Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyện "con ông cháu cha": lời kể của "người trong cuộc"

Chuyện “con ông cháu cha”: lời kể của “người trong cuộc”

Năm 2016, báo chí dồn sự chú ý vào Bộ Công thương, khi mà vụ án Trịnh Xuân Thanh và chuyện bổ nhiệm con trai của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Đó là lý do trong bài này, phóng viên đã thực hiện cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và cũng là con trai của Đại tướng – nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về đề tài “con ông cháu cha” mà chính ông cũng là người trong cuộc theo một cách nào đó. Đây là cuộc trò chuyện thẳng thắn hiếm có từ một quan chức cấp cao dành cho báo chí…

Tôi có lúc “đơn độc” trong đấu tranh…

– PV: Tôi đã đọc thêm về tiểu sử của anh trên Wikipedia trong lúc ngồi chờ anh đến. Wikipedia viết thế này: Đến năm 1997, khi anh 40 tuổi, anh mới chỉ là chuyên viên trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mà năm 1997, ba anh – Chủ tịch nước Lê Đức Anh mới nghỉ hưu. Thật bất ngờ và thật thú vị…

– Ông Lê Mạnh Hà: Thật ra Wikipedia có tí nhầm lẫn. Năm 1992, tôi đã là thiếu tá quân đội và ra quân, về giảng dạy ở Trường Hàng không Việt Nam. Năm 1996, tôi sang làm chuyên viên ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2001 tôi về TP HCM làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đó mới chính thức “làm quan”.

– Tôi nghe nhiều lời đồn, là lúc còn nắm quyền, và kể cả sau khi nghỉ hưu, trở thành cố vấn của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã giúp đỡ, cất nhắc cho rất nhiều người lên những vị trí cao trong bộ máy. Nếu lời đồn đó đúng, tại sao con trai của ông đến lúc ngoài 40 tuổi, có bằng tiến sỹ viễn thông, vẫn chỉ là một chuyên viên bình thường cấp Bộ?

– Tôi không dám tham dự vào công việc của ba mình và cũng không có thông tin chính thức nên không nhận xét về công tác cán bộ mà ông tham gia. Với cá nhân tôi, tôi tin chắc chẳng có sự nâng đỡ nào dành cho tôi từ phía ông. Như việc tôi được đi học, ví dụ như đi đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài cũng có thể là chính sách ưu tiên cho con cán bộ lãnh đạo cao cấp. Cũng trong hoàn cảnh đó có thể người khác không được chọn, nhưng chúng tôi, những “con ông cháu cha”, thì được, đó cũng có thể tính là ưu ái.

– Ba anh có bao giờ đề nghị nâng đỡ anh trong sự nghiệp, và ngược lại, anh có bao giờ mở lời nhờ ông nâng đỡ mình?

– Chưa từng có!

– Vì sao?

– Không cầu danh, không cầu lợi. Đó là điểm tôi cho rằng ba con tôi rất giống nhau. Quan trọng là phải làm thật tốt, làm tốt nhất trên từng vị trí công tác. Khi làm tốt sẽ được nhìn nhận, được đặt ở vị trí cao hơn một cách thuyết phục và công bằng. Đối với mọi người trong gia đình tôi, chuyện lên đến chức này, chức kia không quan trọng.

– Thực lòng là không quan trọng sao? Tôi không tin một người đàn ông mà lại không có tham vọng quyền lực.

– Cô có thích đàn ông có quyền lực không?

– Dĩ nhiên là có!

– Dĩ nhiên tôi cũng thích quyền lực. Đó là lẽ đương nhiên, đó là bản năng tự nhiên của con người. Đến một con vật cũng luôn mong muốn trở thành con đầu đàn nữa là…

– Thế thì thật mâu thuẫn khi anh không tận dụng lợi thế từ gia đình và người cha quyền lực của mình…

– Mâu thuẫn gì đâu? Tôi chỉ đơn giản là muốn thành công bằng chính năng lực của mình. Trong tự nhiên, con sư tử luôn phải giành lấy vị trí đầu đàn bằng chính sức mạnh của mình. Thêm nữa, tôi không thể dùng thủ đoạn, thứ mà người ta dùng ngày càng nhiều hơn để đạt được vị trí nào đó. Hơn nữa, tôi cũng có định nghĩa khác về quyền lực. Mình thực sự có quyền lực khi là người làm tốt nhất, người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.

– Có nhiều người bất ngờ không khi biết anh không có nhiều quyền chức so với vị trí mà đáng lẽ anh có được khi là con trai Chủ tịch nước?

– Rất nhiều người ngạc nhiên. Cũng có rất nhiều nhà báo đã hỏi tôi như chị khi mà họ so sánh tôi với một số con cháu lãnh đạo.

– Dân gian mình có cụm từ 4C (con cháu các cụ), và càng ngày tôi càng nhận ra rằng người ta nói về cụm từ đó với nhiều định kiến và ác cảm hơn trước. Anh có bao giờ phải chịu những ánh nhìn ác cảm đó?

– Tôi đã quen với việc đó từ bé đến giờ. Không đâu xa, mới đây tôi nghe một đồng nghiệp của chị nói: “Tại ông Hà là con của ông Lê Đức Anh nên mới dám phát ngôn như thế”.

– Và…?

– Tôi rất giận và nói: “Tôi là tôi, là Lê Mạnh Hà, tôi nói và làm với tư cách của riêng mình. Tôi không sợ không phải vì là con ông nào”.

– Một người rất rõ về anh đã nhận xét về anh như thế này: “Lê Mạnh Hà là người không bao giờ biết sợ ai”…

– Nhiều người luôn nghĩ rằng, tôi không sợ ai, vì tôi cậy mình là con ông Lê Đức Anh. Chứ nếu không có ông Lê Đức Anh ở sau lưng, họ nghĩ tôi đã không dám thế. Nhưng tôi nghĩ, mình làm sai thì mình mới phải sợ. Chứ mình đúng thì mình cứ ngẩng cao đầu thôi, sao phải sợ hãi ai? Tôi tin tự thân mình, tôi đủ bản lĩnh để không phải sợ ai.

– Đó là lý do anh nổi tiếng với những phát ngôn và hành động thẳng thắn, kiên quyết, nổi tiếng với việc chống lại một số quyết định của cấp trên?

– Ngày xưa, lúc còn là Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn thông (sau này là Sở Thông tin và Truyền thông) ở TP HCM, tôi là người đầu tiên lên tiếng và cũng là người phản đối quyết liệt cách thực hiện đề án tin học hóa cơ quan hành chính nhà nước (đề án112), đề án do Văn phòng Chính phủ, nơi tôi làm việc bây giờ, chủ trì triển khai. Tôi phản đối vì thấy nó sai, dựa theo khả năng phân tích, đánh giá của mình, nhưng có những người nghĩ tôi dám lên tiếng chỉ vì tôi là hậu duệ của ai đó.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Mạnh Hà từng làm cho Bộ nhức đầu một thời gian dài. Tôi đã phát hiện và yêu cầu xử phạt đối vài Đài VTC của Bộ khi Đài này phát trên 30 kênh truyền hình không có giấy phép, cấm phát hành trên địa bàn thành phố một trò chơi trực tuyến bạo lực của một doanh nghiệp của Bộ. Chúng tôi từng xử phạt những tờ báo Trung ương vì đưa tin vi phạm luật báo chí. Sau này, quy định thay đổi, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh không còn được phạt các báo Trung ương nữa.

Nhưng tôi nghĩ thế này: Xe của Trung ương đi ở địa phương mà sai luật, công an địa phương không phạt thì ai phạt? Chúng tôi là đơn vị đầu tiên và rất kiên quyết phạt thẳng tay những trường hợp báo chí in bản đồ Việt Nam không có Trường Sa, Hoàng Sa. Lúc đó nhiều cơ quan báo chí phản đối ghê lắm và bộ cũng chưa đồng thuận cao. Nhờ mạnh tay như vậy mà giờ đây việc in bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa là việc đương nhiên, hầu như không đơn vị nào vi phạm.

Khi tôi còn là Phó chủ tịch TP HCM, vào năm 2013, tôi phát hiện ra chuyện lãnh đạo ở 4 doanh nghiệp công ích của thành phố nhận lương rất cao, có giám đốc nhận mức lương 2,6 tỷ đồng một năm – một mức lương vô cùng phi lý, báo chí gọi là vụ lương khủng. Những doanh nghiệp này còn tạo ra chênh lệch bất bình đẳng trong thu nhập của doanh nghiệp và còn ký hợp đồng lao động sai quy định. Khi tôi phát hiện ra, tôi đã đề nghị ngay lập tức xử lý sai phạm này.

Với sai phạm rõ ràng và dưới áp lực của dư luận, 8 lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích này đã bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, trong quá trình này đã có những cuộc họp rất căng thẳng của lãnh đạo thành phố. Tôi đã phải tự mình soạn thảo các báo cáo phục vụ cho các cuộc họp này. Lần này, tuy rằng không hẳn là đơn độc nhưng tôi ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Có người nói, nếu là người khác thì “xong” rồi.

Vụ việc rất lớn, được dư luận quan tâm và hoan nghênh nhưng không có ai được khen thưởng. Và một thời gian sau, vì lý do này lý do khác, những người cùng tôi trực tiếp làm vụ này đều chuyển công tác.

Còn có trường hợp, tất cả lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố đứng một bên, tôi đứng một bên. Đó là việc xử lý rác thải ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không đồng ý đóng cửa khu xử lý rác do doanh nghiệp nhà nước đầu tư để dồn rác về cho bãi rác Đa Phước. Làm như vậy là tạo độc quyền trong xử lý rác, gây lãng phí khi đóng cửa khu xử lý rác mới đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và phải trả tiền xử lý rác cao hơn. Giờ thì chị thấy đó, bãi rác Đa Phước đang trở thành nỗi đau đầu vô cùng lớn của thành phố.

– Thế đấy có phải lý do anh rời TP HCM ra Hà Nội nhận công tác mới ở Văn phòng Chính phủ?

– Hoàn toàn không. Tôi ra Hà Nội là do được phân công và cũng là nguyện vọng cá nhân…

– Dù có lúc không đồng thuận với những lãnh đạo cấp trên, anh có nghĩ việc mình là con trai của Đại tướng Lê Đức Anh đã giúp anh được yên vị?

– Chắc là chuyện tôi là con ai cũng là một yếu tố mà không thể không tính đến. Việc đó rất bình thường và cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng quan trọng nhất là tôi không làm sai thì không có lý do gì để “luân chuyển”. Thực sự tôi cho rằng chưa hề có ý định nào như vậy.

– Có trình độ, có bằng cấp và một gia thế đáng nể. Hình như tính cách là lý do duy nhất khiến đường quan lộ của anh vô cùng chậm chạp?

– Tôi không cho là chậm. Nhưng nhiều người nghĩ như chị là rất chậm. Nếu có như vậy thì tính cách của tôi là một phần của lý do. Và tôi nghĩ, “con ông cháu cha” là lợi thế nhưng đôi khi chính yếu tố này cũng là cản trở với tôi. Nếu có nhóm lợi ích thì với tính cách đó, tôi sẽ là chướng ngại vật đối với họ. Mà xử lý tôi thì rất khó. Nên tốt nhất là không cất nhắc.

– Thế còn bây giờ, khi anh ra Hà Nội, gần Trung ương hơn, có nhiều việc khiến anh phải đấu tranh như thời làm Phó Chủ tịch TP HCM?

– Khi thấy đúng, tôi vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình và rất nhiều trường hợp được cấp trên chấp thuận.

– Nghĩa là kể cả khi gần “mặt trời” hơn, anh vẫn giữ tính cách “không sợ ai” của mình?

– Đúng, tôi vẫn thế! Thế nhưng dùng từ “không sợ ai” có tác động mạnh nhưng không chuẩn và làm người ta khó chịu.

– Vậy anh có còn rơi vào tình trạng “một mình một phe” ở Văn phòng Chính phủ giống như hồi còn làm ở TP HCM không?

– Từ trước đến nay, thông thường thì tôi có đồng minh là cấp dưới nhiều hơn là cấp trên (cười).

– Với tính cách như thế, anh có trở nên giàu có nhờ làm quan chức?

– Tôi nghĩ mình không nghèo!

– “Không nghèo” theo định nghĩa của anh là…

– Một phần là do gia đình tôi tạo lập, tích lũy, và một phần khác là từ… phong bì, phong bì một cách “chính đáng” nhé! Tôi chưa thấy ai nói về thu nhập của mình từ phong bì, thế nhưng đó là thực tế. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì ít phong bì lắm. Nhưng ra ngoài này thì khác, tôi đi họp ở nơi này nơi kia, người ta đưa phong bì, tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ. Xấu hổ nhưng rất khó từ chối, vì ở Việt Nam, đó là một thứ “văn hoá”, đã là thứ không thể thiếu trong hoạt động thường ngày.

Khi bộ trưởng và bí thư là “vua” một cõi…

– Năm 2016 là một năm mà báo chí ngập tràn thông tin về câu chuyện “gia đình trị” trong hệ thống chính quyền. Từ trường hợp Vũ Quang Hải – con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm “bất thường”, đến chuyện cả nhà Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan. Chưa bao giờ, cụm từ “con cháu các cụ” được dư luận nhắc đến với nhiều phẫn nộ như thế, chưa bao giờ người ta nhìn những quan chức xuất thân từ những gia đình danh giá với nhiều ác cảm như thế…

– Tôi hiểu lý do vì sao họ phẫn nộ. Và thực ra, chính bản thân tôi, dù ở vai trò là cán bộ nhà nước hay người dân, mỗi ngày khi đọc những thông tin do báo chí cung cấp về một trường hợp nào đó được cất nhắc bất thường, tôi cũng thấy băn khoăn, bức xúc. Tôi nghĩ những bức xúc, phẫn nộ đó là điều chúng ta có thể hiểu được.

Dĩ nhiên, chẳng phải đến năm 2016, thì chuyện gia đình trị, chuyện con ông cháu cha mới trở nên nhức nhối. Khi tôi làm việc ở TP HCM, tôi cũng đã chứng kiến có trường hợp mà con của vị lãnh đạo này, vị lãnh đạo kia được bổ nhiệm rất nhanh, nếu không muốn nói là bất thường. Không chỉ ở Hà Giang, không chỉ ở TP HCM, mà ở tỉnh nào, địa phương nào cũng xảy ra chuyện đó. Và ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết, ai cũng hiểu, chỉ không dám nói ra.

– Thật ra, chuyện một gia đình có ông, có cha, con cháu đều có quyền lực chính trị không phải chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Ở Mỹ, gia đình hai cha con nhà Bush đều làm Tổng thống. Ở Ấn Độ có dòng họ Nerhu – Gandhi, ở Hàn Quốc có cha con Tổng thống Park Chung Hee – Park Guen Hee… Nhưng không phải ở đất nước nào trong những quốc gia đó, chuyện một người có xuất thân 4C cũng gây ra sự phẫn nộ như ở đất nước ta. Anh có hiểu tại sao?

– Khi mà hệ thống chính trị và hệ thống bầu cử của một quốc gia đảm bảo cho việc lựa chọn những vị trí quan trọng trong chính quyền được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, đề cao năng lực và đạo đức, thì việc một người có xuất thân trong gia đình có truyền thống làm chính trị trở thành tổng thống hay thủ tướng là rất bình thường. Chuyện của họ sẽ được lịch sử ghi nhận, báo chí khai thác với góc độ truyền thống gia đình chứ không thể biến thành nỗi nghi ngờ hay cơn phẫn nộ của nhân dân.

– Vừa rồi, khi theo dõi báo chí, tôi biết, ở bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã bị cản trở trong việc bổ nhiệm con mình vào bộ máy của ông ta, vì một điều luật Liên bang được quy định rất chặt chẽ, nhằm tránh nạn “gia đình trị”. Anh có nghĩ Việt Nam mình có thể học theo cách làm đó, ra một điều luật, để ngăn cản các quan chức đương quyền bổ nhiệm người thân như tình trạng diễn ra từ Trung ương đến địa phương hiện nay?

– Thật ra chúng ta có cấm đấy nhưng chưa chi tiết, chưa cụ thể và thiếu gì cách để lách. Bí thư của một tỉnh là người cao nhất của tỉnh đó nhưng có phải là người trực tiếp bổ nhiệm con mình đâu nếu như người con đó làm lãnh đạo một sở thuộc ủy ban nhân dân tỉnh.

– Như anh, khi anh nhìn con của ông bộ trưởng này, con của ông bí thư kia, trẻ như thế, tài cán cũng chưa phải là đặc biệt, nhưng đã được cất nhắc ở vị trí này, vị trí kia. Anh cũng là con ông cháu cha, anh cũng có trình độ, có bằng cấp, nhưng 40 tuổi vẫn là chuyên viên, gần 50 tuổi mới là giám đốc sở, vậy anh có thấy bất công cho bản thân mình?

– Thực lòng, tôi không ganh tị cho bản thân mình. Vì tôi biết có nhiều người còn hơn tôi, nhưng họ vẫn chỉ là kỹ sư, là giáo viên bình thường. Thế nhưng người dân rất cần biết những cán bộ trẻ đó có thực sự xứng đáng không, có đúng là hạt giống đỏ không…

– Anh là con trai Đại tướng Lê Đức Anh, đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một người là Bí thư tỉnh Kiên Giang, một người là Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương đương nhiệm là con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Đà Nẵng là con trai của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi; con trai của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải thì đã trở thành tâm điểm của dư luận năm vừa rồi… Có rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam có xuất thân từ những gia đình có truyền thống chính trị mà tôi không thể kể hết ra đây. Và anh nghĩ ai trong số họ, đi lên bằng năng lực của mình, ai trong số họ, đi lên bằng con đường không chính danh, bằng sự nâng đỡ của gia đình?

– Tôi nghĩ chúng ta nên có và phải có một danh sách đầy đủ, từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện những cán bộ có xuất thân như thế, những cán bộ được gọi là con ông cháu cha. Và không ai khác, chính báo chí phải làm nhiệm vụ đó hiệu quả nhất. Khi có một danh sách đầy đủ, chi tiết, chúng ta mới có thể cùng nhau kiểm tra, cùng nhau công tâm đánh giá ai là người xứng đáng với vị trí họ đảm nhiệm, ai là người không.

– Nếu ngày danh sách đó được báo chí công bố, liệu anh có thể cùng tôi một lần nữa trò chuyện kỹ hơn về câu chuyện này?

– Tôi cho rằng phải có danh sách đó, không có chữ “nếu” ở đây. Tôi rất vui lòng được tiếp tục trao đổi về vấn đề ngày một cách thẳng thắn và sẽ không né tránh bất cứ câu hỏi nào của chị!

– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắng này!

RELATED ARTICLES

Tin mới