Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiThế giới năm 2017: Từ góc nhìn an ninh quân sự

Thế giới năm 2017: Từ góc nhìn an ninh quân sự

Với rất nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới năm 2016, năm 2017 được dự đoán là sẽ có nhiều bất trắc đặc biệt là trong vấn đề an ninh.

Châu Á-Thái Bình Dương sẽ vẫn là điểm nóng về an ninh quân sự năm 2017
và mọi động thái của Mỹ tại đây vẫn sẽ rất được quan tâm. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới (2017), giới nghiên cứu và dư luận lại để tâm đến vấn đề an ninh quân sự toàn cầu. Trên cơ sở nhận định, đánh giá năm 2016, giới chuyên gia phân tích đã đưa ra những dự báo mới về an ninh toàn cầu cho năm 2017 với những điểm nhấn, được dư luận quan tâm.

Mâu thuẫn gia tăng phản ánh tính chất thời đại

Năm 2017, tình hình quốc tế tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường; đấu tranh giữa xu hướng cấu trúc an ninh mới đang hình thành với cấu trúc an ninh cũ ngày càng quyết liệt hơn, bộc lộ những mâu thuẫn phản ánh xu thế mới của thời đại.

Trong quá trình chuyển hóa cấu trúc an ninh toàn cầu từ định hướng (đa cực, đa trung tâm) sang định hình (một hay nhiều trung tâm, từng nước hay nhóm nước, khu vực hay liên khu vực…). Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia tạo ra sự cân bằng mới trong cán cân quyền lực khu vực và thế giới.

Theo giới quan sát, với sự kiện Brexit ở châu Âu, ông Rodrigo Duterte thắng cử ở Philippines, ông Donald Trump thắng cử ở Mỹ năm 2016, khiến các nhân vật dân túy và cực hữu ở châu Âu cũng có thể được người dân chấp nhận như: Pháp có thủ lĩnh Marine Le Pen, Hà Lan có ông Geert Wilders, Áo có ông Norbert Hofer, Hungary có ông Victor Orban… Vì họ đều có chung quan điểm chống nhập cư và bài xích Hồi giáo. Hiện ở châu Âu, duy nhất chỉ có bà Angela Merkel chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ 4.

Những dấu hiệu trên cho thấy mâu thuẫn phản ánh tính chất thời đại đã diễn ra trong mỗi quốc gia, dân tộc tại khu vực phát triển nhất của thế giới, khiến nguy cơ bất ổn gia tăng và đây có thể là nhân tố tiền an ninh quân sự, dễ gây bùng nổ các cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc như đã xẩy ra ở Trung Đông – Bắc Phi trong những năm vừa qua.

Cuộc chiến chống IS lôi kéo nhiều nước tham gia, song thiếu hợp tác chặt chẽ do toan tính lợi ích địa – chiến lược của các bên, nhất là giữa Nga – Mỹ – phương Tây, nên tính phức tạp sẽ còn kéo dài, nhất là trong bối cảnh quan điểm “cứng rắn” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa định hình và chiến lược “Đại Trung Đông” mới vẫn có thể được duy trì, khiến cho hòa bình Trung Đông khó có thể được vãn hồi trong năm 2017.

Mặc dù đã có những bước tiến trong việc giám sát ngừng bắn tại Aleppo theo Nghị quyết mới về Syria của Liên Hợp Quốc, nhưng để biến sự tách rời của 3 liên minh chống khủng bố thành mặt trận duy nhất do Liên Hợp Quốc lãnh đạo như Nga đề nghị hiện vẫn còn khó đoán định, do Mỹ không chấp nhận việc phân định, tách rời quân khủng bố với phe đối lập ở Syria.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển, lợi ích quốc gia giữa các nước sẽ diễn biến phức tạp hơn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hoà bình và phát triển của khu vực, nhất là khả năng gia tăng các cuộc đấu tranh, xung đột “phi vũ trang” và nguy cơ chạy đua vũ trang trong năm 2017 và cả năm 2018.

Một số nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn để đạt tham vọng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tìm kiếm lợi ích quốc gia khiến cho tình hình khu vực ngày càng căng thẳng, nguy cơ xảy ra va chạm và xung đột tại các vùng tranh chấp có xu hướng tăng lên, khiến quá trình xây dựng lòng tin chiến lược ngày càng khó khăn hơn trước.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang tiệm cận là “trung tâm quyền lực” của thế giới trong thế kỷ 21, các cường quốc đều đẩy mạnh triển khai chiến lược tại khu vực sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức về an ninh.

Vấn đề tiền an ninh đang tiềm ẩn trong vẫn khó bề giải mã do chính sách của tân Tổng thống Trump, nhất là quan hệ Mỹ – Trung và với các đồng minh, đối tác khu vực. Số phận của chiến lược “xoay trục” của người tiền nhiệm Obama vẫn chưa được định đoạt.

Sự tìm kiếm vị thế của các siêu cường

Trong năm 2017, Mỹ vẫn là cường quốc số một, có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ và sức mạnh quân sự, nhưng đang chuyển đổi quan điểm chiến lược về đối ngoại quân sự, khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới.

Với chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” trong chính sách đối nội, và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách đối ngoại. Ông Trump đã vượt qua cả chính sách hướng nội và “không làm chuyện điên rồ” của người tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, quan điểm đối ngoại quân sự của ông Trump vẫn rất khó tiên lượng.

Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, vượt cấm vận, lấy lại vị thế của nước Nga, bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực, thúc đẩy hợp tác với các nước lớn, gia tăng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương, phát huy hiệu quả của việc tấn công IS ở Syria buộc phương Tây phải thừa nhận vai trò quốc tế của mình.

Nga chấp nhận quan điểm “kinh tế đi trước” trong quan hệ với Nhật Bản, nhằm tạo ra bước “đột phá” trong giải quyết vấn đề quần đảo Nam Kuril, hướng tới một Hiệp định hòa bình giữa hai cường quốc Nga – Nhật, nhằm đẩy mạnh chiến lược “hướng Đông”.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên thế giới; tranh chấp quyết liệt với Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương; mở rộng quan hệ với các đối tác lớn, áp dụng sách lược hòa dịu với các nước láng giềng, nhưng vẫn cứng rắn trong bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”.

Mới đây, ngày 26/12 Trung Quốc đã cho vận hành lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh tiến về phía Tây Thái Bình Dương nói là để tập trận, khiến dư luân khu vực và quốc tế rất quan ngại. 

Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội Nhật tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ thông qua các hoạt động tuần tra trên biển, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy trong giải quyết vấn đề vùng Lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp với Nga. 

Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế, đồng thời tiếp tục đối mặt với các thách thức từ nạn di cư, khủng bố, vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga… sự chia rẽ nội bộ sẽ gia tăng với việc chủ nghĩa dân túy lên ngôi, khiến nguy cơ một số nước ly khai khỏi Liên minh theo kiểu Brexit là không loại trừ, khiến EU càng gia tăng bất ổn. Tuy nhiên, trước nguy cơ mất chỗ dựa là Mỹ, khiến các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi thành lập quân đội châu Âu, để duy trì vị thế quân sự tại khu vực và quốc tế.

Như vậy, trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới, an ninh quân sự được coi là sự phản ánh sâu sắc của an ninh kinh tế, chính trị, xã hội. Năm 2016 sự bất ổn đã tiềm ẩn những yếu tố tiền an ninh quân sự, nhất là những “đột phá” về tư duy quân sự đối ngoại, khiến cho an ninh quân sự năm 2017 chứa đựng nhiều yếu tố bùng nổ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vẫn còn nhiều nhân tố “ẩn”, khiến cho dự báo an ninh quân sự năm 2017, có thể có độ dung sai lớn là khó tránh.

RELATED ARTICLES

Tin mới