Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội NgôVăn Quý tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bànthành phố Hà Nội năm 2017, được tổ chức sáng 21-1.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: “Hà Nội chưa có chủ trương rung chuông đêm giao thừa”
Tại hội nghị, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết, bên cạnh phối hợp thực hiện các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND Thành phố tổ chức, trong năm 2016, Sở VH-TT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại một số lễ hội lớn trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô Hà Nội. Qua đó đã gửi công văn nhắc nhở, hướng dẫn các địa phương thức hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tại một số lễ hội như Chùa Hương, Đền Gióng, Đền Hai Bà Trưng…
Riêng đối với lễ hội chùa Hương, Sở VH-TT đã phối hợp cùng các ban ngành có liên quan kiểm tra thường xuyên, đột xuất, qua đó khắc phục một số hiện tượng như chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán hàng quán gây phản cảm, mất ANTT, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Về cơ bản, hiện tượng nói trên được khắc phục và lễ hội năm 2016 được đánh giá là diễn ra an toàn, trang nghiêm.
Về công tác chuẩn bị cho lễ hội Chùa Hương – một trong những lễ hội lớn nhất tại miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, BTC cũng bố trí 4 bãi giữ xe có niêm yết giá dịch vụ phục vụ cho người dân đi trẩy hội, đồng thời phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức phân luồng và có phương án giảm tải lượng khách từ xa.
Với các phương tiện hoạt động trong di tích, ông Nguyễn Văn Hoạt cho biết, toàn bộ các đò đều được sơn sửa, đánh số, có phao cứu sinh, có nơi vứt rác phục vụ du khách. Người lái đò đeo thẻ tên và có chứng chỉ được Sở GT-VT cấp. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực dọc suối Yến, từ trung tâm Chùa Thiên Trù đến Chùa Hương được đảm bảo.
Hệ thống nhà vệ sinh công cộng hoàn toàn miễn phí, trong đó 2 công trình vệ sinh công cộng do Nhà nước đầu tư đã được đưa vào sử dụng. 318 ki-ốt bán hàng được phép hoạt động tại lễ hội đều ký cam kết vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Về lễ hội đền Sóc – một trong những lễ hội được phản ánh về tình trạng tranh cướp lộc phản cảm, trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Sóc Sơn cho hay, năm nay, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các đoàn rước đi đúng trật tự, không được tham gia vào tranh cướp lộc khi là người tham gia buổi lễ. Đồng thời, BTC cũng quy định cấm người tham gia mang gậy gộc vào trong lễ hội, tránh hiện tượng đả thương, xô xát trong lễ hội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính như: đảm bảo ANTT, an toàn cho người dân trong lễ hội; thực hiện văn minh lễ hội (không bán hàng rong, rải tiền lẻ…); đảm bảo vệ sinh môi trường (thu gom, vận chuyển rác, bố trí nhà vệ sinh sạch sẽ, có biển chỉ dẫn rõ ràng…); tổ chức phân luồng giao thông, quản lý bến bãi, đảm bảo trông xe đúng quy định (không để xảy ra tình trạng tự ý mở bến bãi, tự tiện nâng giá, ép giá); quản lý các hoạt động vui chơi có thưởng, không để biến tướng mê tín dị đoan.
Xung quanh thông tin Hà Nội sẽ rung chuông tại các điểm di tích và nơi linh thiêng vào thời khắc giao thừa để thay cho bắn pháo hoa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, Hà Nội chưa bao giờ có chủ trương hay quy định nào hướng dẫn về việc này.