Là chất men yêu nước thì phải làm sao khi nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho giới trẻ Việt Nam phải xúc cảm và phải làm một cái gì cho Đất nước này?
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là hai phương diện giáo dục thế hệ trẻ và đấu tranh trên mặt trận học thuật quốc tế.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Hàng năm, cứ đến ngày 19/1 là tôi, một người dân đất Việt lại bồi hồi xúc động rơi nước mắt nghĩ đến một phần lãnh thổ của cha ông vẫn chưa trở về với Đất Mẹ – quần đảo Hoàng Sa thân yêu.
Tôi nhớ rất rõ, 9 giờ sáng ngày 20/1/1975 tôi đã rơi nước mắt khi giới thiệu GS Trần Văn Quế, đại diện Ban Tổ chức đọc lời phát biểu khai mạc Triển lãm Sử liệu Hoàng Sa và ra mắt Tập San Sử Địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa.
Tham dự sự kiện này có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải. Tôi rất xúc động không cầm nước mắt, mọi người ôm nhau khóc ròng.
Tôi khóc vì tròn một năm trước đó thôi, Trung Quốc nổ súng đánh chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, trong khi nước nhà vẫn chưa thống nhất.
Lúc đó tôi khóc, vì tôi tủi thân cho quốc gia, dân tộc chúng ta đang là nạn nhân của thời cuộc quốc tế, của các siêu cường.
Ngày 16/6/2012 Giáo sư Thomas Vallely, Luật gia Tạ Văn Tài và tôi cùng chủ tọa hội thảo về Biển Đông tại Đại Học Harvard. Khi Tiến sĩ Minh Phương, giảng viên Harvard nhắc đến biến cố ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa, làm tôi lại xúc động rơi lệ.
Có người hỏi tại sao? Vì mỗi lần nhắc biến cố đó là một lần xoáy vào trái tim tôi đã từng thổn thức. Tôi vẫn thường nói rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là chất men yêu nước.
Trong một lần nói chuyện về Biển Đông với các bạn trẻ cùng nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy, tôi rất tâm đắc với câu nói phát biểu của một nữ sinh viên tại Trường Đại Học Ngoại Thương Hà Nội năm 2011:
“Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa và Trường Sa là có tội với Tổ tông và Dân tộc”. Em chia sẻ điều này khi nghe tôi nói: “bất cư ai làm cho Đất nước yếu hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”.
Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cùng người thân trên đường Hoàng Sa, thành phố Hồ Chí Minh sáng 20/1/2017. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Là chất men yêu nước thì phải làm sao khi nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho giới trẻ Việt Nam phải xúc cảm và phải làm một cái gì cho Đất nước này?
Chúng ta phải cùng suy nghĩ, làm cách nào giúp con em chúng ta nuôi dưỡng cho mình một ước mơ, xây dựng cho mình một kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc biển.
Chỉ khi nào Việt Nam trở thành cường quốc mới làm chủ được vận mệnh mình và có thời cơ mới lấy lại Hoàng Sa.
Tôi cũng thường nói Việt Nam có mặt mạnh nhất là các bằng chứng lịch sử rất có giá trị pháp lý trong việc xác lập và thực thi chủ quyền đầu tiên, hòa bình, liên tục và hợp pháp tại Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Nhưng khi có cơ hội ra nước ngoài, tôi đi rất nhiều nơi đều thấy rất vắng bóng tài liệu của Việt Nam, trong khi đó lại tràn ngập các tài liệu của Trung Quốc.
Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, hiện nay Trung Quốc có 1000 luận văn, luận án về Biển Đông. Thực tế đó đáng buồn, đáng để chúng ta phải trăn trở nghĩ suy.
Tôi cũng từng nói với các sinh viên cao học sử về chủ quyền biển đảo tại Đại học Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh rằng, phải hứa trong đời các học viên, ít nhất mỗi người phải hướng dẫn 10 học trò của mình làm luận văn, luận án vể Biển Đông.
Muốn trở thành cường quốc biển thì giáo dục phải làm được hai điều: một là giáo dục cho thanh niên Việt Nam có “kỹ năng yêu nước” như thanh niên Nhật Bản.
Từ nhỏ, học sinh, thanh thiếu niên Nhật Bản đã có những hành động yêu nước, đến khi làm công ty, doanh nhân góp phần xây dựng đất nước hùng cường, những gi hại cho Đất nước, nhất định họ không làm.
Hai là cần phải giúp cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hình thành nên tư duy sáng tạo như thanh niên Do Thái.
Và để có một xã hội tốt đẹp, theo tôi nên có hai điều: một là không được nói dối và hai là đối xử tử tế với nhau, phải xây dựng tình đoàn kết dân tộc vững chắc.
Trong thời gian qua, tôi đã sáng lập “Quỹ văn Hóa Giáo Dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã” với chủ trương cùng nhau 4 đề án. Trong số này, đề án đầu tiên là “Đề án cùng nhau quảng bá chủ quyền của Việt Nam ra thế giới”.
Hy vọng trong năm 2017 sẽ có hai cuốn sách bằng tiếng Anh của tôi xuất bản: “Vietnam ‘s Sovereignty over the Paracels & Spratlys Islands – A History in Document” do Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Chúng tôi cũng đang vận động một đại học ở Mỹ xuất cuốn “Evidences of Vietnam’s Sovereignty over Paracel Islands and Spratly Islands” do ông Vinh-The Lam, M.L.S. Librarian Emeritus, University of Saskatchewan, Canada biên dịch.
Đây là bản dịch sang tiếng Anh từ cuốn “Những bằng Chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” của tôi do NXB Giáo Dục Việt Nam xuất bản.
Chúng tôi rất mong muốn cùng nhau đưa hai cuốn sách này tới các trường đại học trên thế giới có môn học hay ngành học Á Châu. Đó cũng là tâm nguyện của cá nhân tôi và mong được mọi người chia sẻ.