Friday, November 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Tập cam kết: TQ không bá chủ, không bành trướng

Ông Tập cam kết: TQ không bá chủ, không bành trướng

Làm được những việc này, không những tên tuổi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lưu danh thiên cổ, mà vị thế và uy đức của Trung Hoa cũng không thể nghĩ bàn.

Channel News Asia ngày 19/1 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư 18/1, đồng thời ông kêu gọi một trật tự quốc tế đa phương dựa trên sự bình đẳng giữa các nước lớn và nước nhỏ.

Phát biểu này được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Cái gì mình không muốn, đừng làm cho người khác

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được báo chí dẫn lời nói rằng:

“Vũ khí hạt nhân nên được cấm hoàn toàn và tiêu hủy dần theo thời gian, để thế giới này không còn loại vũ khí hủy diệt ấy.

Trên nền tảng của các nguyên tắc hòa bình, chủ quyền, toàn diện và chia sẻ quản trị, chúng ta nên biến những vùng biển cả, hai cực, không gian và Internet thành sân chơi hợp tác, thay vì để chúng trở thành đấu trường cạnh tranh.

Chúng ta nên loại bỏ trật tự quốc tế thống trị bởi một hoặc một vài nước. Các cường quốc nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.

 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, ảnh: WSJ.

Hòa thuận với láng giềng, hòa nhập không hòa tan và hòa bình là những giá trị được nuôi dưỡng trong văn hóa Trung Quốc. 

Trong hơn 100 năm sau khi nổ ra Chiến tranh Thuốc phiện 1840, Trung Quốc phải chịu đựng cảnh chiến tranh và hỗn loạn vô cùng vì bị xâm lược.

Khổng Tử nói: cái gì mình không muốn người khác làm với mình, thì đừng làm cho người khác (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

Trung Quốc chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng, hòa bình và ổn định là cách duy nhất để phát triển thịnh vượng.

Trung Quốc đã phát triển từ một nước nghèo và yếu trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không phải bằng cách cam kết mở rộng quân sự hay cướp bóc thuộc địa, mà thông qua sự cần cù lao động của nhân dân, và những nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ hòa bình.

Trung Quốc sẽ không bao giờ do dự trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển hòa bình.

Bất luận nền kinh tế phát triển mạnh đến đâu, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng hoặc khuếch trương ảnh hưởng.

Lịch sử đã xác nhận điều này, và tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy”.

Nước lớn, nước nhỏ

Ông Tập Cận Bình nói với tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres:

“Nước lớn nên đối xử với các nước nhỏ hơn một cách bình đẳng, thay vì hành xử bá quyền, áp đặt ý muốn của họ lên người khác.

Không nên có một nước lớn nào mở chiếc hộp Pandora bằng cách cố ý gây chiến tranh, phá hoại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Bản chất của bình đẳng chủ quyền là, chủ quyền và phẩm giá của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều phải được tôn trọng.

Công việc nội bộ của họ không cho phép sự can thiệp, và họ có quyền lựa chọn một cách độc lập hệ thống xã hội và con đường phát triển cho mình.

Trong một thời đại mới, chúng ta nên tôn trọng chủ quyền bình đẳng, và làm việc trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi, cơ hội và các quy tắc cho tất cả các quốc gia”.

3 điều tự vấn

Người viết cho rằng, mong muốn của cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những gì ngài phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva cũng là mong muốn của hầu hết nhân loại, bởi rất nhiều quốc gia đang là nạn nhân của cạnh tranh giữa các siêu cường.

Những điều ngài nói đã được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc từ khi thành lập. 

 
Nếu quả thực mong muốn thế giới hòa bình, thượng tôn pháp luật, hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo các cơ quan tham mưu dừng quân sự hóa Biển Đông.

Tiếc rằng vì quyền lợi hẹp hòi vị kỷ mà một số siêu cường, một số tay lái súng quốc tế vẫn tìm cách “lách luật”, thậm chí bóp méo cả luật pháp quốc tế để thực hiện ý đồ bá chủ, đẩy nhiều nước nhỏ vào cảnh lầm than, sinh linh điêu đứng.

Dưới ánh sáng của nhân loại văn minh, hệ thống luật pháp quốc tế ngày càng được hoàn thiện. Nếu luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc như lời ngài Chủ tịch nói, thế giới sẽ hòa bình và ổn định hơn rất nhiều.

Với tư cách là một trong “ngũ cường” thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã làm gương như thế nào trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thiết nghĩ cũng nên đặt ra, và với cương vị đứng đầu đất nước Trung Hoa, ngài cũng nên suy nghĩ.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn lời Khổng Tử dạy: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong Luận Ngữ, thiết nghĩ ý nghĩa thật sâu xa, tầm nhìn rất chiến lược.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, làm sao để thực hiện được tầm nhìn chiến lược và nhân văn ấy? Ngài đã tìm ra tầm nhìn chiến lược này qua Luận Ngữ, thì cách thực hiện nó cũng nằm ngay trong Luận Ngữ.

Chắc có lẽ ngài Chủ tịch cũng đã từng đọc qua “tam tỉnh – ba điều tự vấn” của thầy Tăng Sâm. Ở cương vị đứng đầu đất nước như ngài, lời dạy cổ nhân càng thêm giá trị.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại lời thầy Tăng Sâm trong Luận Ngữ, có lẽ là câu trả lời phù hợp nhất cho câu hỏi vừa đặt ra, và có lẽ cũng sẽ hợp ý ngài Chủ tịch:

“Tăng Tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?”

Thầy Tăng Sâm hàng ngày đều tự hỏi mình ba điều: Làm việc gì cho ai, có hết lòng không? Giao thiệp với bạn bè, có chân thành và uy tín không? Thầy dạy cho điều gì hay, có áp dụng, luyện tập đầy đủ không?

Thiết nghĩ, phải có đủ hai nội dung trên, tư tưởng nhân văn và tiến bộ của Chủ tịch Tập Cận Bình mới có thể trở thành hiện thực. Còn nói khác với làm, rõ ràng sẽ chỉ khiến thiên hạ cười chê.

 
Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Vậy để nêu gương tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện tầm nhìn xa trông rộng và rất nhân văn ngài Chủ tịch nêu ra trước nhân loại, hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện rõ “3 điều tự vấn” như lời dạy của thày Tăng Sâm trong vấn đề Biển Đông.

Thứ nhất, đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo làm rõ ai đã tham mưu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ các giá trị của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được thể hiện qua Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016 do Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS phán quyết?

Tại sao các nội dung quy định của UNCLOS mà Trung Quốc từng góp phần rất tích cực xây dựng nên, đã được cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền giải thích rất rõ ràng và thuyết phục, nay Trung Quốc lại quay đầu bác bỏ nó?

UNCLOS là một thành tựu vĩ đại của loài người, được xem như Hiến pháp của biển và đại dương, chính Trung Quốc đã rất tích cực tham gia xây dựng.

Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 có thể xem như một bản Phụ lục bổ sung cho UNCLOS về giải thích, ứng dụng Công ước ở những vùng biển có tranh chấp phức tạp.

Nếu thực sự thượng tôn pháp luật, Trung Quốc nên xem lại thái độ của mình một cách khách quan, cầu thị và có sự điều chỉnh phù hợp: chấp nhận, tuân thủ thay vì bác bỏ và chống đối.

Thứ hai, phi hạt nhân hóa Trái Đất là điều tốt lành, là ước mong của nhân loại. Làm được điều này theo đề xuất của Chủ tịch thực là điều kỳ diệu.

RELATED ARTICLES

Tin mới