Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐiểm tinKhông quân Mỹ đang mất ưu thế trước TQ?

Không quân Mỹ đang mất ưu thế trước TQ?

Không quân Mỹ đang mất dần ưu thế trước Trung Quốc khi mà chính quyền Bắc Kinh mạnh tay đầu tư tiền cho công cuộc quân sự hóa như mua sắm vũ khí từ nước ngoài và nghiên cứu, phát triển nhiều loại chiến đấu cơ nội địa tối tân.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm J-31 của  Trung Quốc. 

Ông Kris Osborn, Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Scout Warrior và là cựu quan chức tại Lầu Năm Góc nhận định, căng thẳng an ninh và hoạt động quân sự hóa không ngừng của Bắc Kinh trên Biển Đông khiến giới chức Lầu Năm Góc và các chuyên gia quân sự tập trung nghiên cứu năng lực cũng như số vũ khí tối tân mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu. 

Theo giới phân tích, khoảng cách công nghệ của Không quân Mỹ trước Trung Quốc đang được thu hẹp một cách nhanh chóng khi chính quyền Bắc Kinh mạnh tay đầu tư tiền vào hiện đại hóa chiến đấu cơ, tên lửa, vũ khí không đối không, máy bay vận tải quân sự và máy bay tàng hình. 

Bản báo cáo hồi năm 2014 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung từng đưa ra khuyến cáo về việc Quốc hội Mỹ nên chỉ định một nhóm các chuyên gia bên ngoài tiến hành đánh giá về sức mạnh cân bằng giữa quân đội Mỹ – Trung cũng như đưa ra lời khuyên cho các kế hoạch và chi tiêu quốc phòng của quân đội Mỹ đặc biệt là những ưu thế công nghệ, tốc độ phát triển và tiến bộ của Không quân Trung Quốc. 

Theo bản báo cáo trên, quân đội Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 2.200 chiếc máy bay trong đó gần 600 chiếc được đánh giá là hiện đại. “Đầu thập niên 90, Bắc Kinh bắt đầu triển khai chương trình hiện đại hóa sức mạnh quân đội toàn diện nhằm nâng cấp lực lượng Không quân từ chỗ chỉ hoạt động ở tầm ngắn thiên về phòng thủ trở thành một lực lượng đa nhiệm trang bị sức mạnh tấn công vượt ngoài lãnh thổ quốc gia và có khả năng phòng thủ tên lửa cũng như cảnh báo sớm”, bản báo cáo viết.   

Liên quan tới chương trình phát triển máy bay tàng hình, bản báo cáo nhấn mạnh những chiếc máy bay được sản xuất dựa trên nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc đang là lực lượng máy bay hiện đại nhất hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang thử nghiệm một phiên bản chiến đấu cơ tàng hình cỡ nhỏ hơn là J-31 mặc dù mục đích sử dụng chưa được công bố. 

Theo đó, trong năm 2014, Trung Quốc cho ra mắt chiến đấu cơ tàng hình J-31 của tập đoàn Shenyang tại triển lãm Hàng không Chu Hải. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng để cạnh tranh với năng lực công nghệ như chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, Trung Quốc còn cần một thời gian dài nữa. 

Điều đáng nói, bản báo cáo trên cũng nhấn mạnh ưu thế về công nghệ vũ khí, năng lực hải quân và không quân của Mỹ đang nhanh chóng suy giảm. Để minh chứng cho nhận định này, bản báo cáo đã dẫn lại thông tin so sánh của một chuyên gia về năng lực chiến đấu cơ Mỹ – Trung so với 20 năm trước và thời điểm hiện tại. 

Cụ thể, trong năm 1995, những chiến đấu cơ tối tân của Mỹ như F-15, F-16 hay F/A-18 hoàn toàn chiếm ưu thế trước J-6 của Trung Quốc. Song hiện nay, các chiến đấu cơ J-10 và J-11 của Trung Quốc được đánh giá sánh ngang năng lực với phiên bản F-15 nâng cấp của Mỹ. Bên cạnh J-10 và J-11, Trung Quốc còn nắm trong tay các chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga và đang trong quá trình đàm phán mua thêm Su-35. 

“Su-35 sẽ tăng cường đáng kể năng lực của Trung Quốc khi thực hiện các sứ mệnh trên eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như tạo cơ hội cho Trung Quốc khám phá các linh kiện nước ngoài như hệ thống radar và động cơ từ đó biến đổi cho phù hợp với lực lượng chiến đấu cơ nội địa”, bản báo cáo cho biết.

Ngoài công nghệ tàng hình và chiến đấu cơ công nghệ cao, Trung Quốc còn đầu tư vào phát triển năng lực của các tên lửa không đối không trong vòng 15 năm qua. Theo đó, những chiến đấu cơ của Trung Quốc trong năm 2000 trừ phiên bản Su-27 nâng cấp, chỉ sử dụng các loại tên lửa nằm trong tầm nhìn. Còn trong 15 năm qua, Trung Quốc đã cho phát triển hàng loạt tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung hiện đại, tên lửa chống bức xạ, bom định hướng bằng vệ tinh, bom định hướng bằng tia laser, tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không và tên lửa hành trình chống hạm. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang nắm trong tay Y-20, máy bay không vận nội địa đầu tiên của nước này, có sức chở lớn gấp 3 lần so với C-130 của Không quân Mỹ. Khả năng, Trung Quốc sẽ cho cải tiến Y-20 thành máy bay tiếp dầu nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và năng lực cho lực lượng không quân. Còn hiện tại, Trung Quốc chưa thể xây dựng một phi đội máy bay tiếp dầu hiện đại trong khi phần lớn chiến đấu cơ vẫn chưa có khả năng thực hiện tiếp dầu trên không. Đây sẽ là hạn chế cho Không quân Trung Quốc muốn hoạt động ở tầm xa. 

“Cho tới khi Hải quân Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động phi đội chiến đấu trên tàu sân bay, Trung Quốc cần phải cải thiện năng lực tiếp dầu trên không để hỗ trợ hoạt động tầm xa. Hiện tại, phi đội máy bay tiếp dầu của Trung Quốc bao gồm 12 chiếc H-6U sản xuất từ thập niên 50, chưa đủ năng lực hỗ trợ nhiệm vụ chiến đấu tầm xa, quy mô lớn và lâu dài”, bản báo cáo nhận định. 

Cũng theo bản báo cáo, truyền thống Nga cho biết Moscow đã chấp thuận bán tên lửa đất đối không hiện đại thế hệ mới S-400 cho Trung Quốc và quá trình đàm phán diễn ra từ cuối năm 2012. Nếu sở hữu S-400, hoạt động phòng không của Trung Quốc sẽ được mở rộng từ 125 – 250 dặm, bao phủ khu vực Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và một phần Biển Đông. 

Những thông tin liên quan tới kho hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa (ICMB) của Trung Quốc bao gồm DF-31, DF-31A và DF-41 cũng đã được nêu trong bản báo cáo. Trung Quốc còn được cho đang sở hữu hàng loạt ICMB phóng lưu động có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. 

RELATED ARTICLES

Tin mới