Tuesday, November 5, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDi tích phải... chống gậy

Di tích phải… chống gậy

Rất nhiều ngôi đình ở TP.HCM có tuổi đời trên 100 năm đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số di tích còn lâm vào cảnh phải “chống gậy” để tồn tại và có thể ngã đổ bất cứ lúc nào.

Hư đâu chống đó

Được xây dựng cách đây 176 năm với nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo, đình Xóm Huế (ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, H.Củ Chi, TP.HCM) là nơi sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ dân gian thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tìm đến. Tuy nhiên, do “tuổi thọ” quá cao, di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận vào năm 2006 này của TP.HCM vẫn đang từng ngày khẩn thiết “kêu cứu”.

Gần đây, các thành viên trong đoàn cán bộ của Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa thuộc Sở VH-TT TP.HCM đến đình Xóm Huế (đình Tân An Hội) đều cảm thấy tiếc và xót xa cho một công trình từng “vang bóng một thời”. Toàn bộ khu chánh điện, nơi thường xuyên tổ chức các nghi lễ, tập trung đông người, hệ thống cột bị mục, phải sử dụng hệ thống “gậy” bằng sắt và trụ chống đỡ tạm bợ bằng xi măng, rất thiếu an toàn. Các đầu kèo âm vào tường cũng bị mục ruỗng, chắp vá thủ công.

Ông Hoàng Song Lam, Trưởng ban Quản lý di tích, cho biết: “Một phần mái ngói của đình do trải qua mưa nắng, khí hậu ẩm ướt nên đã từng bị sập. Mấy cây cột trông bề ngoài còn vạm vỡ vậy chứ bên trong rỗng ruột hết, ngày nào mối mọt cũng chui vô ăn thì có gì mà chịu nổi”. Theo ông Huỳnh Văn Được, Trưởng ban Quý tế đình Xóm Huế: “4 cây trụ gỗ chính có tuổi thọ quá cao, rui mè cũng có từ ngày khởi công xây đình đến giờ đã mục hết cả rồi. Du khách đến tham quan đi lại mà tụi tui… lo sốt vó vì sợ xảy ra sự cố gì thì chết, nhưng vì không có kinh phí sửa chữa nên hư đâu chống đó thôi chứ biết làm sao”.

Hiện tường gạch của đình Xóm Huế nhiều đoạn bị ngấm nước loang lổ, các vết nứt chạy thành từng vệt dài, ăn sâu trong tường. Một số hiện vật quý như bài vị thờ thần, bức hoành phi cổ xưa của từ điện bị bỏ lăn lóc mà không có chỗ bảo quản tươm tất. Nhiều câu đối khắc trên gỗ có từ cuối thế kỷ 19 bị bỏ trong nhà kho bụi bặm, ẩm thấp. Một cán bộ Phòng VH-TT H.Củ Chi bức xúc: “Mỗi lúc gặp trời mưa, nước dột từ các mái ngói, còn máng xối phải chắp vá nên nước chảy lênh láng nhìn thấy đau lắm mà chẳng biết làm gì, trong khi đây lại là di tích kiến trúc nghệ thuật”. Còn PGS khảo cổ học Lê Xuân Diệm lấy tay lau chùi, nâng niu từng hiện vật của đình Xóm Huế, tiếc nuối: “Bức hoành phi có từ năm 1907, bàn thờ thần năm 1900, bài vị thờ thần năm 1886… là những hiện vật hết sức có giá trị, di sản cần phải lưu giữ cho muôn đời sau…”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, UBND H.Củ Chi cũng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP.HCM xin kinh phí trùng tu, tôn tạo đình Xóm Huế nhưng vẫn chưa được cấp.

Di tích phải... chống gậy 1

Gậy sắt được chống tạm cho đình Xóm Huế khỏi đổ ngã

Kinh phí eo hẹp, nhiều đình kêu cứu

Không chỉ đình Xóm Huế, hiện các di tích khác ở TP.HCM như đình Vĩnh Hội (Q.4), đình Chí Hòa (Q.10), đình Hưng Phú (Q.8), đình Tân Kiểng (Q.5), đình Linh Đông, đình Trường Thọ (Q.Thủ Đức)… cũng lâm vào hoàn cảnh xuống cấp tương tự. Đình Tân Túc, đình Phú Lạc (H.Bình Chánh) do khu vực bị ngập nước nên tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Đình Cầu Sơn (Q.Bình Thạnh) đang trùng tu giữa chừng thì hết tiền phải ngưng lại. Đình Thông Tây Hội (Q.Gò Vấp), đình Hanh Phú (Q.12) sắp sập nhưng mới chỉ lập báo cáo khả thi, trong khi nguồn ngân sách của nhà nước cấp cho việc tôn tạo, phục dựng đình rất nan giải, còn địa phương lại không có kinh phí để bỏ ra trùng tu.

Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, nhận định: “Nhiều đình ở TP.HCM xây dựng cách đây trên 100 năm và nằm ở vùng trũng thấp nên lâm vào tình trạng hư hỏng nặng. Các kết cấu của đình đều bằng gỗ nên bị mối mọt, mục ruỗng, mái ngói xưa lâu ngày ngấm nước nặng nề… dễ sập đổ”. Tuy nhiên, nếu đình muốn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách để trùng tu thì phải làm thủ tục trình HĐND TP.HCM chấp thuận, mà kinh phí cấp cho lĩnh vực này lại quá hạn hẹp. Do đó TP vẫn luôn khuyến khích các địa phương vận động xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, khi nào vận động không được thì mới làm văn bản gửi UBND TP.HCM xem xét từng trường hợp. “Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa không hề đơn giản do cư dân thay đổi liên tục, dân tứ xứ tới lập nghiệp ít quan tâm đến văn hóa đình làng xưa, mà dân có đóng góp thì cũng như “muối bỏ biển” vì việc phục dựng đình tốn kém toàn tiền tỉ. Nhìn các ngôi đình có tuổi thọ cao ngày càng xuống cấp nhanh mà nóng ruột quá”, ông Quân nói.

TS Phạm Hữu Công, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nói khi đến thăm đình Xóm Huế, nhìn nhiều hiện vật quý có từ cuối thế kỷ 19 ông thực sự kinh ngạc. “Tôi biết mặc dù trong khả năng kinh phí hạn hẹp nhưng ban quý tế các đình ở TP.HCM vẫn đang phải “thắt lưng buộc bụng”, tìm đủ mọi cách gìn giữ các hiện vật và tu bổ là điều rất đáng trân trọng. Nhưng nhà nước cũng nên có nguồn kinh phí đầu tư để những di tích bị hư hỏng nặng sớm được nhanh chóng trùng tu, phục dựng lại một số hạng mục quan trọng. Dù muộn còn hơn không, nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ nguy hiểm tính mạng người dân và du khách đến sinh hoạt, tham quan, chưa kể còn xảy ra tình trạng mất cắp những hiện vật quý, độc bản hoặc để hư hỏng”, TS Công kiến nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới