Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐích thân giữ vai trò "trưởng ban đàm phán", Trump có mục...

Đích thân giữ vai trò “trưởng ban đàm phán”, Trump có mục đích sâu xa gì?

Trong vai trò mới, rất có thể Trump sẽ vận dụng những kỹ năng đàm phán kinh doanh đã giúp ông xây dựng cơ đồ vào thương thuyết chính sách thương mại, tạo tình thế có lợi cho Mỹ.

Ảnh: Getty

Theo The Hill (Mỹ), có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đích thân lãnh đạo việc thương thuyết trong các chính sách thương mại.

Khi còn tranh cử Tổng thống, Trump đã lấy sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng đàm phán của mình để cam kết với cử tri Mỹ rằng sẽ mang việc làm quay lại cho người dân trong nước. Cho đến hiện tại, các động thái bổ nhiệm nhân sự của Trump cho thấy ông sẽ thực hiện lời cam kết này.

Ngay từ khi chưa chính thức nhậm chức, Trump đã tiến hành nâng cao số lượng quan chức Nhà Trắng phụ trách chính sách thương mại. Tổng thống đắc cử còn thành lập Hội đồng Thương mại Quốc gia tại Nhà Trắng để chịu trách nhiệm về các vấn đề thương mại, nâng tầm quan trọng của lĩnh vực này.

Không chỉ vậy, Trump còn bổ nhiệm hàng loạt nhân vật thân tín nắm giữ các vị trí quan trọng liên quan đến đàm phán thương mại, và giao cho họ quyền quyết định lớn hơn những người tiền nhiệm thuộc chính quyền Obama.

Nhưng sau tất cả, chính Trump mới đóng vai trò là quân át chủ bài về thương thuyết.

Michael D’Antonio, tác giả cuốn “Never Enough” (tạm dịch: “Không bao giờ là đủ”) viết năm 2015 về công cuộc theo đuổi thành công của Trump, nhận xét vị Tổng thống đắc cử “thích được là gương mặt đại diện ở vị trí trung tâm”. Ông dự đoán sở thích này sẽ theo Trump vào Nhà Trắng.

“Trump có khả năng đánh giá một người phía bên kia bàn đàm phán, và ông sở hữu sự tự tin vô hạn để giành chiến thắng dựa trên cân nhắc của bản thân,” D’Antonio cho hay.

Theo The Hill, Trump nổi tiếng là người thích nói thẳng những gì ông muốn khi đàm phán, và chi phối những nhân vật chủ chốt khiến họ chống lại nhau nhằm mục đích chiếm thế thượng phong.

Một nguồn tin doanh nghiệp cho biết, thái độ sẵn sàng bỏ ngỏ cuộc thương thảo cho đến khi đạt được điều mình muốn của Trump “rất có thể sẽ thay đổi toàn bộ cơ chế đàm phán thương mại theo cách vô cùng có lợi cho Mỹ.”

Suốt cuộc vận động tranh cử, Trump trút lời chê bai lên chính quyền Obama và các quan chức được bầu cử nói chung, rằng họ chỉ đàm phán được những “thương vụ xấu” gây tổn hại đến đất nước.

Simon Lester, chuyên gia phân tích chính sách thương mại thuộc Viện Nghiên cứu CATO, cho rằng “có thể bằng cách tỏ thái độ cứng rắn, Trump sẽ thu được những kết quả mà người khác không thể.”

Trong khi đó, Caroline Freund, một nghiên cứu sinh thuộc Viện Pearson, nhận định rằng “phong cách thương thuyết của Trump sẽ có hiệu quả trong một trường hợp”.

“Bằng việc đe dọa phá tan cả hệ thống thương mại – nhưng không thực sự làm vậy – ông ấy có khả năng khiến các đối tác đàm phán như Trung Quốc hay Mexico phải đồng ý thỏa hiệp ở mức độ có lợi hơn cho Mỹ. Lời hăm dọa đó phải có cơ sở thì điều này mới khả thi, và chính sự khó đoán ở Trump là chìa khóa,” Freund cho biết.

Tuy nhiên, Freund cũng cảnh báo rằng, nếu Trump muốn chiến thuật này phát huy tác dụng thì “những điều khoản ông đặt ra cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu.”

“Không may là các cuộc đối thoại hiện nay đều không rõ ràng, và việc tập trung vào mức thâm hụt thương mại song phương là chưa đúng.”

RELATED ARTICLES

Tin mới