Chính quyền của Tổng thống Barack Obama được cho là sắp thông báo một loạt biện pháp trả đũa nhằm vào Nga vì cáo buộc Nga tấn công mạng, can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, các nguồn thông tin hôm qua (28/12) cho biết.
Tổng thống Obama gần như đã chỉ đích danh Tổng thống Vladimir Putin là người ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công mạng mà nhiều người của Đảng Dân chủ tin là gây hại cho cơ hội tiến vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton.
Cộng đồng tình báo Mỹ cũng kết luận rằng, chiến dịch tấn công mạng nhằm vào Đảng Dân chủ và hệ thống email của bà Hillary được thiết kế để tạo lợi thế cho ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa rồi.
Tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho hay, Mỹ sẽ thông báo các biện pháp trả đũa Nga, sớm nhất là trong tuần này. Các biện pháp đó bao gồm một loạt đòn trừng phạt về kinh tế, ngoại giao và cả những đòn bí mật, có thể bao gồm chiến dịch tấn công mạng.
Những cá nhân được cho có liên quan đến chiến dịch tấn công mạng của Nga cũng có thể ở trong danh sách bị trừng phạt, CNN đưa tin.
Hai Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham kêu gọi một đòn đáp trả thậm chí còn cứng rắn hơn đối với cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ.
Quốc hội Mỹ “nên thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì hành động sai trái đó”, ông McCain đã phát biểu như vậy đồng thời thúc ép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước Baltic cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Graham cho rằng, Nga và Tổng thống Vladimir Putin nên chuẩn bị đón nhận những đòn trừng phạt mạnh tay sau khi thực hiện các cuộc tấn công mạng trong cuộc bầu cử Mỹ.
Hồi đầu tháng này, Thượng nghị sĩ của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều lên tiếng kêu gọi điều tra chiến dịch tấn công mạng nhằm vào Mỹ của các nước bên ngoài, với trọng tâm tập trung vào Nga. “Sẽ có những biện pháp trừng phạt nặng nhằm vào Nga, đặc biệt là Tổng thống Putin với tư cách là một cá nhân”, ông Graham cho biết tại thủ đô của Latvia.
“Chính quyền cần phải đáp trả Nga theo một cách lâu dài”, ông Graham cho biết đồng thời thêm rằng việc ông Obama bắt đầu hành động chỉ ngay trước khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017 tới sẽ “phát đi một thông điệp sai lầm”.
Trong khi cho rằng hành động của Nga không làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử của Mỹ, Thượng nghị sĩ McCain cho biết, điều đó có thể làm “phương hại đến những nền tảng căn bản của dân chủ”.
Giới chức Mỹ tuyên bố, mục tiêu chính trong việc tung ra những đòn áp trả Nga không phải chỉ là trừng phạt mà là ngăn chặn. “Tôi lo ngại về những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc bầu cử nhiều như tôi lo ngại về chuyện sẽ xảy ra với chúng ta trong tương lai”, một quan chức trong chính quyền Mỹ cho hay.
Chưa rõ Mỹ sẽ tung ra những đòn trừng phạt gì mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Mỹ cùng với đồng minh phương Tây vốn đã đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.