mặt Tổng thổng Nga.

Song song với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump luôn bày tỏ hy vọng phát triển hợp tác quan hệ với Nga thì Kissinger đóng vai trò là người trung gian tiềm năng.

Kênh truyền hình Hispan TV (Iran) ngày 28/12 dẫn thông tin từ cơ quan tình báo châu Âu cho hay, ông Trump đang dựa trên kiến nghị của cựu Ngoại trưởng Mỹ để tiến hành bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga.

Kênh này bình luận, không rõ chính quyền Trump có dỡ bỏ cấm vận Moscow hay không nhưng từ việc Tổng thống đắc cử đưa những người có khuynh hướng “thân Nga” vào nội các thì đã đủ hiểu.

Trung Quốc lo sốt vó

Trả lời cho câu hỏi Trung Quốc liệu có ảnh hưởng gì nếu quan hệ Nga – Mỹ thay đổi, ông Diêm Học Thông – Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa lo lắng cho biết, sự cải thiện này có thể sẽ khiến cơ hội tăng cường quan hệ Trung – Nga bị vuột mất.

Theo Diêm, mục đích Moscow hợp tác với Bắc Kinh là để giảm áp lực chiến lược của Washington đối với Nga. Do đó, nếu Mỹ nới lỏng chính sách thì Nga không quá cần Trung Quốc như hiện tại.

Đồng thời, Moscow sẽ rất khó bỏ đi cơ hội bắt tay với Washington chỉ vì để hợp tác với Bắc Kinh.

“Hy vọng quan hệ Trung – Nga sẽ không bị thụt lùi”, Diêm Học Thông lo ngại.

Tuy nhiên, trái ngược với Diêm, ông Phùng Ngọc Quân – Giáo sư Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) lại tỏ ra lạc quan hơn trước sự thay đổi trong quan hệ Nga – Mỹ.

Theo Phùng, “dù đúng như ông Putin nói, quan hệ Nga – Mỹ hiện nay đã tồi tệ đến mức không thể tồi tệ hơn được nữa” nhưng sự cải thiện quan hệ song phương này chỉ được biểu hiện ở vẻ bề ngoài chứ khó có sự hợp tác thực chất.

Phùng nhận định, với người coi trọng kinh tế như Trump thì số vốn nhỏ nhoi 30 tỷ USD trong giao dịch thương mại Mỹ – Nga không có tác dụng gì với Washington. Đặc biệt, hai nước còn có nhiều mâu thuẫn khó hòa giải về an ninh như hệ thống phòng thủ tên lửa hay cuộc chiến không gian mạng.

Trong khi đó, quan hệ Trung – Nga lại có tính logic và giá trị riêng của nó nên Moscow không thể từ bỏ, càng không thể bắt tay Washington để đối phó Bắc Kinh.

Nếu Trung Quốc và Nga lại đi đến cục diện đối đầu như quan hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì đây sẽ là thảm họa lớn đối với cả hai bên, Phùng Ngọc Quân bình luận.

Ông Andrei Ostrovsky, chuyên gia về Trung Quốc và là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông trực thuộc Viện Khoa học hàn lâm Liên bang Nga cũng nhận định, hiện nay Nga – Trung là đối tác chiến lược quan trọng của nhau nên dù trong tương lai quan hệ Trung – Mỹ có ấm lên thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Bắc Kinh – Moscow.

RELATED ARTICLES

Tin mới