Tokyo mang đến Manila một gói viện trợ và đầu tư hậu hĩnh là nhằm không để ông Rodrigo Duterte “đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh”.
AP ngày 13/1 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản đã kết thúc chuyến thăm Philippines 2 ngày vào hôm nay, sau khi mang đến cam kết viện trợ và đầu tư 8,7 tỉ USD cho quốc gia này.
Ông rời Davao, thành phố quê hương Tổng thống Rodrigo Duterte để lên đường đi Australia. Hai nhà lãnh đạo ăn sáng cùng nhau tại nhà của ông Duterte, một nỗ lực rõ ràng để tăng cường quan hệ cá nhân.
Hôm thứ Năm 12/1, sau đàm phán ở Manila, ông Shinzo Abe hoan nghênh những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Philippines trong việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, trong khi Manila thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Tuy nhiên Thủ tướng Nhật Bản lưu ý, vấn đề Biển Đông có quan hệ trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, là một mối quan tâm của toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Còn theo Nikkei Asian Review ngày 13/1, Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Philippines bằng cách cung cấp tàu tuần tra, đào tạo lực lượng tuần duyên giúp quốc gia này.
Hai ông không thảo luận gì về Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, mặc dù chính sách của ông ấy có thể ảnh hưởng đến Biển Đông.
Thủ tướng Nhật cũng hứa sẽ giúp Philippines xây dựng các cơ sở cai nghiện, hỗ trợ chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Mindanao, quê nhà ông Duterte.
Trong hội đàm, ông Shinzo Abe nhắc đến Phán quyết Trọng tài:
“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và một giải pháp hòa bình cho các xung đột được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan trong năm nay”.
Tuy nhiên ông Duterte chỉ nói mình ủng hộ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không nhắc gì đến Biển Đông.
Nikkei Asian Review nhận định, Tokyo mang đến Manila một gói viện trợ và đầu tư hậu hĩnh là nhằm không để ông Rodrigo Duterte “đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh”.
Như vậy nếu nói theo Nikkei Asian Review, thì rõ ràng ông Rodrigo Duterte đang tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình thông qua chính sách đối ngoại “không giống ai” của ông.
Nếu không tìm cách đối thoại với Trung Quốc, ông không thể có được các cam kết viện trợ và đầu tư từ Bắc Kinh, giữ được hòa bình, ổn định ở Biển Đông và “nguyên trạng Scarborough” để sau này tính tiếp.
Nếu không tìm cách kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán thay vì đối đầu, thậm chí phải dùng đến những phát ngôn gây chú ý và tranh cãi, liệu Nhật Bản có phải bỏ ra 8,7 tỉ USD viện trợ và đầu tư để ông Rodrigo Duterte “khỏi đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh”?