Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội có nên phát triển xe buýt nhanh trong điều kiện...

Hà Nội có nên phát triển xe buýt nhanh trong điều kiện hạ tầng hiện nay?

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông và là nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải về xe buýt nhanh ở Hà Nội.

Ùn tắc tiếp tục phình ra

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, trong việc phát triển giao thông công cộng mà vừa qua Hà Nội chọn xe buýt nhanh BRT đã thể hiện ra khá nhiều bất cập, thậm chí còn gây ra cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn.

Theo ông Thủy, trong cuốn sách về giao thông đô thị mà ông viết xuất bản năm 2006 cũng đã nêu rõ về xe buýt nhanh muốn làm trong đô thị phải trên tuyến đường có từ 4 – 6 làn xe/ một chiều.

“Trong khi đó, ở Hà Nội các tuyến đường đang chạy tuyến xe buýt nhanh là Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ chỉ có từ 2 – 3 làn xe một chiều.

Khi đã dành một làn riêng cho xe buýt nhanh rồi thì các phương tiện khác phải nối đuôi nhau, chen lấn ở những làn chật hẹp còn lại.

Như thế, việc phát triển phương tiện xe buýt nhanh nhằm mục đích giảm ùn tắc không những không có hiệu quả mà còn khiến ùn tắc tiếp tục phình ra”, TS Thủy nói.

Chuyên gia: Hà Nội không nên phát triển xe buýt nhanh trong điều kiện hạ tầng hiện nay - Ảnh 1.

TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Infonet.

Ông Thủy cho hay, để xây dựng hệ thống phục vụ cho xe buýt nhanh gồm bến bãi, đường riêng, các nhà chờ… kinh phí mà Hà Nội bỏ ra lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng thực tế, hiệu quả không cao hơn xe buýt thường là mấy.

“Thêm vào đó, theo tính toán, nếu chạy trong điều kiện bình thường, không cần đầu tư nhiều tiền, một tuyến xe buýt thường có thể vận chuyển 5.000 – 7.000 hành khách/ngày còn xe buýt nhanh được đầu tư rất nhiều, có đường riêng nhưng vận chuyển được khoảng 10.000 hành khách/ngày.

Nếu tính toán trên con số đầu tư và những ưu ái cho xe buýt nhanh thì hiệu quả đạt được không cao.

Chưa kể, mặc dù chạy trên đường riêng nhưng tốc độ di chuyển và thời gian chạy một chuyến so với cự ly cũng không nhanh hơn xe buýt thường…”, TS Thủy nêu.

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông khẳng định: “Hà Nội không nên phát triển xe buýt nhanh trong điều kiện hạ tầng hiện nay. Còn sau này, khi thành phố phát triển về khu vực Hòa Lạc, có đường rộng rãi thì nên xây dựng hệ thống xe buýt nhanh”.

Trong thực tế, khi xe buýt nhanh đã hoạt động, TS Thủy cho rằng, để giải quyết hài hòa giữa làn đường dàn riêng cho phương tiện này và những làn xe còn lại cần phải tiếp tục đánh giá, có biện pháp hợp lý, không nên máy móc thực hiện vì có thể gây những áp lực lớn hơn cho giao thông.

Ông cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất của Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội với thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là cho thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT.

Bởi theo ông Thủy, nếu chúng ta làm dải phân cách cứng thì làn đường còn lại rất hẹp, rất khó cho quản lý và phân luồng giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân, đi sẽ va quệt và sẽ gây tai nạn nhiều.

Thêm vào đó, trước đây, thành phố đã từng lắp dải phân cách cứng ở một số tuyến đường nhưng sau đó phải gỡ bỏ.

“Tôi nghĩ lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm này. Sẽ có nhiều tai nạn xảy ra khi phần đường, áp lực giao thông còn quá lớn”, ông nói.

Hà Nội nên làm tàu điện ngầm!?

Trước câu hỏi, nếu không phát triển xe buýt nhanh thì Hà Nội nên chọn dạng phương tiện giao thông công cộng nào cho phù hợp, TS Thủy đã cho rằng, để chọn được một dạng phương tiện vận tải hành khách công cộng, thành phố thường phải dựa vào những điều kiện chủ yếu như: quy mô và tình hình cụ thể, khả năng đầu tư, đặc tính kinh tế – kỹ thuật của phương tiện.

Đồng thời cũng phải trả lời được câu hỏi, phương tiện ấy sử dụng có hợp lý về mặt nhiên liệu, năng lượng không và mối quan hệ của nó với các phương tiện khác ra sao?

Sau khi có nghiên cứu khoa học về lưu lượng di chuyển của hành khách trên toàn mạng lưới mới xác định được các loại hình phương tiện hợp lý trên cơ sở năng lực, hiệu suất vận chuyển, tính đến mức kinh tế và mức đầu tư.

“Đối với thành phố có dân số hơn 10 triệu như Hà Nội thì cần ưu tiên phát triển loại hình vận tải khối lượng lớn, có khả năng rút khách nhanh vào giờ cao điểm, đi an toàn như Metro và việc này cũng để tận dụng không gian dưới lòng đất còn vô cùng thoáng.

Cũng cần nói thêm nếu như xe buýt nhanh BRT mỗi ngày vận chuyển được khoảng 10.000 hành khách thì một giờ, tàu điện ngầm ở nước ngoài có thể phục vụ 60.000 hành khách.

Do vậy, nhiều nước như Nga, Nhật… dù tốn kém nhưng vẫn đã chi hàng trăm tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ USD để làm, bởi không làm thì đường phố sẽ tắc và nền kinh tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng, tắc theo.

Bài toán này thành phố cũng cần phải tính toán, xem xét kỹ với phương châm lấy phục vụ người dân làm trung tâm…”, ông Thủy nêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới