“Việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là nhu cầu để phát triển quan hệ hai nước nói chung, giữa Đà Nẵng với các địa phương của Trung Quốc nói riêng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mỹ có ý định mở Tổng lãnh sự ở Đà Nẵng
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu bật các thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016, đồng thời thông tin về những hoạt động đối ngoại quan trọng năm 2017, với “điểm nhấn” đăng cai tổ chức Hội nghị APEC lần thứ 25.
Trả lời câu hỏi, Việt Nam trong năm 2017 có thể gặp phải những thách thức gì khi tình hình chính trị thế giới gần đây có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt ở Philippines và Mỹ, Phó thủ tướng cho rằng, tất cả các nước sau vài năm sẽ có bầu cử, có sự thay đổi chính quyền theo các đảng phái thắng cử.
“Việc thay đổi là điều đương nhiên và diễn ra thường xuyên. Điều quan trọng là chúng ta thúc đẩy quan hệ không phải với một chính quyền, với một đảng, mà là với một đất nước.
Đó là điều chúng ta đã làm, xây dựng các khuôn khổ quan hệ – quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện.
Đó là khuôn khổ quan hệ với một đất nước thì dù chính quyền có thay đổi hay không chúng ta vẫn trên cơ sở khuôn khổ đó thúc đẩy. Chứ không có nghĩa sự thay đổi chính quyền sẽ dẫn tới thay đổi chính sách đối ngoại”, ông Minh nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, đương nhiên sẽ có từng việc cụ thể, chúng ta vẫn thực hiện phương châm: đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Lấy mục tiêu lớn nhất là đa dạng, đa phương hóa quan hệ, quan hệ trên cơ sở cùng vì lợi ích của Việt Nam và các nước, với mục tiêu đó thì sự thay đổi sẽ không ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Người đứng đầu ngành ngoại giao cùng dự báo thế giới năm 2017, tình hình “sẽ diễn biến hết sức khó lường”. Đây cũng là năm các nước có nhiều thay đổi do các cuộc bầu cử, tuyển cử, hoặc đại hội đảng.
Sẽ có những tình huống mà chúng ta chưa dự báo được hết nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng và nước lớn.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc đã lập Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng, vậy liệu sắp tới Mỹ có ý định tương tự hay không?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, lập Tổng lãnh sự quán ở một nơi nào đó liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, công tác lãnh sự, trong đó có bảo hộ công dân và các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo cách phù hợp với pháp luật.
“Quan hệ Việt – Trung là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đến nay Việt Nam đã mở 4 Tổng lãnh sự quán tại Trung Quốc.
Việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là nhu cầu để phát triển quan hệ hai nước nói chung và giữa Đà Nẵng với các địa phương của Trung Quốc nói riêng.
Hiện nay, một tuần có nhiều chuyến bay giữa Đà Nẵng với các thành phố của Trung Quốc, điều này cho thấy nhu cầu hợp tác giữa hai bên là rất lớn”.
Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta có các Đại sứ quán ở Hà Nội, Tổng lãnh sự quán tại TP.Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Lào và Trung Quốc đã mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng và Mỹ cũng có ý định mở Tổng lãnh sự quán ở đây.
“Việt Nam hoan nghênh điều này vì nó có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước với nhau”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tình hình Biển Đông vẫn phức tạp
Trước câu hỏi về tình hình Biển Đông trong thời gian tới, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam cho rằng, trong năm 2016, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có hoạt động bồi đắp và mở rộng các đảo đá, từ đảo chìm thành đảo nổi và thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đá.
Năm 2016, Tòa Tọng tài ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những vấn đề pháp lý liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nước Asean đã ra tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng khẳng định những diễn biến đáng lo ngại trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá. ASEAN.
Đồng thời cũng tái khẳng định nguyên tắc phải giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)
Liên quan đến vụ kiện Philippines và Trung Quốc, Phó Thủ tướng nhắc lại rằng, ngay khi Tòa tiếp nhận vụ kiện vào tháng 12/2014, Việt Nam đã gửi một tuyên bố tuyên bố, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét, đồng thời chúng ta cũng bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Khi Tòa ra phán quyết, Việt Nam cũng có tuyên bố hoan nghênh phán quyết, tái khẳng định lập trường chính thức của ta về vấn đề Biển Đông.
Phó Thủ tướng tái khẳng định chủ trương nhất quán của của Việt Nam là giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hiện, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc về phân định Vịnh Bắc bộ, thương lượng với Indonesia về khu vực thềm lục địa.
“Trong năm 2017, tình hình biển Đông sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đáng lo ngại. Chúng ta đang đàm phán với Trung Quốc về phân định vịnh Bắc Bộ, thương lượng với Indonesia về khu vực ngoài thềm lục địa, đàm phán với Malaysia… để giải quyết các tranh chấp.
Đối với Việt Nam, chủ trương nhất quán là giải quyết tranh chấp theo biện pháp hòa bình nhưng phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982″, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.