Lo ngại của Ấn Độ không chỉ về an ninh Biển Đông, mà còn là xu hướng Bắc Kinh đang “luồn một chuỗi ngọc trai” bao lấy Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: businesstoday.in
Reuters ngày 18/1 đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu hôm thứ Ba rằng, sự gia tăng tham vọng quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương đang tạo ra rủi ro an ninh.
Ông Narendra Modi gửi đi một “thông điệp được mã hóa” đến tân chủ nhân Nhà Trắng: cần một chiến lược kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Mặc dù diễn đạt bằng ngôn ngữ ngoại giao và không đề cập đích danh Trung Quốc, nhận xét của Thủ tướng Ân Độ về chính sách đối ngoại lộ rõ kỳ vọng của ông đối với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump có thể kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực.
“Gia tăng tham vọng và chạy đua quân sự nói chung là những điểm căng thẳng có thể nhìn thấy. Sự gia tăng đều đặn sức mạnh quân sự, nguồn lực và sự giàu có trong khu vực Thái Bình Dương làm tăng các rủi ro an ninh”, ông Modi phát biểu tại Đối thoại Raisina do Bộ Ngoại giao Ấn Độ à Quỹ Nghiên cứu Observer tổ chức.
Reuters lưu ý, ông Narendra Modi được bầu làm Thủ tướng Ấn Độ năm 2014 trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi một cấu trúc an ninh dựa trên luật lệ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ấn Độ mong muốn cấu trúc này cởi mở, minh bạch, cân bằng và toàn diện, thúc đẩy đối thoại và đảm bảo các hành vi tôn trọng chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Hãng thông tấn Anh bình luận, điều đó phản ánh lo ngại của Ấn Độ không chỉ về an ninh Biển Đông, mà còn là xu hướng Bắc Kinh đang “luồn một chuỗi ngọc trai” bao lấy Ấn Độ Dương, thông qua hoạt động xây dựng các cảng chiến lược ở Sri Lanka, Pakistan và Djibouti trên bờ biển phía Đông châu Phi.
Còn theo tường thuật của Bloomberg ngày 18/1, Thủ tướng Narendra Modi cảnh báo cả Pakistan lẫn Trung Quốc: cần phải ngừng “hỗ trợ khủng bố” và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ.
Ông Modi tuyên bố, Ấn Độ sẽ không đàm phán với Pakistan đến khi nào nước láng giềng này ngừng “hỗ trợ khủng bố”.
Thủ tướng Ấn Độ cũng có những nhận xét ám chỉ hành lang kinh tế Pakistan – Trung Quốc mà Bắc Kinh đầu tư 46 tỉ USD đi qua khu vực tranh chấp Kashmir làm suy yếu chủ quyền của Ấn Độ.
Những nhận xét này được đưa ra sau các nỗ lực ngoại giao thất bại của ông Modi nhằm làm dịu quan hệ với cả Islamabad và Bắc Kinh trong suốt hai năm rưỡi, đúng thời điểm quan hệ Trung – Ấn đang ở mức thấp mới.