Theo quy định, từ hôm nay (1/1/2017) Cục Điện ảnh sẽ áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi. Vậy các rạp chiếu sẽ làm gì để có thể xác định chính xác độ tuổi của khán giả khi vào rạp xem phim?
Một cảnh trong phim Mỹ nhân của Việt Nam.
Theo Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi, có bốn mức phân loại phim: phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); phim cấm phố biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18).
4 độ tuổi được phân loại phổ biến phim
Cách phân loại phim theo lứa tuổi được dựa trên những tiêu chí như: chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim; mức độ cảnh bạo lực, cảnh khoả thân, cảnh quan hệ tình dục, mức độ sử dụng ma tuý, chất gây nghiện…
Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng sẽ cấm các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục, sử dụng ma tuý và các chất kích thích, gây nghiện cũng như các cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục. Tiếp sau đó, các cảnh khoả thân, bạo lực, quan hệ tình dục… được nới lỏng dần theo lứa tuổi.
Ở loại phim C13, sẽ cấm những hành động bạo lực được miêu tả chi tiết, có thời lượng kéo dài; chỉ chấp nhận hình ảnh khoả thân không trực diện phía trước, phía sau hoặc hình ảnh khoả thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu sổ.
Hạng mục này cũng không chấp nhận cảnh thể hiện hoạt động tình dục, việc dùng ma tuý và các chất kích thích gây nghiện, cảnh kinh dị gây sợ hãi được miêu tả chi tiết hoặc ngôn ngữ thô tục…
Ở loại phim C16, sẽ cấm các cảnh giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu thường xuyên cũng như các hình ảnh khoả thân và hoạt động tình dục được miêu tả chi tiết, kéo dài.
Loại phim C18, các tiêu chí phân loại đã được nới lỏng hơn, chỉ cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khoả thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; những hình xăm phản cảm và cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý cũng không được chấp nhận.
Để thực hiện việc dán nhãn phân loại phim theo lứa tuổi, Cục Điện ảnh đã yêu cầu các cơ sở phát hành, phổ biến phim phải thông báo công khai đến khán giả tại các rạp chiếu phim thông tin về phân loại phim cũng như cách thức kiểm soát, kiểm tra tuổi đối với khán giả vào xem phim.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, bảng phân loại phim này được làm dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore. Mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Ngoài dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore, Cục điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện.
“Trước đây, Điện ảnh Việt Nam mới chỉ áp dụng thẩm định phim. Thành phần thẩm định là các nhà chuyên môn về điện ảnh. Với phân loại phim, sẽ có các thành phần khác tham gia như: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng tham gia với Hội đồng chuyên môn. Trước đây, việc thẩm định phim đã được Hội đồng làm rất kỹ lưỡng, năm 2016 có hơn 30 phim không được ra rạp. Vì vậy, các nhà sản xuất phải lưu ý kỹ các tiêu chí khi sản xuất phim”.
Theo Cục trưởng Cục điện ảnh thì bảng tiêu chí này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho hội đồng duyệt phim quốc gia bởi có phim chỉ cần hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi nhưng vẫn cấm khán giả dưới 16 tuổi bởi không có mức chi tiết. Ngược lại, những phim 18+ được mua về Việt Nam cũng khiến các nhà kiểm duyệt phải loay hoay vì không có quy định cụ thể.
Giải pháp nào cho việc kiểm soát tuổi tại rạp chiếu?
Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng, việc phân loại phổ biến phim theo độ tuổi mà Cục Điện ảnh vừa ban hành cần phải có thêm thời gian cho các cơ sở chiếu phim đề ra phương án kiểm soát độ tuổi khán giả. Bên cạnh việc dựa vào Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước mà khán giả trên 18 tuổi đến xem phim phải xuất trình khi mua vé thì với độ tuổi từ 13 đến dưới 18 tuổi lại là một việc khó khăn. Ở độ tuổi này, nếu bắt khán giả đến xem phim phải mang theo giấy khai sinh thì rất nhiêu khê mà để xác định được đúng tuổi của khán giả bằng mắt thường quả không hề dễ.
Việc kiểm soát độ tuổi khán giả khi đến xem phim liệu có làm khó các rạp chiếu?.
“Thực sự chúng tôi cần phải trao đổi kỹ hơn với Cục Điện ảnh để đưa ra từng giải pháp cụ thể nhất. Hiện tại mọi thứ vẫn đang mông lung lắm, chúng tôi chưa thể nói được gì rõ ràng cả”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho biết, tạm thời, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ gián thông báo rộng rãi đến khán giả để họ nắm được những quy định mới của Cục Điện ảnh. Sau đó, khi có sự thống nhất cụ thể, Trung tâm sẽ kết hợp giữa tuyên truyền và vận động mọi người tự giác chấp hành quy định mới này.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng từng chia sẻ rằng, việc phân loại phim theo lứa tuổi rất tốt cho các nhà sản xuất vì sẽ tạo điều kiện cho họ kiểm soát được những cảnh “nhạy cảm” trong phim. Cả thế giới đều thực hiện việc phân loại phim như thế. Đi xem phim phải mang Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước là một việc đương nhiên, các nước khác đều thế cả. Nhưng ở Việt Nam, người dân chưa quen với điều này. Việc phân loại phim theo lứa tuổi đang thực hiện theo kiểu phụ thuộc vào tinh thần tự giác của khán giả.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bày tỏ, muốn cho điện ảnh phát triển, chúng ta buộc phải hoàn thiện hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi và những tiêu chí cụ thể để duyệt phim. Thế nhưng việc phân loại phim theo lứa tuổi mà không đi kèm với một hệ thống kiểm soát gắt gao tại các phòng chiếu, rạp chiếu thì có cũng không giải quyết được vấn đề gì. Ở nước ngoài, cho người chưa đủ tuổi vào quán bar, sàn nhảy thì chủ cơ sở cũng bị phạt rất nặng.
Theo một số nhà sản xuất, hiện trên thế giới đã có 44 quốc gia có hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi. Tại Mỹ, tổ chức phi chính phủ MPAA (Motion Picture Association of America) được trao trách nhiệm phân loại phim. Hollywood là lò sản xuất phim lớn nhất thế giới nên nhiều quốc gia mô phỏng theo hệ thống phân loại của MPAA rồi sửa đổi lại đôi chút cho hợp với xã hội nước mình. Phim chiếu trong rạp Mỹ được phân loại như sau:
G (General audience): Phù hợp cho mọi lứa tuổi, chẳng hạn như phim hoạt hình.
PG (Parental Guidance suggested): Ai xem cũng được, nhưng trẻ em nên có bố mẹ đi kèm để giải thích những điều khó hiểu.
PG-13: Khuyến cáo nên có bố mẹ đi kèm nếu dưới 13 tuổi. Những phim này có thể có những cảnh hở hang nhưng chỉ trong chốc lát, có những màn đánh đấm nhưng không quá bạo lực, ngôn ngữ cũng có lúc không được lịch sự, nhưng không đến nỗi tục tĩu quá đáng. Phân loại này là nguồn lợi tức lớn nhất của Hollywood.
R (Restricted): Dưới 17 tuổi thì bắt buộc phải có bố mẹ hoặc người lớn trên 21 tuổi đi kèm, những loại phim hành động thông thường thuộc về nhóm này. Thích hợp cho thanh niên đại học trở lên.
NC-17: Nội dung cực kỳ bạo lực hoặc kích dục, từ 17 tuổi trở xuống không được vào xem trong bất cứ trường hợp nào. Hollywood sản xuất rất ít các phim loại này vì thu nhập sẽ không đủ để trang trải tiền vốn.
Tại Úc, phân loại phim theo các tiêu chí: E: miễn phân loại; G: dành cho tất cả mọi người; PG: trẻ em xem phải có cha mẹ đi cùng; MA15+: không phù hợp với khán giả dưới 15 tuổi, phải có cha mẹ đi cùng; R18+: dành cho người trên 18 tuổi; X18+: phim có nội dung khiêu dâm, bạo lực; RC: bị cấm chiếu.