Friday, November 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDonald Trump – Mối đe dọa lớn nhất với cơ quan tình...

Donald Trump – Mối đe dọa lớn nhất với cơ quan tình báo Mỹ

Mối đe dọa lớn nhất đối với các cơ quan tình báo Mỹ hiện giờ chính là vị Tổng thống đắc cử Donald Trump, người liên tiếp có những lời lẽ chỉ trích và thậm chí, so sánh phương thức làm việc của họ với Đức quốc xã.

Hôm 15/1, Reuters đưa tin Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc so sánh cơ quan tình báo Mỹ với Đức quốc xã. Ông Brennan còn hối thúc ông Trump “giữ lời ăn tiếng nói” đặc biệt là những chia sẻ trên Twitter để tránh làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. 

Phản ứng trước lời bình luận của ông Brennan, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng những thông tin tình báo liên quan tới các vấn đề an ninh chủ chốt của đất nước mà CIA cung cấp có độ tin cậy thấp. Ông Trump còn gọi Giám đốc CIA là “người rò rỉ thông tin bịa đặt”.

Đây được xem là cuộc khẩu chiến mới nhất trong chuỗi xung đột ngày càng gay gắt giữa ông Trump với các cơ quan tình báo Mỹ. Trong hai tuần qua, ông Trump còn cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ làm rò rỉ một hồ sơ chưa được xác minh liên quan tới mối quan hệ giữa ông với nước Nga. Cụ thể, nội dung của hồ sơ này cho rằng Nga đang nắm trong tay những tài liệu về thông tin tài chính và cá nhân, có thể gây bất lợi cho ông Trump. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã cung cấp cho ông Trump những báo cáo mật về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Tuy nhiên, ông Trump cho rằng đây chỉ là những thông tin bịa đặt và giả dối nhằm gây tổn hại thanh danh của ông. Và lời chỉ trích nhắm vào ông Brennan là lần đầu tiên Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ đích danh một thành viên cụ thể trong cộng đồng tình báo Mỹ. 

Phản ứng trước những lời chỉ trích của vị Tổng thống đắc cử, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh những cáo buộc thành kiến của ông Trump là “hết sức sai lầm”. Ông Earnest còn liên tục ca ngợi giới lãnh đạo thuộc những tổ chức tình báo như CIA, đồng thời mô tả họ là những vị anh hùng đã dành nhiều thập kỷ phục vụ nước Mỹ trong quân đội và trong bóng tối.

Song việc những thông tin liên quan tới hồ sơ của ông Trump bị tiết lộ cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn bên cạnh áp lực từ Tổng thống đắc cử Donald Trump. 

Như lời cựu Giám đốc CIA Mike Morell từng cảnh báo tinh thần của các nhân viên tình báo sẽ bị lung lay nếu như Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tỏ ra không coi trọng công việc của họ. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ chủ động đầu tư vào cộng đồng tình báo hoặc để những thông tin của họ tác động tới hoạt động lãnh đạo của mình. Thậm chí, không ít nguồn tin cho rằng sau vụ việc đổ lỗi bất thành cho Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, chính quyền của ông Trump đang tìm cách giảm tầm ảnh hưởng của Giám đốc CIA, người vốn được coi là cố vấn đắc lực cho Tổng thống Mỹ trong nhiều vấn đề. 

Theo Guardian, ngay cả khi ông Trump không tiến hành tái cấu trúc các cơ quan tình báo thì một điều dường như chắc chắn, Tổng thống đắc cử cũng không có ý định sử dụng thông tin tình báo trong quá trình điều hành đất nước. Bởi như lời cảnh báo của ông Morell, sự tồn tại của vị Tổng tư lệnh nước Mỹ dường như không phản ánh giá trị của cơ quan tình báo. Trong khi đó, ông Trump từng tuyên bố rằng: “Tôi hiểu về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS còn rõ hơn cả các tướng lĩnh”.

Vào năm 1949, học giả người Mỹ nổi tiếng Sherman Kent từng đưa ra khái niệm “tình báo chiến lược”. Trọng tâm của khái niệm này là hoạt động tình báo đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính phủ bằng cách giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng “một bức tranh toàn cảnh” về thế giới. Từ đó, các chính trị gia Mỹ sẽ đưa ra những ra quyết định mang tính chiến lược. Khái niệm này đã trở thành xương sống cho mô hình tình báo phương Tây và được áp dụng rộng rãi tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia dân chủ khác. 

Điểm đáng nói dù mối quan hệ giữa thông tin tình báo và chính sách của nước Mỹ hiếm khi được phân định minh bạch song chưa có vị Tổng thống Mỹ đắc cử nào công khai chỉ trích các cơ quan chính phủ như ông Trump. Do đó, dù mô hình “tình báo chiến lược” đã tồn tại ở Mỹ trong gần 70 năm nhưng giờ nó đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ chính vị tân Tổng thống.

RELATED ARTICLES

Tin mới