Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 10/01

Bản tin Biển Đông ngày 10/01

Bản tin Biển Đông ngày 10/01/2017.

39 12

Thiếu tướng Eduardo Ano, Chỉ huy Lực lượng vũ trang Philippines. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lên kế hoạch thăm lực lượng quân đội nước này đồn trú ở Biển Đông

Ngày 9/1, trang ABS-CBN đưa tin:

Ngày 8/1, Tướng Eduardo Ano, Chỉ huy Lực lượng vũ trang Philippines cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đang lên kế hoạch thăm các binh sỹ đang đồn trú ở Biển Đông, cụ thể là trên các cấu trúc tranh chấp thuộc một phần của Trường Sa, “vào thời điểm thích hợp”. Ông cũng khẳng định, “chúng tôi (lực lượng quốc phòng và quân đội) sẽ đảm bảo rằng, Philippines đang duy trì sự hiện diện ở Biển Đông và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”. Theo nguồn tin, các quan chức quốc phòng nước này cũng sẽ xem xét phản ứng của Trung Quốc về việc Philippines lên kế hoạch chuyến thăm này. Ngoài ra, ông Ano cũng bác bỏ thông tin rằng Trung Quốc đã rút tàu ra khỏi khu vực Bãi Cỏ Mây và khẳng định tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện ở khu vực này.

Động thái đáng chú ý của Trung Quốc: Dự án Quan sát Biển Đông công bố thông tin về biển

Ngày 10/1, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin:

Ngày 8/1, Hãng Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã đặt tên cho 255 cấu trúc địa lý ở Biển Đông năm 2016 và đã “có được những tiến triển” trong việc xây dựng và bồi đắp các đảo, đá ở khu vực, bao gồm một dự án về quan sát có nhiệm vụ cung cấp thông tin dự báo tình hình trên biển, được thành lập từ ngày 1/1. Trước đó, hãng này đã tiết lộ mục đích của dự án này là “nhằm bảo vệ môi trường biển và an toàn hàng hải”. Ông Wang Hong, Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc hoan hỉ, “năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống giới hạn đỏ nhằm khoanh vùng bảo vệ môi trường sinh thái…nhằm xây dựng một hệ thống quản lý biển toàn diện”. Không những thế, ông còn tiết lộ “đã có đến 1.746 hoạt động phi pháp đã xảy ra ở các vùng biển “của Trung Quốc” trong năm 2016”.

Tuy nhiên, những báo cáo về động thái “bảo vệ môi trường” của phía Bắc Kinh chỉ được đưa ra trong thời gian gần đây, sau khi Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết ngày 12/7/2016 kết luận rằng các hoạt động xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây hại nghiêm trọng đến môi trường biển và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Đồng thời, Phán quyết cũng khẳng định Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ theo luật quốc tế về môi trường, trong đó có việc không xây dựng các báo cáo đánh giá tác động.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Manila ở Biển Đông

Ngày 10/1, tạp chí The Nation đăng bài viết “Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Manila ở Biển Đông”:

Bài viết nhận định, với những diễn biến trong thời gian gần đây, việc ASEAN đang tích cực thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông (COC) sẽ khiến Philippines phải tính toán kỹ lưỡng khi tiến hành thương thảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines sẽ rơi vào “một tình thế khó khăn” bởi quá trình nhằm đạt đến mục tiêu xây dựng COC có được rất ít tiến triển, dù quá trình này vẫn đang được tiếp tục.

Mặc dù đã có những tiến triển vào giai đoạn đầu, sau khi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua, việc giải quyết các vấn đề dựa trên “một khuôn khổ có thể được các bên chấp nhận” vẫn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Do DOC không có giá trị ràng buộc pháp lý nên hiện tại Tuyên bố này không thể ngăn được Trung Quốc tiếp tục hành động một cách đơn phương, tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo, đá tranh chấp ở Biển Đông. Hơn nữa, vẫn còn khoảng cách lớn giữa khối các quốc gia ASEAN so với Trung Quốc, những bất đồng vẫn còn tồn tại, bởi đối với 10 nước ASEAN, bao gồm các bên có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, lợi ích quốc gia vẫn được coi là vấn đề được đặt lên trên hết. Ngoài ra, một nhân tố quan trọng, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông, đó là mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mặt khác, bài viết cho rằng, việc Philippines nắm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và sự tồn tại của Phán quyết vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 sẽ khiến quá trình đàm phán COC “có nhiều điểm thú vị”. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cũng không thể tránh được những tranh cãi cũng như những ảnh hưởng nhất định từ Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng sẽ theo dõi sát sao bất cứ sự chuyển đổi cán cân quyền lực nào ở khu vực Châu Á. Bài viết đánh giá, trong bối cảnh này, Philippines sẽ phải giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan nhằm cân bằng lợi ích của nhóm với lợi ích quốc gia của các nước thành viên, song song với việc đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy ngày một mạnh mẽ.

Ý kiến chuyên gia: Lập trường “hiếu chiến” của Trung Quốc sẽ được quyết định bởi hành động của tân Tổng thống Mỹ ở Châu Á

Ngày 10/1, tạp chí The Straits Times đưa tin:

Ngày 9/1, tại Diễn đàn Triển vọng Khu vực do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof (ISEAS) tổ chức, Tiến sỹ Malcolm Cook, chuyên gia an ninh khu vực khẳng định, 2017 sẽ chứng kiến nhiều căng thẳng hơn giữa các quốc gia đang trỗi dậy ở Đông Nam Á và các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc.

Ba nguyên nhân chính sẽ gây leo thang căng thẳng khu vực, đó là: (i) lập trường “hiếu chiến và quyết đoán” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, (ii) quan điểm khác nhau giữa các nước thành viên ASEAN về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và (iii) sự lo ngại của các quốc gia trong khu vực về hành động sắp tới của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đối với Trung Quốc và các quốc gia Châu Á.

TS Cook chỉ ra rằng, theo truyền thống, các nước Đông Nam Á trước đây luôn “giữ khoảng cách” với các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản để tránh việc “các nước lớn đưa ra quyết định đối với khu vực”. Tuy nhiên, ông cho rằng “khó có khả năng làm như vậy với Trung Quốc” bởi từ năm 2008, nước này thường áp dụng “lối ngoại giao mềm mỏng”, thậm chí đôi khi còn “vừa đấm vừa xoa” nhằm nỗ lực thúc đẩy các yêu sách đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc được thể hiện ở việc nước này ngoan cố không chấp nhận Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 kết luận các yêu sách của nước này hoàn toàn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Điều này lại càng được khẳng định sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu lâu dài của Trung Quốc về việc “trở thành một siêu cường không có địch thủ” bằng cách sử dụng “củ cà rốt” là các sáng kiến do Trung Quốc đi đầu và “cây gậy” là sức ép đặt lên các nước Châu Á nhằm bắt các nước này “giữ im lặng” trong vấn đề Phán quyết.

RELATED ARTICLES

Tin mới