Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 06/01

Bản tin Biển Đông ngày 06/01

Bản tin Biển Đông ngày 06/01/2016.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo. Ảnh: Presidential Photo.

1) Philippines sẽ thúc đẩy việc xây dựng khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)

Ngày 5/1, hãng ABS-CBN đưa tin:

Ngày 5/1, trả lời báo chí về vai trò Chủ tịch của Philippines năm 2017, ông Enrique Manalo, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines khẳng định phía nước này sẽ nỗ lực thúc đẩy dự thảo cuối cùng về khung Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN khi Manila đăng cai tổ chức Hội nghị của khu vực vào năm 2017, nhấn mạnh “đây là một trong những ưu tiên chính của Philippines”. Bên cạnh đó, ông Manalo cho hay “mục tiêu tổng thể của COC là thử nghiệm và đánh giá các biện pháp quản lý tranh chấp một cách hòa bình và không đối đầu. Đây là lập trường mà Philippines và các nước ASEAN khác sẽ bàn đến khi thảo luận một khung Quy tắc ứng xử khả thi”. Tuy nhiên, ông Manalo lo ngại, khi  đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử, các nước sẽ phải đối diện với thách thức liên quan tới việc quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Ngoài ra, ông Manala cho biết vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra tại Chương trình Nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2017 nhưng không nhất thiết đưa vào Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bởi lẽ “Phán quyết vốn dĩ đã tồn tại, và đã là một phần của luật pháp quốc tế”, “một bằng chứng pháp lý”.

2) Quan chức Philippines: Việc khai thác chung ở Biển Đông là hợp pháp

Ngày 5/1, mạng Tân Hoa xã đưa tin:

Ngày 5/1, ông Harry Roque, Nghị sỹ Philippines khóa XVII đã phát biểu rằng khả năng khai thác chung ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh là hợp pháp và hợp hiến. Cụ thể, ông cho biết “điều XII, Phần 2 của Hiến pháp năm 1987 quy định, Tổng thống có thể ký kết các thỏa thuận với các công ty nước ngoài liên quan đến việc hỗ trợ công nghệ và tài chính cho các dự án quy mô lớn nhằm khai thác, phát triển và sử dụng khoáng sản, dầu mỏ và các loại khoáng sản khác, phù hợp với các điều khoản chung của luật, dựa trên những đóng góp thực tế đối với sự tăng trưởng kinh tế và phúc lợi chung của cả nước”. Thêm vào đó, ông Roque cũng khẳng định việc thực hiện khai thác chung ở Biển Đông cũng phù hợp với các quy định và điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông nhấn mạnh, một “chính sách ngoại giao độc lập” đòi hỏi phải cân nhắc đến lợi ích của quốc gia, bày tỏ sự lo ngại trước việc người dân Philippines sẽ gặp khó khăn nếu Chính phủ kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trước đó, ông Jose Romana, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc đã tuyên bố Chính phủ Philippines đang “tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc” khả năng thực hiện khai thác chung tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông với Trung Quốc. Quan điểm này của ông đã nhận được sự đồng tình của ông Pantaleon Alvarez, Người Phát ngôn Nghị viện Philippines.

3) Bài học kinh nghiệm cho các bên ở Biển Đông từ kinh nghiệm quốc tế ở Bắc Cực

Ngày 5/1, tờ Foreign Policy đăng bài viết “Bài học kinh nghiệm cho các bên ở Biển Đông từ kinh nghiệm quốc tế ở Bắc Cực” của Đô đốc Daniel Thomassen, Hải quân Hoàng gia Na-uy, cựu học viên Đại học Hải chiến Mỹ:

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang đi xuống ở khu vực, tạo ra nguy cơ xung đột lớn hơn, vượt ra ngoài hiện trạng quân sự hoá hay những vụ va chạm hiện nay giữa các đội tàu cá, cảnh sát biển, hải quân, tác giả cho rằng, cần có một khuôn khổ để quản lý khu vực Biển Đông, được xây dựng bởi các siêu cường và hỗ trợ bởi các nước Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Ông Thomassen khẳng định, Bắc Cực cũng có những nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, nhưng khu vực này thể hiện là “một điển hình mẫu mực” về thoả hiệp và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.

Giống khu vực Biển Đông, ở Bắc Cực cũng tồn tại những vấn đề liên quan đến tài nguyên, các tuyến đường biển quốc tế và tiềm năng kinh tế, cũng như các yêu sách đối kháng, tranh chấp chủ quyền và lợi ích an ninh của các nước lớn. Tuy nhiên, Hội đồng Bắc Cực đã thiết lập một khuôn khổ để đạt được thoả hiệp về lợi ích chung, nhằm giúp duy trì ổn định và phòng ngừa những biến động. Các cơ chế, thể chế và các nguyên tắc này hoạt động mạnh mẽ hơn nhiều so với những tiến trình tương tự ở Đông Nam Á như sự thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông cho biết, Hiệp định Bắc Cực năm 1959 cũng là những điển hình đáng học tập.

Tác giả cho rằng, khi xử lý các vấn đề ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, việc nhìn vào các “mục tiêu chiến lược”, sẽ có vai trò quan trọng nhiều hơn so với các yêu sách lịch sử. Ông cho rằng, việc “đạt được thỏa hiệp” giữa Mỹ và Trung Quốc phải được thực hiện theo hướng “cho đi”, nhất là trong các vấn đề liên quan đến phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, tôn trọng “chính sách một Trung Quốc”, hợp tác duy trì trật tự trên biển và các quy định đánh bắt cá cũng như sử dụng Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa và các cơ chế tài phán quốc tế, cơ sở để phục vụ các cuộc đàm phán đa phương. Cuối cùng, ông kết luận, ngoại giao vẫn cần phải đi đôi với sự hiện diện quân sự vững chắc và cân bằng về mặt quyền lực của Mỹ ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới